Cuộc đời doanh nhân Nguyễn Khánh Trình là những ngày tháng khởi nghiệp, từ quảng cáo, thực phẩm sạch đến tuyển dụng. Nhìn lại quãng đường đã trải qua, anh nhấn mạnh, trong xây dựng sự nghiệp nói chung, chăm chỉ và kiên định là hai yếu tố tiên quyết.
Đưa CleverAds trở thành công ty đại chúng
Từ một giảng viên đại học trước khi bước vào con đường kinh doanh, Nguyễn Khánh Trình là cái tên quen thuộc đối với giới doanh nhân trong lĩnh vực Internet và quảng cáo ở Việt Nam. Là đối tác quảng cáo đầu tiên của Google ở Việt Nam, CTCP Quảng cáo Thông minh (CleverAds) do Khánh Trình sáng lập và điều hành đã bước sang tuổi 11.
Thẳng thắn và không màu mè, con người Nguyễn Khánh Trình cũng giống như cách mà anh vận hành CleverAds.
"Bước sang tuổi 11, CleverAds vẫn như xưa, không hoa mỹ như Barca, không ồn ào như Machester United, nhưng bình tĩnh và thực dụng như đội tuyển Pháp hồi năm 2018", anh ví von.
Từng bán cổ phần cho các quỹ đầu tư nước ngoài vào năm 2010 (CyberAgent Ventures – nay là CyberAgent Capital) và 2015 (Yellow Digital Marketing Group – Hàn Quốc), Cleverads sẽ hoàn thành "ước nguyện cuối cùng" là niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán ngay trong năm 2019.
Với các chỉ số kinh doanh tốt, các nhà đầu tư muốn đưa Cleverads trở thành công ty đại chúng, như một case study thành công, truyền cảm hứng cho người trẻ khởi nghiệp. Nguyễn Khánh Trình chia sẻ: "Người trẻ có khát vọng, tri thức hoàn toàn có thể tìm chỗ đứng trong thế giới kinh doanh của cách mạng 4.0 ở Việt Nam".
Tái khởi nghiệp với thực phẩm sạch: Sói Biển Trung Thực
Sau khi CleverAds dần ổn định và phát triển vững chãi, Nguyễn Khánh Trình và những người anh em cùng chí hướng tiếp tục thực hiện giấc mơ thứ hai – thực phẩm sạch.
Họ cùng nhau đi vỡ đất, xây nên Trang trại Trung Thực, chọn từng con gà, mua từng con heo nái, bắt từng con giống. Tháng 4/2016, họ bổ nhát cuốc đầu tiên tại Sóc Sơn, lấy kim chỉ nan là những hành vi trung thực bắt đầu cho hành trình kinh doanh thực phẩm sạch của Nguyễn Khánh Trình.
"Ai cũng nghĩ tôi nghịch như vậy đã đủ dại chưa? Nhưng tôi rất nghiêm túc và kiên định, chăm chỉ hơn đứt nông dân. Nên chờ trời thương nữa thì sớm hay muộn tôi cũng có thành quả!", anh nói.
Trải qua nhiều khó khăn, Trang trại Trung Thực đã đạt quy mô tương đối: hơn 2 vạn gà, 4.000 heo, sản xuất tất cả với quy trình khép kín.
Sau đó, với mong muốn phát triển cửa hàng bán lẻ rộng khắp, anh đã gặp Trần Quân – CEO trẻ của Sói Biển. Cuộc gặp gỡ đã đi đến quyết định sát nhập Sói Biển và Trang trại Trung Thực thành một thực thể - CTCP Sói Biển Trung Thực. Hiện nay, toàn bộ các sản phẩm của Trang trại Trung Thực được bán tại Sói Biển và đáp ứng 20% nhu cầu sản phẩm của Sói Biển.
Nói về cạnh tranh giữa các cửa hàng thực phẩm sạch, anh Nguyễn Khánh Trình chia sẻ, 80% sản phẩm của Sói Biển tương tự với các cửa hàng thực phẩm sạch khác, khi nhà cung cấp của các hãng dùng chung tới 80%. Việc cập nhật, thay đổi sản phẩm là thách thức chung cho các cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch. Hiện nay, Sói Biển hướng tới phân khúc trung cấp và cao cấp và đang cố gắng mở rộng tệp khách hàng.
"Kinh doanh bán lẻ rất khó! Bán lẻ thực phẩm là môn bán lẻ khó nhất! Đến giờ tôi mới thực sự hiểu câu này!", anh nói.
Anh chia sẻ, kinh doanh bán lẻ, đặc biệt bán lẻ thực phẩm là khó nhất vì nhiều tình huống đau đầu, liên quan đến xử lý hàng tồn, giấy chứng nhận, chứng chỉ và các đợt kiểm tra trong một thị trường thật giả lẫn lộn ở Việt Nam. Nhiều vấn đề nhỏ nhặt, chi tiết phát sinh mà người làm chủ không thể lường trước.
Hiện tại, Sói Biển có 35 cửa hàng tại Hà Nội và dự kiến mở thêm 40-50 cửa hàng. Công ty bắt đầu tấn công thị trường TP HCM trong năm 2019. Sói Biển đặt mục tiêu đến năm 2021 có 200 cửa hàng.
Dự án tuyển dụng JobsGo
Bên cạnh lĩnh vực thực phẩm, Nguyễn Khánh Trình còn thử sức với lĩnh vực tuyển dụng. 5 năm trước anh đã thực hiện một dự án về tuyển dụng là CleverJobs nhưng không thành công. Không bỏ cuộc, Nguyễn Khánh Trình cùng một người bạn khác tiếp tục khởi nghiệp trong lĩnh vực tuyển dụng, lĩnh vực anh cho rằng là khâu khó nhất đối với mọi loại hình kinh doanh.
Đổ vỡ rồi xây lại một lần nữa, JobsGo ra đời. Chia sẻ tầm nhìn và chí hướng của JobsGo, anh đã thuyết phục được Phạm Thanh Hải về làm Giám đốc điều hành cho startup non trẻ.
"Hiện tại, JobsGo là website đứng thứ ba về quy mô tuyển dụng tại Việt Nam", Nguyễn Khánh Trình khẳng định.
Trong chương trình Shark Tank Việt Nam năm 2018, JobsGo đã nhận được cam kết đầu tư 2 tỉ đồng từ "cá mập" Dzung Nguyễn – quản lý quỹ đầu tư CyberAgent Ventures tại Thái Lan và Việt Nam, với điều kiện Phạm Thanh Hải sẽ gắn bó với JobsGo trong ít nhất ba năm.
Đầu tư vào công ty khởi nghiệp
Trong quãng thời gian ba năm từ 2015-2018, Nguyễn Khánh Trình thường xuyên di chuyển sang nước Mỹ và gặp nhiều người bạn làm việc cho các công ty công nghệ hàng đầu ở Thung lũng Sillicon. Họ đều là những người Việt hai quốc tịch, với mong muốn đóng góp cho đất nước, trong ngành công nghệ thông tin và internet. Nguyễn Khánh Trình nhận định, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và anh tin sẽ có một cuộc bùng nổ Internet ở thị trường Việt Nam.
CEO CleverAds cho rằng, năng lực nội tại, đào tạo công nghệ thông tin và Internet ở Việt Nam là hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Singapore. Điều kiện nhân lực của các nước khác như Indonesia, Malaysia, Thái Lan không bằng Việt Nam nhưng khởi nghiệp ở các nước này hơn hẳn Việt Nam nhờ điều kiện chính sách, môi trường kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn.
Anh nói: "Nhân lực công nghệ thông tin của Indonesia rất kém, nhưng họ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Thế nên các công ty khởi nghiệp lớn nhất của họ đều nhận vốn đầu tư từ nước ngoài. Họ là quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất và đang là thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á. Số lượng công ty khởi nghiệp của họ không nhiều nhưng chất lượng lại tốt. Ví dụ, Việt Nam là đất nước số một về xe ôm, nhưng hai hãng gọi xe lớn nhất ở Việt Nam là Grab đến từ Malaysia (sau đó chuyển trụ sở Singapore), còn Go- Viet (Go-Jek) từ Indonesia".
Anh cũng nói thêm, nhân sự công nghệ thông tin của Việt Nam có trình độ lập trình tốt. Nhưng để xây dựng được một doanh nghiệp có "sức nặng" , nhân sự Việt Nam còn yếu về quản lý doanh nghiệp, vận hành và gọi vốn.
Với mục tiêu đóng góp cho giới khởi nghiệp Việt Nam, Nguyễn Khánh Trình cùng 5 người bạn đang làm việc cho Google, Facebook thành lập CTCP Đầu tư mạo hiểm Thung lũng Việt - Viet Valley Ventures (VVV) quy mô 3 triệu USD.
"So với các quỹ đầu tư khởi nghiệp thì đó là một con số rất nhỏ. Công ty có giấy đăng ký kinh doanh từ tháng 1/2019 và bước đầu đã đầu tư được hai công ty. Một thương vụ của VVV dao động từ 100.000 tới 500.000 USD, tập trung vào các công ty giáo dục, các lĩnh vực ứng dụng dịch vụ Internet", anh nói.
Dưới 30 tuổi, ta phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày
Nguyễn Khánh Trình khiêm tốn bản thân là người không thông minh, không học giỏi, không có vốn: "Tôi là một người làm việc rất chăm chỉ. Đó là điểm khác biệt duy nhất giữa mình và người khác. Người ta cứ cho rằng người Việt mình rất chăm chỉ, nhưng tôi thấy cũng bình thường. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là những nơi tôi từng đến và thấy rằng họ làm việc rất, rất chăm chỉ", anh bình luận.
Về xây dựng sự nghiệp nói chung và khởi nghiệp – xây dựng sự nghiệp nói riêng, Trình nhận định chăm chỉ và kiên định là yếu tố tiên quyết.
"Trước 30 tuổi, các bạn phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày: sáng 4 tiếng (8h-12h), chiều 4 tiếng (1h-5h), tối 4 tiếng (8h-12h)".
Nguyễn Khánh Trình
Để tạo nên thành quả khác biệt, quá trình làm việc như vậy phải diễn ra trong thời gian dài, thậm chí đến hàng thập kỷ. Sự thay đổi về lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất. Bên cạnh đó, sự kiên định trong việc theo đuổi sự nghiệp là yếu tố nhất định phải có – đây là điều mà anh cho rằng rất nhiều người trẻ thiếu sót.
Trong cuộc sống, chính quan điểm đề cao phẩm chất kỷ luật và chăm chỉ cũng hình thành nên một "ông bố" Nguyễn Khánh Trình cực kỳ nghiêm khắc nhưng rất tình cảm đối với con.
"Dù mưa hay nắng, cứ đúng giờ bố con cùng nhau vác cuốc ra đồng". Bởi vậy, cô con gái của ông chủ Khánh Trình luôn là cô gái đến sớm nhất lớp, không ngại đợi cô giáo cũng như các bạn vào lớp học.
Trong giáo dục con cái, cựu giảng viên không coi trọng quá mức thành tích học hành lên con. Ông chủ Nguyễn Khánh Trình chỉ mong muốn tạo điều kiện tốt nhất để con cái phát triển toàn diện và có thể trở thành những công dân toàn cầu.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng