Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Ông chủ Phú Thái và chiến lược đi xa để về gần

23/01/2018 10:12

Sân chơi hội nhập mở ra cơ hội, nhưng đi kèm vô vàn thách thức, buộc doanh nghiệp Việt đôi khi phải lui chân. Song, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Phú Thái Holdings tin rằng, sẽ có lúc gió đổi chiều, doanh nghiệp Việt sẽ đủ sức nắm giữ thị trường. Chìa khóa là sự chủ động trong chiến lược đi cùng với những người khổng lồ.

Bước lui chân đầy toan tính

Gần đây, thị trường rộ lên thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái (Phú Thái Group) gần như không còn thuộc về ông Phạm Đình Đoàn, người sáng lập Công ty cách đây hơn 24 năm.

Thực ra, tin Tập đoàn phân phối, bán lẻ Thái Lan Berli Jucker (BJC) mua gần 65% Phú Thái Group không phải quá mới hay quá bất ngờ trong giới kinh doanh phân phối, bán lẻ, nhất là khi Phú Thái Group chỉ là một trong số 6 công ty con của Phú Thái Holdings – nơi ông Đoàn nắm sở hữu 90% và đang giữ vị trí Chủ tịch.

.
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái (Phú Thái Holdings)

 

 

Hơn thế, người sáng lập Phú Thái Group cũng không ít lần lên tiếng về kế hoạch tái cơ cấu, trong đó có việc tìm kiếm đối tác ngoại uy tín để đi đường dài cho thương hiệu này, nhất là sau khi nỗ lực bắt tay với 3 đại gia trong ngành (gồm Hapro, Satra và Saigon Co.op) để tạo nên thương hiệu riêng cho chuỗi đại siêu thị VDA vào năm 2007 bất thành.

“Khi đó, chúng tôi đã muốn tận dụng thời gian trước mở cửa, để đi nhanh, đặt chỗ sớm cho thương hiệu phân phối, bán lẻ Việt trước khi thị trường mở cửa vào năm 2009 theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng, mọi việc đã không như dự tính. Thời điểm đó, dù VDA có 3 cổ đông là doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn là công ty cổ phần, rất khó tiếp cận đất đai, mà lĩnh vực này thì địa điểm là yếu tố then chốt để thành công”, ông Đoàn lý giải về sự thất bại của VDA trước đó.

Nhưng, thông tin trên cũng hàm ý chia sẻ lý do ông buộc phải chủ động chọn cách liên kết với đối tác ngoại qua việc bán cổ phần của Phú Thái Group trước khi các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài được phép hiện diện ở Việt Nam từ tháng 1/2015 theo cam kết WTO. Mục tiêu khá rõ, là học tập kinh nghiệm cho việc phát triển đường dài của doanh nghiệp và tránh đối đầu với các đại gia ngoại cùng ngành.

Dù được xác định là thị trường có tăng trưởng mạnh mẽ và rất hấp dẫn, quy mô thị trường lên tới 110 tỷ USD (năm 2016, theo tính toán của Viện Nghiên cứu Thương mại) và sẽ tăng lên 179 tỷ USD vào năm 2020, nhưng “miếng bánh” này dường như quá to so với phần lớn doanh nghiệp Việt.

“Ai bước chân vào phân phối, bán lẻ hay thương mại điện tử hàng tiêu dùng ở Việt Nam mới thấy hết sự chênh lệch giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại. Vì năng lực tài chính yếu, khả năng quản trị và quy mô hạn chế (chỉ trong phạm vi Việt Nam), nên các doanh nghiệp nội rất khó có khả năng đứng vững hoặc điều khiển cuộc chơi. Hệ quả là khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nội thường không cao, thậm chí thua lỗ,...", ông Đoàn thừa nhận.

Phú Thái Group không ngoại lệ, dù là công ty có thâm niên, chuyên trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng. Năm 2015, doanh số của Phú Thái Group chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng,  chiếm 25% trong tổng số hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu của Phú Thái Holdings, lợi nhuận cũng chỉ chiếm 5-10%.

“Chúng tôi muốn Phú Thái Group đi cùng với đối tác có tiềm lực lớn để có sức cạnh tranh và phát triển. Cho đến giờ, việc hợp tác đó đã hậu thuẫn tốt cho Phú Thái Group trong thị trường phân phối, bán lẻ cạnh tranh và vô cùng khốc liệt, nhất là khi có thêm nhiều tên tuổi lớn nước ngoài xuất hiện”, ông Đoàn nói.

Đi cùng người khổng lồ

Ông Đoàn có quan niệm rất sớm về kế hoạch bắt tay với các đối tác nước ngoài. Vốn là dân “Tây học”, nên lý thuyết phát triển trên vai người khổng lồ được ông vận dụng khá sớm trong chiến lược kinh doanh của mình.

Điều này thể hiện rõ trong chiến lược của Phú Thái Holdings, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với 6 doanh nghiệp thành viên. Mỗi công ty con khi thành lập đều được xác định phải đủ năng lực để bắt tay được với đối tác ngoại.

Đơn cử, Phú Thái Holdings đang sở hữu 60% cổ phần tại  Phú Thái CAT, công ty chuyên phân phối, lắp ráp máy cho hãng Caterpilar - hãng lớn nhất thế giới về máy móc và thiết bị của Mỹ. Tháng 5/2017, Phú Thái Holdings và Caterpilar đã ký hợp tác chiến lược cho giai đoạn phát triển tới của Phú Thái CAT, tiếp tục khẳng định hướng đi là nhà phân phối hàng công nghiệp chuyên dụng.

Hay Công ty cổ phần Thời trang Kowil - công ty sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang hơn 1.000 cửa hàng các nhãn hiệu Owen, Winny, Wonnerful mà Phú Thái Holdings nắm trên 50% cổ phần, đối tác ngoại lớn thuộc về doanh nghiệp lớn nhất của Nhật Bản trong lĩnh vực dệt may.

Theo ông Đoàn, việc bán một phần cổ phần của công ty con luôn được cân nhắc trong chiến lược mở rộng, cơ cấu tập trung vào ngành nghề cốt lõi có lợi thế, đảm bảo doanh nghiệp luôn phát triển bền vững, có sức cạnh tranh và hội nhập cao.

Mục tiêu của chiến lược này, trong tính toán của ông Đoàn, không phải là tiền, mà là công nghệ, thị trường và sự chuyên nghiệp trong quản trị. Có điều kiện này, doanh nghiệp Việt mới thực sự cùng đẳng cấp với đối tác ngoại. Tuy nhiên, để chọn được đúng đối tác và hợp tác được, nội lực của doanh nghiệp là chìa khóa.

Còn nhớ, khi quyết định bán 19% cổ phần của Kowil cho đối tác Nhật Bản, ông Đoàn đã nhắc tới 2 điều kiện đi kèm. Thứ nhất, đối tác phải “đẩy” sản phẩm của Kowil sang Myanmar, Lào, Campuchia và quan trọng nhất là sang thị trường Nhật Bản. Thứ hai, phải chuẩn hóa hệ thống của Kowil, với tham vọng trong 3 đến 5 năm nữa sẽ đưa công ty này trở thành một trong những công ty thời trang đứng đầu Việt Nam.

Chiến lược đi xa để về gần

Ngay trong kế hoạch bắt tay với người Nhật của Kowil, ông Đoàn kỳ vọng nâng giá trị  Kowil lên tới hơn 100 triệu USD, bởi những thế mạnh mà Kowil có được từ đối tác trong nước và nước ngoài.

“Khi thảo luận, đối tác nhìn thấy thế mạnh đó, cũng đề nghị nâng mức cổ phần được mua lên 30-40%, nhưng chúng tôi chỉ giới hạn ở mức 19% để đảm bảo mục tiêu đi cùng với ‘người khổng lồ’ trong mảng kinh doanh mà chúng tôi có lợi thế”, ông Đoàn nói.

Thực ra, ngay khi bắt đầu tính tới kế hoạch mà ông Đoàn gọi là kết thân với đối tác ngoại cho công ty thành viên, bài toán chủ động và tự bảo vệ luôn được tính tới, thông qua tỷ lệ bán cổ phần.

Quan điểm của người đang sở hữu tới 90% Phú Thái Holdings khá rõ, đó là mua bán - sáp nhập (M&A) là một nghiệp vụ trong kinh doanh. Với doanh nghiệp Việt, nếu không giữ vững và cạnh tranh được, thì việc bị thâu tóm từ doanh nghiệp ngoại là khó tránh. Nhưng, nếu chủ động, có chiến lược thì tình hình này sẽ được chuyển hóa từ thâu tóm thành hợp tác. Khi đó, doanh nghiệp còn chủ động về nguồn vốn, tận dụng công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý, tránh cạnh tranh đối đầu.

Ngoài ra, với việc liên kết với đối tác lớn thì Phú Thái có cơ sở để tiếp tục đầu tư, thậm chí liên kết với chính các đối tác ngoại để mở rộng đầu tư ở quy mô lớn ở Việt Nam trong tương lai.

Đây cũng là phương thức hội nhập khôn ngoan mà nhiều thương hiệu Việt trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ đã áp dụng, như Nguyễn Kim, Công ty Phân phối Hương Thủy, FiviMart, CitiMart, Công ty Phân phối MESA...

Nhưng, cũng không thể không nhắc tới tâm lý lo ngại  cho các doanh nghiệp Việt, khi trong làn sóng M&A, ưu thế khá rõ thuộc về đối tác ngoại.

“Với người kinh doanh, trong nền kinh tế thị trường hội nhập, cạnh tranh, đây là việc bình thường. Thậm chí, tại sao chúng ta không nghĩ tới chiến lược lùi 1 bước để tiến 2, 3 bước”, ông Đoàn thẳng thắn và nhắc tới câu chuyện của các doanh nghiệp Thái Lan.

15 năm trước, hệ thống thương mại hiện đại của Thái Lan cũng tràn ngập tên tuổi ngoại, như  Tập đoàn bán lẻ Tesco (Anh), Big C, Carrefour (Pháp)... Nhưng, 3-4 năm gần đây, gió đã xoay chiều, doanh nghiệp Thái trưởng thành như Tập đoàn TCC, Central đã lại trở thành chủ của các hệ thống bán lẻ sau khi mua lại cổ phần từ nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp ngoại khi đầu tư vào Việt Nam đều có mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán. Nếu doanh nghiệp Việt đủ mạnh, có chiến lược rõ ràng hoàn toàn có thể mua lại trên sàn hoặc mua lại doanh nghiệp nước ngoài trong vòng 5-10 năm tới.

Có vẻ như cách chủ động bắt tay với đối tác ngoại của ông Đoàn cũng nằm trong kế hoạch đi xa để về gần của nhiều thương hiệu Việt...

Trò chuyện với doanh nhân Phạm Đình Đoàn

Ông nhìn nhận thế nào về các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp nội và ngoại?

Thế giới thay đổi nhanh chóng và khó đoán định, trong khi năng lực của các doanh nghiệp Việt còn hạn chế ở mặt này hay mặt khác.

Nếu chúng ta có cơ hội để liên kết với các đối tác nước ngoài có tiềm lực, phù hợp theo chiến lược ‘win – win’ rõ ràng, thì tại sao không M&A. Khi đó, bài toán là 1+1 sẽ bằng 3 và thậm chí hơn thế.

Doanh nghiệp Việt sẽ tìm kiếm được gì?

Không chỉ doanh nghiệp Việt mà cả nền kinh tế Việt Nam đang rất cần vốn và công nghệ để phát triển nhanh, bền vững, minh bạch.

Theo ông, nền kinh tế sẽ được gì?

Có nhiều doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, nộp thuế; có nhiều công ăn việc làm và quan trọng là có doanh nghiệp Việt lớn mạnh, có khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu.

Khánh An/Đầu Tư

Bạn đang đọc bài viết "Ông chủ Phú Thái và chiến lược đi xa để về gần" tại chuyên mục Doanh nhân.