‘Ông chủ’ VPBank Ngô Chí Dũng: Đại gia xuất thân từ ‘mỳ tôm’

20/11/2017 12:52

Ít ai biết được, Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng, người vừa lọt top 20 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, có xuất thân từ những gói mỳ ăn liền tại Nga.

Trước khi trở thành ông chủ nhà băng, ông Ngô Chí Dũng từng khởi nghiệp cùng “ông trùm” mỳ tôm tại Nga, ông Đăng Khắc Vỹ (hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Viết Nam – VIB).

Ngay sau khi lên sàn ngày 17/8 vừa qua, VPBank nhanh chóng làm “chao đảo” thị trường chứng khoán, trở thành thế lực hùng mạnh với giá trị vốn hóa trên 2 tỷ USD. Cụ thể, Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) vừa ra thông báo số 933/TB-SGDHCM về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VPB. Theo đó, hơn 1,33 tỷ cố phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sẽ chính thức được giao dịch trên HoSE từ ngày 17/8/2017. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 39.000 đồng/cổ phiếu.

Ngay lập tức, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, nhanh chóng bước lên vị trí thứ 11 trong Danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tính đến hết tháng 7/2017, ông Dũng sở hữu 70.257.132 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 5% cổ phiếu VPBank. Với giá hiện tại là 39.000 đồng/cổ phiếu VPB thì tổng tài sản của ông Dũng lên tới 2.740 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Hoàng Anh Minh, vợ ông Dũng và bà Vũ Thị Quyền, mẹ ông Dũng đang lần lượt sở hữu 67.918.279 cổ phiếu VPB và 66.557.256 cổ phiếu VPB, tương đương giá trị 2.649 tỷ đồng và 2.596 tỷ đồng. Như vậy, ông Ngô Chí Dũng và gia đình đang nắm giữ đến 204.732.667 cổ phiếu VPBank với số tiền là 7.984 tỷ đồng.

Được biết, ông Ngô Chí Dũng sinh năm 1968, quê tại Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ông Dũng tốt nghiệp Đại học thăm dò địa chất Matxcova chuyên ngành kỹ sư địa chất công trình. Năm 2012, ông Dũng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế của Viện nghiên cứu chiến lược chính trị kinh tế Viện hàn lâm khoa học Nga.

Trước khi trở thành ông chủ nhà băng, ông Ngô Chí Dũng từng khởi nghiệp cùng “ông trùm” mỳ tôm tại Nga, ông Đặng Khắc Vỹ (hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Viết Nam – VIB). Công ty mỳ tôm này khá nổi tiếng và được ưa chuộng tại Nga, có tên là Rollton. Đây là thương hiệu mỳ ăn liền từng “đánh bại” Masan do ông Nguyễn Đăng Quang thành lập. Sau khi “thua trận” tại thị trường Nga, Masan mới được đưa về Việt Nam.

Công ty Rollton thuộc tập đoàn Future Generation Group (FC), là thương hiệu Việt do liên minh Vỹ - Dũng sáng lập vào năm 1998. Không chỉ là thương hiệu mỳ ăn liền có tiếng trên đất Nga, Rollton còn tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người Việt sinh sống và làm việc tại Nga và người dân Nga. Năm 2012, tại Đại hội khóa VI, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, diễn ra tại Matxcova đã đánh giá cao và ghi nhận thành tích vượt trội của công ty Rollton, đặc biệt là về vấn đề tạo ra công việc lao động cho người dân.

Ngoài ra, ông Ngô Chí Dũng cũng từng là Chủ tịch Hội người Việt tại Nga, nhưng đến năm 2011, ông đã xin từ chức vì lý do chuyển về Việt Nam sinh sống và làm việc.

Trong giai đoạn 1996 đến năm 2004, ông Dũng là cổ đông sáng lập và được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cùng ông Đăng Khắc Vy.

Từ năm 2005 đến 2010, ông Ngô Chí Dũng nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư Liên Minh và Tập đoàn KBG (Liên bang Nga), đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Mặc dù từng nắm giữ nhiều cương vị tại ngân hàng VIB và Techcombank, tuy nhiên, đây đều không phải là “bến đỗ” thực sự của ông Dũng. Bởi dù ở VIB hay Techcombank, ông Dũng đều không có “thực quyền” so với người chủ VIB, ông Đăng Khắc Vỹ và hai đại gia Masan, ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch) cùng ông Nguyễn Đăng Quang (Phó Chủ tịch thứ nhất) ở ngân hàng Techcombank.

Đến tháng 3/2010, ông Nguyễn Chí Dũng chính thức bước chân vào HĐQT VPBank, và đây mới thực sự là “mảnh đất” mà ông có thể thỏa sức “vẫy vùng”.

Những cải cách mạnh mẽ tại VPBank

Không thể phủ nhận, ông Ngô Chí Dũng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển và đi lên của VPBank như hiện nay. Thay đổi rõ rệt đầu tiên phải kể đến ngày kỷ niệm thành lập ngân hàng đầu tiên mà ông Dũng nhậm chức Chủ tịch. Thay vì một buổi lễ tẻ nhạt, nhàm chán như trước đó, lần này, ông Dũng đã chủ trương đầu tư lớn với hai cầu truyền hình ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh truyền tiếp với nhau cùng những màn cổ vũ tinh thần cuồng nhiệt cho những người tham gia. Những nhân viên tại VPBank đều có thể cảm nhận được một luồng gió mới đang thổi vào ngân hàng này.

Tháng 11/2010, VPBank phát hành đại chúng 154 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hành với giá 14.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng (trước đó là vốn điều lệ là 2.400 tỷ đồng). Đây được xem là một quyết định vô cùng táo bạo tại thời điểm hầu hết các kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn ngân hàng với giá trị hàng nghìn tỷ đồng đều không thể thành công, kể cả đối với những ngân hàng “hạng A”.

Không chỉ vậy, mức giá phát hành cổ phiếu của VPBank còn cao ngang ngửa “đàn anh, đàn chị” từng niêm yết như Sacombank, Eximbank. Điều này khiến nhiều người khó tin với mức giá phát hành “trên trời” như vậy. Ấy vậy mà, bất chấp nhiều dự báo e ngại trước đó, VPBank đã thành công chỉ sau 1 tháng. Theo lãnh đạo VPBank, ông Ngô Chí Dũng đã quyết tâm sẽ đầu tư dài hạn và tăng giá trị thực cho VPBank bằng một lượng “tiền tươi” lớn.

Ngoài ra, vị lãnh đạo này có cho biết, “Nếu một người sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua cổ phiếu VPBank so với giá thị trường cũng đồng nghĩa với việc người đó muốn đi lâu dài. Hành động này của Chủ tịch Ngô Chí Dũng thì những người bên trong là hiểu rõ nhất và mọi người đều tin tưởng ông chủ mới”.

Tháng 7/2012, ông Nguyễn Đức Vinh – cựu CEO và Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank trở thành tân Tổng giám đốc của VPBank nhờ “sự thuyết phục” hết lòng của ông Dũng. Ông Nguyễn Đức Vinh là một trong ba CEO xuất sắc nhất, có thực quyền và từng hưởng lương triệu đô. Với việc “đón tiếp” một vị lãnh đạo mới có tâm và có tầm như ông Vinh, VPBank như càng như “hổ được tiếp thêm cánh”.

Tại lễ nhậm chức của CEO VPBank, ông Ngô Chí Dũng phát biểu, “Chúng tôi tin và hy vọng ông Vinh sẽ vững vàng chèo lái, dẫn dắt VPBank tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu tham vọng của chiến lược phát triển VPBank đến hết năm 2015”.

Năm 2016 là năm cận cuối của lộ trình triển khai chiến lược 5 năm. VPBank đã đạt được những kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng với nhiều chỉ số đạt được ở mức tốt nhất từ trước đến nay, phản ánh rõ hiệu quả hoạt động cũng như tốc độ phát triển bền vững của ngân hàng theo đúng mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Đồng thời, VPBank cũng xuất sắc nhận được nhiều giải thưởng uy tín như giải thưởng “Ngân hàng thương mại tốt nhất” và “Ngân hàng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tốt nhất” do tạp chí International Banker (UK) bình chọn; và giải thưởng “Ngân hàng có dịch vụ khách hàng tốt nhất”, “Ứng dụng ngân hàng di động tốt nhất”, “Giải pháp tài chính dành cho hộ kinh doanh cá thể tốt nhất Việt Nam” do tạp chí Global Banking & Finance Review trao tặng,…. Đặc biệt, VPBank còn xếp thứ 26 trong danh sách những môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam.

Trang Lê/VNF