Ông Vũ cho rằng mình là 'nạn nhân' của bà Thảo và 'tố cáo' người vợ 'làm toàn bộ tê liệt', có 'bản tính hung dữ', bịa chuyện và nhấn mạnh rằng một người bình thường có lương tri sẽ không làm những việc như vậy.
Chiều 20/2, phiên tòa phân xử vụ li hôn và phân chia tài sản giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục bằng phần đặt câu hỏi của các luật sư. Trước đó, trong buổi sáng, các bên đã nêu yêu cầu về nuôi con, số tiền trợ cấp và tỷ lệ phân chia số tài sản hơn 8.000 tỷ đồng.
“Chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ”
Khác với phong thái, lời nói nhẹ nhàng trong các video trên mạng, tại tòa ông Vũ nhiều lần lớn tiếng và liên tục chỉ trích bà Thảo. Ông vũ xưng “tôi” và gọi vợ là “cô”, nhưng với người khác ông vẫn xưng mình là “qua”.
Dù trả lời câu hỏi của luật sư nhưng ông Vũ thường nhìn thẳng và chỉ tay về phía bà Thảo. Về phần mình, bà Thảo giữ vẻ lạnh lùng, không nhìn ông Vũ mà chỉ quay sang trao đổi với những người đại diện ngồi cạnh.
Ông Vũ có nhiều lời nặng nề khi nói về vợ, thậm chí cho rằng bà Thảo là người “không từ thủ đoạn nào” để giành quyền lực, và chính là người cản trở tầm nhìn và hướng đi của tập đoàn Trung Nguyên.
“Chục năm về trước tôi nhận thấy cô ấy là điểm nghẽn” – ông Vũ nói. Tuy vậy ông cũng nói “không ai muốn loại cô ra khỏi Trung Nguyên này hết” nhưng “chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ, trên phải ra trên, dưới phải ra dưới, phải có trật tự”.
Trong khi đó bà Thảo cho biết, bà nhận ra “sự biến đổi rất nhiều” của ông Vũ vào năm 2013. Khi đó ông Vũ không còn quan niệm về gia đình, thậm chí là vợ hay con và “đưa mình lên như một người ở trên trời”.
Bà chia sẻ rằng bản thân và các con có cuộc sống “rất bất an”, các con có thể gặp hiểm nguy bất kỳ lúc nào, trong khi những người nhân viên xung quanh hùa vào thao túng Trung Nguyên… nên nghĩ rằng cần có biện pháp (bằng cách đưa đơn) để ngăn chặn sự thay đổi, dịch chuyển tải sản.
Tại phiên tòa này, ông Vũ cho rằng mình là “nạn nhân” của bà Thảo và “tố cáo” người vợ “làm toàn bộ tê liệt”, đồng thời có “bản tính hung dữ”, bịa chuyện, và nhấn mạnh rằng một người bình thường có lương tri sẽ không làm những việc như vậy.
Ông Vũ cũng đề cập đến xuất phát khó khăn của gia đình nên “lòng trắc ẩn với người ăn, người ở nó khác" và chỉ trích bà Thảo “có cách cư xử trên cơ sở tiền bạc”.
Ông Vũ kết luận rằng bà Thảo cần phải “tu tập và sám hối” về những việc làm của mình.
Đáp lại, luật sư Trương Trọng Nghĩa – người bảo vệ quyền và lợi ích cho bà Thảo nói: “Hồ sơ tôi có không phản ánh một bà Thảo như ông mô tả”.
"Tôi không lấy một đồng của Thảo"
Cũng trong buổi làm việc này, phía bà Thảo đã đặt nhiều câu hỏi về nguồn vốn góp trong quá trình phát triển Trung Nguyên. Ông Vũ cho biết, mình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và khuyên bà Thảo “đừng nói những điều không đúng sự thật”.
“Cô đóng góp cái gì để trước tòa nói những điều tào lao như vậy?Đây còn có mẹ, còn những người anh em, chứng nhân còn đây mà cô đi nói những chuyện như vậy để chứng minh mình là người sáng lập!” – ông Vũ gay gắt, và cho biết cha mẹ từng bán 2 căn nhà để dành tiền cho ông khởi nghiệp dù sau đó phải đi ở nhà thuê.
Khi đại diện bà Thảo đưa ra tài liệu chứng minh bà đã góp 15 tỷ 890 triệu đồng/16 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH cà phê hòa tan Trung Nguyên, ông Vũ đứng bật dậy phản bác “Tiền ở đâu ra mà cô có vốn góp như vậy?”.
Có mặt tại đây, mẹ ruột ông Vũ cũng khẳng định khi vợ chồng ông Vũ kết hôn vợ chồng bà cho 2 cây vàng, dòng họ cho 4 cây vàng, còn phía bà Thảo không có.
“Tôi không bao giờ lấy một đồng nào của Thảo để xây dựng trung Nguyên. Khi lấy Thảo về Trung Nguyên đã vững mạnh”.
Trong khi đó bà Thảo cho biết, chỉ từ công ty tại Buôn Ma Thuột, bản thân bà đã rất cực khổ, lăn lộn nhiều nơi, nhiều nước, vừa chăm lo gia đình và nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để gầy dựng lên các công ty sau này…
Ông Vũ cũng đề cập đến xuất phát khó khăn của gia đình nên “lòng trắc ẩn với người ăn, người ở nó khác" và chỉ trích bà Thảo “có cách cư xử trên cơ sở tiền bạc”.
Ông Vũ kết luận rằng bà Thảo cần phải “tu tập và sám hối” về những việc làm của mình.