WinEco

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: 'Trung Nguyên sau ly hôn 2-3 năm mới gượng dậy được'

10/06/2019 12:22

Sau vụ ly hôn gây chú ý, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu chia sẻ về Trung Nguyên, cá nhân và gia đình.

Vẫn chiếc áo tối màu, cổ quấn khăn rằn, quần trắng rộng và đôi giày vải 75.000 đồng gây chú ý dư luận thời gian qua, trưa 8/6, ông Đặng Lê Nguyên Vũ có cuộc gặp một số cơ quan truyền thông tại trụ sở công ty.

Không cần được hỏi nhiều, liên tục trong hơn 4 giờ, ông Vũ chia sẻ cởi mở trước hàng loạt vấn đề, từ chuyện ly hôn, sứ mệnh của Trung Nguyên, tinh thần khởi nghiệp, nâng tầm quốc gia, dân tộc cho đến những khái niệm tâm linh, siêu hình ít nhiều xa lạ với công chúng.

"Không có nhóm nào thao túng Trung Nguyên"

Vụ ly hôn là đề tài đầu tiên ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề cập. Với ông, sau khi đã im lặng quá nhiều trước những thông tin mà ông cho là "không đúng sự thật" được bà Lê Hoàng Diệp Thảo công bố thời gian qua, thì cần phải chia sẻ quan điểm vì nó cũng ảnh hưởng đến hoạt động của Trung Nguyên.

"Làm gì có nhóm nào thao túng Trung Nguyên như cô ấy nói. Trung Nguyên phải bước ra toàn cầu, giúp cho quốc gia, dân tộc này nhiều hơn. Qua đã chuẩn bị sách lược cho từng anh chị em. Qua nói với mấy đứa nhỏ có thương Qua thì ráng chịu đựng", ông Vũ xưng "Qua" và nói bà Thảo cản trở sách lược phát triển tập đoàn mà ông đề ra, gây khó khăn cho nhân viên cấp dưới.

Sóng gió đến với Trung Nguyên khoảng 6 năm về trước, khi ông Vũ và bà Thảo bắt đầu không cùng quan điểm phát triển tập đoàn. Những năm gần đây, lợi nhuận của Trung Nguyên giảm, còn lần lượt là 1.294 tỷ đồng (2014), 808 tỷ (2015), 768 tỷ (2016), 681 tỷ (2017). Ông Vũ thừa nhận, mâu thuẫn nội bộ gia đình chính là nút thắt khiến Trung Nguyên chững lại.

Trong lúc đó, thị trường đang đi rất nhanh. Hai ông lớn khác cùng đứng trong "bộ ba quyền lực" chia nhau 75% thị phần cà phê trong nước là Vinacafé Biên Hòa, Nestlé liên tục có động thái mới. Những tên tuổi vốn "ngoại đạo" như NutiFood, Ajinomoto Việt Nam cũng nhảy vào thị trường. Ở mảng kinh doanh thức uống, hai đơn vị có hệ thống cửa hàng lớn nhất giờ đã là Highland Coffee và The Coffee House.

"Tất cả hệ thống, sản phẩm phải cần thay đổi, có sự khác biệt với những sản phẩm khác. Trung Nguyên phải trong giai đoạn được đầu tư, chuyển đổi, nâng cấp công nghệ, đào luyện con người và cho các em thời gian để thực hiện...", ông Vũ trả lời về những đối thủ mới nổi.

Ông nói đã chuẩn bị từ rất lâu, khi đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái cà phê với nền tảng "Trung Nguyên cà phê triết đạo nhân sinh". Tuy nhiên, như ông nói, bà Thảo cản trở tiến trình này. Còn bà Thảo thì nói ông từng có những năm bỏ bê công ty.

Phiên xử phúc thẩm vụ ly hôn có thể sẽ bắt đầu vào tháng 7 tới. Trong khi chờ xử xong phúc thẩm, ông Vũ dặn các nhân viên tiếp tục chịu đựng. "Qua nói mấy đứa nhỏ chịu đựng cho Qua đi. Toàn bộ hoạt động ở nước ngoài của Trung Nguyên bị ảnh hưởng vì phía bà Thảo can thiệp, ra văn bản, dùng con dấu để làm ăn với đối tác", ông nói xử xong vụ ly hôn này thì Trung Nguyên sẽ cần 2-3 năm để gượng dậy được.

Giữa tháng 6 năm ngoái, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ xuất hiện trở lại sau thời gian vắng bóng để công bố danh xưng mới của tập đoàn và đưa ra kim chỉ nam hoạt động theo sách lược tâm "khác biệt - đặc biệt - duy nhất" toàn diện từ sản phẩm, mô hình, tổ chức, phương châm kinh doanh. Ông cũng công bố 3 dòng sản phẩm cà phê rang xay uống liền đầu tiên.

Sau lần tái xuất này, ông càng tin vào tầm quốc tế của Trung Nguyên sẽ đạt được sau khi "để cho Qua kết thúc đi", ý ông nói về vụ ly hôn. Ông nêu ví dụ về thị trường Trung Quốc.

"G7 rất được ưa chuộng của Trung Quốc. Cộng doanh thu của bên này với bên của cô Thảo thì ở thị trường đó đã hơn 100 triệu USD rồi. Thật ra, ở Trung Quốc kiếm 1 USD từ một người đâu có khó. Hãy nhìn thị trường 1,5 tỷ dân này, mỗi người 1 USD cũng là con số đáng kể", ông nhận định.

Trước đó, trong một vài viết cho VnExpress, TS Lâm Minh Chánh từng bình luận: "Nếu hai bên không còn tranh chấp về quản lý, Trung Nguyên kinh doanh ổn định trở lại thì việc đạt 1.000 tỷ lợi nhuận là việc không khó".

"Năm ngoái 200 tỷ thì năm nay có thể cũng cần tốn nhiều"

Bất đồng quan điểm của ông Vũ và bà Thảo còn ở quan điểm làm tiếp thị và hoạt động xã hội. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo từng đưa ra sao kê ngân hàng, tuyên bố Trung Nguyên chi gần 1.000 tỷ để làm truyền thông, 300 tỷ đồng mua siêu xe hay 200 tỷ đồng cho chương trình "Lập chí vĩ đại - khởi nghiệp kiến quốc"... trong khoảng thời gian từ 1/1/2015 đến 24/1/2017.

Bình luận về chuyện này, ông Vũ nói "năm ngoái chi 200 tỷ đồng thì năm nay có thể cũng cần tốn nhiều" để thúc đẩy tinh thần "khởi nghiệp kiến quốc" ở Việt Nam. Thực tế, giữa năm ngoái, Trung Nguyên đã công bố dự án tặng 200 triệu cuốn sách trong 5 năm.

Số sách này với nội dung gồm hơn 100 đầu sách, gần 100 bộ phim do ông Đặng Lê Nguyên Vũ chọn lọc. Cách hỗ trợ khởi nghiệp cũng như truyền thông của ông Vũ nhận được một số ý kiến là "ngông", "hoang phí" hay "không thực tế".

"Bao nhiêu kiến thức của nhân loại Qua chọn lọc lại, chỉ có cách đó mới rút ngắn con đường đến với minh triết. Chính sự giàu có về kiến thức mới dẫn đến những giàu có khác", ông Vũ giải thích, đồng thời nói rằng khởi nghiệp ở Việt Nam còn thiếu nhiều, từ chí hướng, kiến thức đến hỗ trợ. So với các nước, hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp vẫn còn ít. Hiện nay, cách hiểu khởi nghiệp cũng còn hạn chế trong kinh tế trong khi phải nhìn nó ở mọi mặt.

"Với thanh niên, họ cần có 3 thứ:

- Phải có chí lớn, khát khao vĩ đại. Để có được điều này cần có một nền giáo dục thật sự được xem là quốc sách, khác với nền giáo dục mang tính thụ động.

- Cần được chuẩn bị hiểu biết về 12 lĩnh vực (Khoa học, Triết học, Huyền học, Y học, Võ học, Kinh tài học, Chính trị, Đạo đức, Xã hội học, Mỹ học, Âm thanh học và Ngôn ngữ), vốn có sự liên thông, liên hoàn với nhau. Đó là chuẩn bị cho sự minh triết.

- Cần được trang bị mô hình, sách lược để về sau có thể tự thân vận hành", ông giải thích.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cầm quyển sách "Khởi nghiệp tâm" do ông viết. Ảnh: Tô Thanh Tân

Ông Vũ sáng lập Trung Nguyên năm 1996 trên chiếc xe đạp chở từng bao cà phê, với tiền vốn đến từ việc bán hai căn nhà của bố mẹ và vay mượn. Ông nói thời đó khởi nghiệp khó khăn hơn hiện tại nhưng không có nghĩa giới trẻ Việt Nam nay đã đầy đủ.

Trong đó, với ông, ý chí và tư duy rất quan trọng. "Phải có chí đã, phải có bản đồ tư duy để hạn chế thất bại. Nhà Qua có ai rụng tóc đâu, nhưng Qua đến năm thứ tư khởi nghiệp là bắt đầu rụng tóc", ông nói sách là một phần trong sự chuẩn bị của ông dành cho tương lai đất nước. Ông khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ và cần có người "tâm mở" để đón nhận.

"Hạt nhân của một dân tộc lãnh tụ là ánh sáng chân lý, tình thương và trách nhiệm. Lãnh tụ ở đây là sự vĩ đại nhưng không mang nghĩa thống lĩnh hay chế ngự người khác", ông tuyên bố.

Những quan điểm có phần "cao siêu" so với chuyện doanh thu, lợi nhuận thông thường của một doanh nghiệp mà ông Vũ đau đáu, theo ông không hợp với vợ mình. Vì thế, ông nhiều lần khuyên bà Thảo lui về chăm lo gia đình hoặc kinh doanh khác.

"Qua đã bảo thôi về nhà đi. Đi tập yoga, học nghệ thuật, hoặc muốn kinh doanh thì tiền bạc không thiếu, có thể kinh doanh vàng bạc, bán sỉ bán lẻ gì đó nhưng đừng động vào Trung Nguyên, hãy để cho nó thực hiện sứ mệnh của nó", ông tuyên bố không cần tranh giành tiền bạc nhưng nhất định giữ quyền quản lý Trung Nguyên.

"Chỉ có 2 người thực sự hiểu Qua"

Trong suốt hơn 4 giờ, mọi vấn đề ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề cập đều ít nhiều hoặc được diễn giải, liên đới với thế giới siêu hình mà ông thừa nhận là đại đa số không thể hiểu. Đó là kết quả của nhiều năm thiền định để lĩnh hội tri thức. Khi được hỏi liệu có ai hiểu được trọn vẹn thế giới quan của ông ở Trung Nguyên thì ông nói chỉ có 2 người.

"Có người lên mạng nói Qua hoang tưởng. Họ có một chút danh phận rồi muốn bình phẩm ai cũng được", ông Vũ nói tư duy của đa số con người là tư duy tuyến tính, nhị phân nên những điều ông nói khó được thấu hiểu và chấp nhận. "Hiểu biết của đa số khác biệt với Qua xa lắm. Qua không ngạo mạn gì đâu", ông nói thêm, đồng thời khẳng định "không ai biết những mâu thuẫn bên trong là gì cả. Người ngoài thiếu thông tin nên họ không hiểu gì bên trong", vì thế ông không giận khi dư luận chê trách. Tuy nhiên, ông nói mình thực sự buồn khi bạn bè thân thiết không hiểu đúng sai trong vụ ly hôn.

"Đối với số đông, Qua không quan tâm. Qua không trách những người bên ngoài. Qua chỉ trách bạn bè chơi với nhau lâu mà không hiểu nhau. Bạn bè mà không thấu suốt. Qua không nói gì cả, không thanh minh. Qua để cho bạn bè, ai là bạn, ai là bè thì thể hiện hết đi. Rồi đa phần, Qua thấy mà buồn", ông nói.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong buổi trò chuyện trưa ngày 8/6. Ảnh: Tô Thanh Tân

Ông Vũ cho biết vẫn gặp các con thường xuyên, và nhận xét "chúng là những đứa trẻ hiểu chuyện". Ông cũng thừa nhận không có thời gian quản lý các con, nên cách tốt nhất là chuẩn bị cho chúng nền tảng học vấn.

"Giờ chúng đều được cho học ở những trường tốt nhất. Qua mong muốn chúng có lòng trắc ẩn, có chí lớn, vượt qua chuyện gia đình và có trách nhiệm, biết khổ luyện", ông nói hạnh phúc xoay quanh quy tắc 33%, tức 33% là do nghiệp, 33% do môi trường và 33% do giáo dục. Trong đó, cải thiện giáo dục là điều chủ động được và nên làm hết sức.

Ông Vũ không có dấu hiệu mệt mỏi hay cần nghỉ ngơi trong suốt hơn 4 giờ chia sẻ. Ông liên tục hút xì gà và nói những gì đang diễn ra được ông xem là thử thách của bản thân. Ông khẳng định "không giận, không trách gì" bà Thảo.

Khi được hỏi về đôi giày vải 75.000 đồng, chiếc quần vải trắng chưa đến 100.000 đồng, chiếc khăn rằn và chiếc áo khoác tối màu "không đắt tiền", ông nói "khi đi qua tất cả những cung bậc vật chất thì Qua quan trọng những cung bậc tinh thần".

"Mục đích sống trong đời này là gì? Đối với số đông thì đó là mưu cầu niềm vui và hạnh phúc. Với giới tinh hoa thì đó là sự mưu cầu chân lý", ông thể hiện quan điểm.

Trước khi bắt chặt tay từng người lúc ra về, ông nói thêm "Qua chỉ khuyên một điều: nghĩ thiện, nói thiện, làm thiện... để hạnh phúc về sau".

Bài: Viễn Thông

Ảnh: Tô Thanh Tân

Theo Vnexpress