Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch Việt Úc Group: “Câu chuyện con tôm thời 4.0”

04/02/2018 11:17

Ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc điều hành Việt Úc Group hy vọng rằng: "Câu chuyện của Việt Úc mang đến rất nhiều kinh nghiệm và cảm hứng cho cộng đồng kinh doanh và nền kinh tế Việt Nam, trong bức tranh lớn mà tập đoàn đang quyết tâm 'vẽ' nên cho ngành sản xuất tôm Việt Nam bằng công nghệ 4.0".

 

Hơn 20 năm nay bà con ven biển Bạc Liêu, vùng nguyên liệu tôm lớn nhất ĐBSCL đã quen với nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh… đầy rủi ro. Làm thế nào để đáp ứng những yêu cầu khắt khe về nguồn tôm sạch thời hội nhập?

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, hướng tới công nghệ cao, thân thiện với môi trường, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính trên diện tích 102 ha tại huyện Hòa Bình của Tập đoàn Việt - Úc do một người con của Bạc Liêu đầu tư đang viết nên câu chuyện mới cho ĐBSCL, làm thay đổi bản đồ của ngành tôm thế giới

Ông có thể giải thích vì sao Việt- Úc gọi đây là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh?

Nuôi thâm canh thông thường mật độ từ 100 đến 150 con/m2. Còn ở đây chúng tôi nuôi với mật độ từ 200 đến 500 con/m2, nên gọi là siêu thâm canh. Để tránh tác động của môi trong xung quanh đến môi trường nuôi, nhà bao che tạo độ cách ly 100% với môi trường thiên tai dịch họa ở bên ngoài.

Muốn vào khu nuôi tôm trong nhà kính, công nhân nuôi và khách tham quan phải bảo đảm đúng các tiêu chuẩn vệ sinh và bảo hộ lao động nghiêm ngặt. Vì ở đây, những hệ thống ao nuôi đều được xây nhà bao phủ, đi kèm hệ thống ao lắng lọc, siêu lọc nước được đầu tư hoàn chỉnh, bảo đảm nước lúc nào cũng sạch, đáy ao được lót bạc và lắp đặt hệ thống quạt và oxy đáy bơm đầy đủ.

Với dây chuyền tự động cho tôm ăn, mỗi khi tôm đói sẽ phát tín hiệu được xử lý qua máy tính để hệ thống tự động cho ăn. Đây là công nghệ hiện đại giúp giảm hao phí thức ăn và hao phí nước ao nuôi đến mức thấp nhất.

Đây là mô hình nuôi tôm sạch đầu tiên của Việt Nam trên cả nước.

Với hệ thống nhà kính hoàn hảo, mật độ nuôi trong nhà kính khá dày, chỉ sau khoảng 3 tháng là có thể thu hoạch. Theo mô hình này, mỗi năm người nuôi có thể thực hiện nuôi ba vụ năng suất đạt từ 150-200 tấn/ha.

Đặc biệt với quy trình xử lý vi sinh, nguồn nước trong ao nuôi sẽ không thải ra ngoài môi trường mà được tái sử dụng trong ao nuôi một thời gian dài. Nhiệt độ nước ổn định, duy trì từ 18-20 độ C.

Công nghệ nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn tôm bố mẹ, tôm giống, tôm nuôi, thức ăn… đều của Việt Úc. Toàn bộ sản phẩm đưa vô từng giai đoạn đều kiểm soát, truy xuất nguồn gốc. Phân tôm được chuyển hóa, nuôi cấy vi sinh vật trong ao để chuyển hóa thành protein tái sử dụng được.

"Nông nghiệp công nghệ cao" là cụm từ rất có sức hút nhưng cũng gây hoài nghi, theo anh, doanh nghiệp Việt Nam có thể triển khai công nghệ cao đến mức nào?

Sản lượng cao vượt trội, ổn định, bền vững, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường là những ưu điểm nổi bật để trả lời cho khả năng ứng dụng công nghệ cao.

Được thành lập từ năm 2001, với hơn 16 năm kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, là đơn vị dẫn đầu về sản xuất - cung cấp tôm giống cho ngành nuôi tôm Việt Nam. Trong 3 năm qua, Việt – Úc cung cấp lượng giống đạt 25% thị phần tôm giống cả nước. Hiện nay, Tập đoàn có hệ thống 9 công ty giống quy mô lớn trải dài từ Bắc đến Nam với tổng công suất trên 50 tỷ Post/năm và tổng số lượng nhân viên hơn 1.700 người.

Cuối tháng 1/2018, Việt – Úc chính thức tiến hành thả giống và đưa vào hoạt động Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu. Đây là mô hình mới nhất, tiêu biểu cho năng lực, công nghệ và triển vọng của Việt – Úc nói riêng và ngành sản xuất tôm của Việt Nam nói chung.

Trên tổng diện tích 315 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao này bao gồm khu sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu.

Đây là dự án có quy mô lớn, nằm trong khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bạc Liêu. Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến sẽ sử dụng hơn 2.000 lao động địa phương. Sản lượng dự kiến đạt trung bình 120 - 300 tấn/ha/năm với mật độ thả 500 con giống/m2.

Việt - Úc đã hoàn chỉnh chuỗi khép kín từ sản xuất tôm bố mẹ, tạo nguồn giống tốt với công nghệ quản lý gene di truyền, sản xuất thức ăn Novaq hoàn toàn từ tự nhiên cho tôm và các công nghệ trong quy trình nuôi như nuôi siêu thâm canh trong nhà kính, xử lý tuần hoàn nước với kỹ thuật từ Đức và Hoa Kỳ, công nghệ vi sinh...

Chúng tôi đang quản lý toàn bộ quy trình bằng thiết bị công nghệ, có thể kiểm soát cao nhất về môi trường sinh trưởng của tôm, dịch bệnh, khắc phục được những rủi ro lớn từ thời tiết và ô nhiễm môi trường mà cách nuôi tôm truyền thống từng có. Ví dụ thường được nói đến là chúng tôi có thể biết được tôm đói và cần được cho ăn đến mức nào là phù hợp...

Công nghệ và những sáng chế thành công của chúng tôi cũng đã được các tạp chí chuyên ngành nuôi tôm của thế giới phản ánh và phổ biến cho toàn ngành trên phạm vi toàn cầu.

Năm ngoái, Việt – Úc đã sản xuất thành công tôm bố mẹ, cột mốc này đã được tạo ra như thế nào?

Đầu tiên, với tư cách là đơn vị sản xuất tôm giống, chúng tôi đã thường xuyên phải chịu sự bị động về nguồn tôm bố mẹ. Trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp có khả năng sản xuất tôm bố mẹ mà thôi. Vì vậy, từ sự khan hiếm nguồn cung, chi phí vận chuyển và bị lệ thuộc, tôm giống được sản xuất tại VN có giá thành rất cao.

Từ bất lợi này, chúng tôi đặt tham vọng lớn là nghiên cứu và sản xuất tôm bố mẹ. Nếu thành công, không chỉ giải toả nút thắt cho riêng Việt - Úc mà còn là chìa khoá mở ra giải pháp về nguồn giống - giá thành cho toàn ngành tôm trong nước.

Đặt quyết tâm và đầu tư rất lớn, chúng tôi đã dần dần sản xuất thành công tôm bố mẹ vài năm qua. Đến ngày 11/11 năm ngoái, Việt - Úc chính thức công bố với toàn ngành khi đã có thể triển khai chắc chắn trên phạm vi khá lớn.

Hiện nay, bên cạnh tôm giống và tôm thương phẩm, chúng tôi đã gia nhập vào nhóm doanh nghiệp sản xuất tôm bố mẹ, làm “thay đổi bản đồ của ngành tôm thế giới” và đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cung cấp nguồn tôm này.

Công nghệ nuôi tôm trong nhà màng - nhà kính đang mở ra triển vọng mới cho mục tiêu tăng trưởng đột biến, quá trình nghiên cứu, thử nghiệm của Việt Úc đã trải qua những thách thức, khó khăn gì?

Nuôi tôm trong nhà màng là một phát kiến của Việt - Úc. Thành tựu này được phát triển từ quá trình nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ mà tôi vừa đề cập.

Trước đây, chúng ta nuôi tôm hoàn toàn từ điều kiện tự nhiên trong môi trường mở. Cách nuôi này chỉ có thể đem lại kết quả khi điều kiện tự nhiên và nguồn nước còn trong lành, đồng thời, phải được thiên nhiên ủng hộ. Tôm thẻ chân trắng là vật nuôi rất nhạy cảm, chỉ cần một trận mưa, biến động nhiệt độ hay một mầm bệnh là có thể xảy ra thiệt hại cực nhanh. Có khi chỉ từ sáng đến chiều là toàn bộ ao hồ đều chết trắng mà không kịp ứng phó, cũng không có cách xử lý hiệu quả nào.

Đó là lý do mà nuôi tôm là nghề may rủi. Bà con mình ứng phó bằng cách dùng kháng sinh hoặc những phương cách thiếu an toàn khác để phòng dịch bệnh cho tôm, khiến phát sinh nhiều vấn nạn về chất lượng tôm, an toàn vệ sinh thực phẩm lẫn những hệ quả lớn về môi trường...

Tập đoàn Việt - Úc đã hợp tác với nhiều đối tác chiến lược lớn trên thế giới như CSIRO (viện nghiên cứu thủy sản hàng đầu thế giới của chính phủ Úc), MBD và cả các đối tác trong nước như Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Nha Trang, Đại học Nông Lâm, Viện Nuôi Trồng Thủy Sản II… nhằm mục đích nghiên cứu những giải pháp tối ưu nhất cho từng phân khúc của ngành. Trong đó phân khúc nuôi được đặc biệt chú trọng.

Khi nỗ lực sản xuất tôm bố mẹ, chúng tôi phải loại tôm này hoàn toàn từ môi trường trong nhà. Rồi mở rộng thêm, chúng tôi thấy Israel làm nông nghiệp bằng cách tạo nên những môi trường nhân tạo rất hiệu quả trên sa mạc. Từ đó, chúng tôi nghĩ đến việc triển khai nuôi tôm thương phẩm bằng cách tạo nên một môi trường trong nhà với đầy đủ điều kiện tự nhiên mà con tôm cần, dùng công nghệ để kiểm soát, quản lý, loại bỏ những diễn biến may rủi từ thiên nhiên.

Sau thời gian thử nghiệm đầy gian truân, chúng tôi mới tìm ra công nghệ này, tạo ra môi trường siêu thâm canh với mật độ thả giống rất cao và năng suất rất lớn. Mấy năm qua, chúng tôi đã ứng dụng thành công vào khu nuôi siêu thâm canh 50 hecta, đã triển khai thử nghiệm ra người dân và bắt đầu ứng dụng sang những dự án rất lớn tại nhiều tỉnh thành.

Bên cạnh kiểm soát nguồn tôm giống, môi trường, các tiêu chuẩn bảo đảm xuất khẩu của quốc tế cũng đòi hỏi rất khắt khe tiêu chuẩn về chuồng trại, theo ông, ngành tôm có phải “xây dựng lại từ đầu” mô hình chuồng trại mới rất tốn kém?

Với mô hình này, chúng tôi tạo nên những nhà màng lớn, rộng trung bình 1 hecta mỗi nhà màng với 10 ao nuôi bên trong. Ngôi nhà này phải kín hoàn toàn để có điều kiện môi trường ổn định mà con tôm cần, tránh tác động từ mưa, gió, thay đổi nhiệt độ và mầm bệnh từ bên ngoài. Đặc biệt, cần vững chắc trước sự thách thức từ khí hậu vùng biển và tránh bị ăn mòn nhanh từ môi trường nuôi trồng thuỷ sản.

Từ thiết kế đến vật liệu, chúng tôi phải tìm kiếm những nhà cung cấp chuyên nghiệp nhất với tính toán rất kỹ về chất liệu, độ bền, khả năng chịu lực, chịu ăn mòn... Toàn bộ khung và trần của nhà màng, chúng tôi phải chọn giải pháp nguyên liệu từ Lysaght Agrished của Tập đoàn BlueScope Lysaght, màng che thì được nhập từ Israel, các công nghệ khác đều được nghiên cứu và chọn lựa kỹ...

Giá trị đầu tư trung bình cho 1 nhà màng 1 hecta khoảng 7 tỷ đồng. Đây là con số đầu tư rất lớn so với nuôi tôm truyền thống. Tuy nhiên, Lysaght Agrished cam kết với chúng tôi về độ bền vật liệu là 10 - 15 năm, có khả năng chịu bão đến cấp 12, nhà màng của Israel thì có thể cuốn hoặc thay nhanh chóng... Do đó, tính toán tổng thể, đây là mô hình cho hiệu suất đầu tư rất cao.

Đến nay, tỷ lệ thành công của mô hình này là 80 - 100%, lợi nhuận trung bình là 70.000 đồng/kg tôm thành phẩm. Quan trọng hơn, chúng tôi có thể siêu thâm canh, thả tôm quanh năm với khả năng kiểm soát cao nhất. Mức kiểm soát có thể đạt đến đáp ứng kích cỡ và sản lượng mà khách hàng cần.

Sau khu nuôi siêu thâm canh 50 hecta, chúng tôi đang triển khai ra khu phức hợp 315 ha cũng tại Bạc Liêu, tiếp đó là Quảng Ninh và Bình Định.

Yêu cầu là đầu tư đúng cách, hiệu quả với vật liệu trang trại đúng tiêu chuẩn và ứng dụng công nghệ nuôi, quản lý phù hợp.

Để mô hình này được ứng dụng rộng hơn, chúng tôi đã và đang triển khai cho người dân và đối tác có khả năng đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, đây là một trong những công nghệ quan trọng, làm động lực rất lớn cho sự phát triển đột phá của Việt - Úc và ngành nuôi tôm.

Sau nhiều nỗ lực tự thân, chúng tôi đã có được sự ủng hộ lớn từ phía Chính phủ, lãnh đạo các địa phương, sự hợp tác của giới nghiên cứu và kinh doanh các lĩnh vực có liên quan. Vì vậy, triển vọng mới cho toàn ngành là hoàn toàn có thể tự tin chứ không chỉ là mục tiêu gây nghi ngờ.

10 tỷ USD giá trị xuất khẩu/năm vào 2025 là mục tiêu của ngành sản xuất tôm VN, theo ông, mục tiêu này có là "ước mơ hoang đường"?

Để tăng trưởng gần gấp 3 lần giá trị hiện tại, ngành nuôi tôm tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước yêu cầu thay đổi mạnh mẽ. Không chỉ để thích nghi với biến đổi khí hậu, "sống sót" sau thời gian phát triển ồ ạt với những hậu quả rất lớn về môi trường, mà còn để tìm con đường đột phá thực sự cả về sản lượng và chất lượng.

Trong bức tranh ngổn ngang thách thức nhưng cũng đầy cơ hội này, Tập đoàn Việt - Úc được chọn là đơn vị chủ lực khi tạo nên những thành tựu và mô hình có khả năng thay đổi cả diện mạo, quy mô và chiều sâu của toàn ngành, mang đến một vị thế mới cho tôm Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Tôi hy vọng câu chuyện của Việt Úc mang đến rất nhiều kinh nghiệm và cảm hứng cho cộng đồng kinh doanh và nền kinh tế Việt Nam, trong bức tranh lớn mà tập đoàn đang quyết tâm "vẽ" nên cho ngành sản xuất tôm Việt Nam bằng công nghệ 4.0.

Chính phủ đang quyết liệt đưa Việt Nam thành "công xưởng sản xuất tôm của thế giới", nhiệm vụ đó đang đặt Việt Úc trước thách thức và cơ hội nào?

Năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu của ngành tôm VN đạt 3,85 tỷ USD, đang đứng thứ 3 toàn thế giới. kế hoạch hành dộng quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 vừa được chính phủ ban hành với nhiều mục tiêu, định hướng phát triển theo hướng bền vững.

Đặc biệt, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới với các biện pháp hỗ trợ về thuế phí và tín dụng đã tạo lòng tin cho doanh nghiệp về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8 - 10 tỷ USD/năm, và dóng góp 10% GDP cả nước…

Cơ hội này chỉ có thể đạt được nếu phát huy những điều kiện thuận lợi đang có cùng khả năng thay đổi mạnh mẽ về công nghệ nuôi và chế biến.

Thuận lợi lớn nhất của Việt Nam là môi trường tự nhiên và khí hậu nhiệt đới quanh năm, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Biến đổi khí hậu và bị biển xâm thực khiến khu vực này không còn thuận lợi để trồng lúa và hoa màu truyền thống nhưng lại có thể thích nghi tốt để phát triển ngành nuôi tôm nước lợ.

Tuy nhiên, thực trạng ngành sản xuất tôm hiện còn manh mún, khâu liên kết chuỗi, cung ứng con giống còn nhiều hạn chế, đặc biệt giá thành so với các nước khu vực còn cao chưa kể xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước đang tác dộng bất lợi cho con tôm. Tôm Việt trước giờ cạnh tranh được là nhờ giá thấp, nhưng những quy định mới và tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường trong bối cạnh hội nhập thì dù giá thấp cũng không bán được, nên buộc ngành phải thay đổi.

Trên cơ sở đó, với mục tiêu "nâng tầm tôm Việt", giải pháp chúng tôi đề ra là nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế, triển khai công nghệ cho người dân và các đối tác chiến lược để triển khai nhanh và tạo tác động trên quy mô lớn. Những mô hình mới nông nghiệp công nghệ cao sẽ là bước chuyển biến thời hội nhập, để đáp ứng được những khách hàng khó tính nhất trên toàn thế giới.

Để có được thành quả đó, cần những con người dám nghĩ dám làm, tâm huyết cho quê hương, mạnh dạn nghiên cứu, mơ ước, từng bước hướng người nông dân quen dần nuôi tôm sạch. Phải sáng tạo thì mới phát triển. Nuôi tôm siêu nhà kính có lợi thế truy suất nguồn gốc được, nhưng chi phí đầu tư lớn, sẽ khó triển khai đại trà ra dân. Nên rất cần vai trò tiên phong của các doanh nghiệp dẫn đầu. Đây là giải pháp căn cơ nhất, đảm bảo yếu tố chất lượng, số lượng ở mức cao, ổn định, xuyên suốt, giúp cho giá trị gia tăng cao hơn. Đây chính là lý do tập đoàn Việt Úc mạnh dạn đầu tư chiều sâu nuôi tôm siêu nhà kính.

Năm qua, Bạc Liêu đã được chính phủ xác định xây dựng thành “thủ phủ” ngành tôm, với sự tham gia của hàng loạt tập đoàn lớn, các doanh nghiệp dẫn đầu. Có thể thấy quyết tâm của chính phủ trong kế hoạch quốc gia này và sự vào cuộc của các Bộ, ngành địa phương sẽ tạo sức bật mới cho doanh nghiệp.

KIM YẾN/BIZLIVE