Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho rằng giá trị lớn nhất của các start-up công nghệ là những ý tưởng đột phá, và giá trị ấy sẽ được nhân lên nhiều lần khi cộng hưởng với tập đoàn mẹ sau sáp nhập.
Ngày 26/6, 27,37 triệu cổ phiếu YEG của Công ty CP Tập đoàn Yeah1 chính thức niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HoSE) với giá tham chiếu 250.000 đồng, tương đương vốn hoá hơn 6.800 tỷ đồng.
Khởi đầu là một website nhỏ chỉ với vài nghìn người dùng, Yeah1 sau 12 năm (2006-2012) đã phát triển thành một start-up công nghệ hàng đầu ở Việt Nam, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực truyền hình, sản xuất phim, kinh doanh quảng cáo...
Dù vậy, Yeah1 thời gian qua vướng nhiều thông tin tiêu cực như bị nghi ngờ định giá cổ phiếu quá cao, lãnh đạo liên tục mua bán cổ phiếu, đầu tư lớn vào các doanh nghiệp "bé hạt tiêu".
Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, người sáng lập và là Chủ tịch HĐQT của Yeah1 xoay quanh chủ đề trên.
Yeah1 dự định đầu tư vào Netlink và hai công ty mới thành lập. Vấn đề là khoản tiền bỏ ra dự kiến cao gấp nhiều lần tài sản của các doanh nghiệp này. Lý do tại sao?
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống: Netlink đã hoạt động hơn 10 năm rồi. Họ là doanh nghiệp rất tốt trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Nhưng điều quan trọng hơn cả là Netlink đang là Đối tác Xuất bản duy nhất của Google ở Đông Nam Á. Nếu kết hợp với hệ sinh thái của Yeah1, Netlink sẽ mạnh gấp bội và tạo ra giá trị đột phá khi công cụ của họ được áp dụng trên toàn hệ thống của chúng tôi.
Bởi vậy, chúng tôi trả giá dựa vào những gì sẽ nhận được, thay vì tính toán tài sản hữu hình như doanh nghiệp truyền thống. Mặt khác, phải trả đến mức này thì chủ sở hữu Netlink mới chịu bán cổ phần cho chúng tôi. Đó là cuộc chơi công bằng và hoàn toàn dễ hiểu.
Tương tự, vừa qua Yeah1 xem xét rót vốn vào hai start-up mới thành lập. Họ đòi định giá doanh nghiệp vài trăm tỷ. Ấy thế mà cuối cùng chúng tôi vẫn bị thuyết phục. Ý tưởng của họ là với sự hỗ trợ của toàn hệ thống Yeah1, từ nguồn lực, nhân sự đến quảng bá, truyền thông, thì tới năm 2020, họ sẽ đạt doanh thu 400 tỷ, lợi nhuận 200 tỷ đồng.
Họ cam kết rằng bây giờ Yeah1 muốn đầu tư, hỗ trợ bao nhiêu cũng được, cho chúng tôi giữ 51% luôn, nhưng nếu hai năm nữa mà mục tiêu hoàn thành, thì Yeah1 phải trả họ số tiền tương đương mức định giá công ty 300 tỷ. Ngược lại, họ đưa luôn công ty cho chúng tôi.
Đây là thoả thuận rất "fair". Dĩ nhiên, việc góp vốn của Yeah1 cũng sẽ thực hiện theo từng giai đoạn như cổ đông ngoại đã làm với chúng tôi trước đây, dù mang tính đầu tư mạo hiểm, song vẫn đảm bảo chặt chẽ và hạn chế tối đa rủi ro.
Những thương vụ kiểu này ở Việt Nam sẽ bị gọi là điên rồ, tuy nhiên nếu cứ tư duy như vậy thì sao làm tạo được động lực cho phong trào start-up, vốn phải mang tính cách mạng. Bản thân DFJ Vinacapital Venture năm 2008 đã mua cổ phần Yeah1 với giá gấp 13 lần mệnh giá. Chẳng nhẽ họ cũng nhìn xem vốn chúng tôi bao nhiêu, tài sản nhà cửa có cái gì?!
Trước và sau khi niêm yết, xuất hiện nhiều hoạt động mua bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ. Rồi giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên gấp tới 25 lần mệnh giá. Giới đầu tư coi đây là bất thường và tỏ ra hoài nghi. Ông có bình luận gì?
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống: Việc mua bán cổ phiếu nằm trong chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp. Tôi khẳng định là lãnh đạo Yeah1 không tư túi một xu nào cả, tất cả làm việc để cùng đưa Tập đoàn ngày càng phát triển. Các quyết sách đã được các nhà đầu tư đồng thuận và họ hiểu cần phải làm như vậy.
Còn về giá cổ phiếu, như đã phân tích ở trên, start-up công nghệ có đặc thù so với các ngành sản xuất. Chặng đường 12 năm phát triển chưa phải là dài, song đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc của Yeah1, từ một website nhỏ trở thành doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ khu vực. Điều này chứng tỏ chúng tôi nói được, làm được và còn tiềm năng rất lớn.
Ở các nước phát triển thì họ đánh giá rất cao triển vọng của start-up, thay vì tính toán các tài sản hữu hình. Có thể thấy Facebook mua Instagram hay Google mua Youtube, họ bỏ 1,2 tỷ USD nhưng giờ vốn hoá của các công ty kia lên tới một vài trăm tỷ USD. Khi định giá, không phải Facebook với Google tính xem các doanh nghiệp kia lúc đó đáng giá bao nhiêu tiền, mà là khi nhập vào với tập đoàn mẹ thì sẽ tạo ra giá trị gì.
Nói vậy để thấy mức giá tham chiếu Yeah1 đưa ra là có cơ sở, thậm chí nhiều tập đoàn nước ngoài hiện không mua nổi cổ phiếu của chúng tôi.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở Yeah1 hiện là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống: Con số này đã chạm trần 49%, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư ngoại đối với Yeah1. Ở các phiên giao dịch đầu, cổ phiếu tăng trần khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cho đến kín room. Lượng cổ phiếu trôi nổi sau đó không còn nhiều, và chỉ còn một số nhân viên, cổ đông nhỏ có cổ phiếu giá rẻ bán ra chốt lời, trong bối cảnh nhà đầu tư nội vẫn giữ quan điểm hoài nghi khiến YEG giảm mấy phiên sau đó.
Hiện nay chúng tôi đang xin phép nới room ngoại để tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài muốn đầu tư vào Yeah1 với tầm nhìn trở thành đối tác chiến lược, hai bên cùng phát triển.
Tôi lấy ví dụ Central Group của Thái Lan muốn thông qua các kênh quảng bá của Yeah1 để phát triển mạnh mẽ thương hiệu và mở rộng thị phần. Chứ không đơn giản chỉ là mục tiêu đầu tư kiếm lời. Đó cũng là một lợi thế lớn mang tính đặc thù của Yeah1. Ở chiều ngược lại, Yeah1 thông qua Central tiếp cận các doanh nghiệp trong nhóm này nói riêng và ở thị trường Thái Lan nói chung.
Năm 2008, tức là chỉ hai năm sau khi thành lập, Yeah1 đã gọi vốn thành công từ DFJ Vinacapital Venture. Vì sao một start-up non trẻ của Việt Nam có thể thu hút một quỹ venture - vốn rất kỹ tính?
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống: Sau hai năm hoạt động thì giống như các start-up khác, Yeah1 cũng rất khó khăn. Nhưng ban lãnh đạo Yeah1 luôn có một niềm tin rằng những gì chúng tôi đang làm sẽ tạo ra giá trị mang tính đột phá. Lúc đó Yeah1 chỉ có một cái website, thu hút user (người dùng - PV) vào. Với sự nỗ lực không ngừng, lượng user ngày càng nhiều và từ đó xuất hiện tiềm năng phát triển thương mại quy mô lớn.
Để thu hút được vốn từ DFJ Vinacapital Venture rồi sau này là chính Vinacapital, Yeah1 đã gặp không ít thách thức, quan trọng nhất là phải chứng tỏ được bản thân mình.
Yeah1 và đối tác đã có những ràng buộc, điều kiện chặt chẽ. Họ tin tưởng, rót tiền cho chúng tôi làm, nhưng quá trình giải ngân được chia làm nhiều giai đoạn, tương ứng với từng "bậc thang" Yeah1 "bước" qua.
Khi cổ đông ngoại chưa vào thì như các start-up giai đoạn đầu, Yeah1 là một "mớ bòng bong, loạn cào cào". Nhà đầu tư nước ngoài đã giúp chúng tôi hệ thống, tổ chức lại công ty, rồi họ cử nguyên một "team" qua hỗ trợ quản trị doanh nghiệp, đưa Yeah1 vận hành ổn định, tốt hơn.
Có một điểm thú vị của các quỹ venture như DFJ là họ rất tôn trọng tính tự quyết của founder (người sáng lập - PV). Ở Yeah1, khi một vấn đề được đưa ra Hội đồng Quản trị, thì đại diện cổ đông ngoại sẽ góp ý, tuy nhiên quyền quyết định cuối cùng vẫn là của founder. Họ chỉ chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm, còn chúng tôi quyết, thực hiện và phải chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng.
Đây là yếu tố rất quan trọng đối với start-up. Nhiều quỹ đầu tư can thiệp quá sâu vào doanh nghiệp khiến hai bên xung khắc và cuối cùng đường ai nấy đi, start-up đổ vỡ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nghi Điền/Nhà Đầu Tư