Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Ông Nguyễn Duy Hưng: Doanh nghiệp mà phá sản thì người lao động mất việc, khỏi cần giảm giờ làm

25/10/2019 10:57

Bình luận về những tranh cãi xung quanh quy định giờ làm việc trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, cho rằng muốn tăng lương, giảm giờ làm thì trước tiên phải tăng hiệu quả cho doanh nghiệp.

Bình luận về những tranh cãi xung quanh quy định giờ làm việc trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, cho rằng muốn tăng lương, giảm giờ làm thì trước tiên phải tăng hiệu quả cho doanh nghiệp.

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, lương của người lao động là phần được trích từ thu nhập của doanh nghiệp, thông qua sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ấy. Do vậy muốn tăng thu nhập cho người lao động hay giảm giờ làm thì phải tăng hiệu quả cho doanh nghiệp.

Ông Hưng cho rằng doanh nghiệp cần được nhìn nhận như một công cụ tạo ra giá trị cho xã hội và tất cả các thành tố gắn vào đều được hưởng lợi. Ngân sách hưởng lợi qua thu thuế, cổ đông hưởng lợi qua việc dùng lợi nhuận chia cổ tức cũng như tăng giá trị cổ phiếu nắm giữ, người lao động hưởng lợi thông qua lương được trả cũng như chính sách phúc lợi khác... Và những điều này đều phụ thuộc vào hiệu quả của doanh nghiệp.

“Hiệu quả của doanh nghiệp không phải tự nhiên trên trời rơi xuống mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng có 2 yếu tố quan trọng nhất liên quan đến những tranh luận trên nghị trường Quốc hội, đó là các chính sách của nhà nước, cũng như hiệu suất của người lao động.

“Cho nên để có thể tăng lương, giảm giờ làm thì chính sách trước hết phải nhắm tới tăng cường hiệu quả cho doanh nghiệp. Nếu không sẽ khó đạt được mục tiêu vì hoàn toàn có thể dẫn tới khả năng doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Lúc ấy người lao động mất việc sẽ ‘không phải’ đi làm nữa chứ cần gì giảm giờ làm”, ông Hưng bình luận.

Chủ tịch SSI thừa nhận sự cần thiết phải có chiến lược tổng thể nhắm tới phát triển bền vững, lấy công bằng xã hội và giảm khoảng cách giàu nghèo làm mục tiêu hành động. Nhưng tất cả những điều ấy phải dựa trên cơ sở triết học thì mới khả thi, còn nếu không sẽ lại luẩn quẩn quanh câu chuyện muôn thủa “Con gà và quả trứng cái gì có trước?”.

Lê Nguyễn