“Bản chất của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là cuộc chiến về công nghệ. Mỹ cho rằng Trung Quốc đã ăn cắp chất xám của mình. Cũng có thể là thật. Bằng cách nào đó trong thời gian rất ngắn Trung Quốc đã có được những công nghệ mà Mỹ tích luỹ hàng trăm năm. Đấy là bài học của chúng ta”, ông Nguyễn Thành Nam, cựu CEO FPT nói với Trí Thức Trẻ.
"Make in Vietnam" là khẩu hiệu được Bộ TTTT đặc biệt nhấn mạnh tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đầu tháng 5 với mục tiêu hướng đến một đất nước hùng cường.
"Nội hàm của cụm từ này muốn thể hiện những sản phẩm công nghệ được sáng tạo tại Việt Nam,thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam", Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nói, bởi ông cho rằng nếu cứ tập trung gia công, lắp ráp, Việt Nam rất khó thực hiện được những khát vọng của mình.
Phía Bộ TTTT, dù đã giải thích rất kỹ về ý nghĩa và tính toán truyền thông của khẩu hiệu này, dù vậy, "Make in Vietnam" đến nay vẫn khiến cộng đồng có nhiều tranh cãi. Nhưng với những người trong giới công nghệ lâu năm như ông Nguyễn Thành Nam, Founder của Funix, cựu CEO FPT thì những tranh luận về tính đúng/sai của slogan, là điều thừa thãi.
"Đây là một tuyên bố mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ, vốn là điều khó trước đây. Khẩu hiệu này theo tôi là được ra đời đúng thời điểm", ông Nguyễn Thành Nam nói.
Thời điểm ở đây có nghĩa là việc đất nước đang trở thành một trung tâm thu hút đầu tư của cả thế giới. "Nếu không ai quan tâm đầu tư thì sẽ không thể tự có công nghệ được", ông Nam khẳng định.
Thế và lực của Việt Nam cũng ngày một được khẳng định, theo ông Nam. Đây là một thuận lợi, một thời cơ lớn cho "quyết tâm giành độc lập về công nghệ", bởi chỉ khi thế nước mạnh, Việt Nam mới có thể đàm phán "tất tay" với các nước khác. "Độc lập là buộc phải chiến đấu, giành lấy chứ không phải tự nhiên mà có được".
Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là thời cơ cho Việt Nam trong việc chinh phục mục tiêu này do xung đột của hai cường quốc về bản chất là cuộc chiến công nghệ.
"Mỹ cho rằng Trung Quốc đang ăn cắp công nghệ của mình. Mà cũng có thể là thế thật. Bằng cách nào đó, trong thời gian rất ngắn, Trung Quốc đã có được công nghệ mà Mỹ đã tích luỹ hàng trăm năm. Đây là bài học cho cho chúng ta", ông Nam nói.
Do vậy, các nhà hoạt định, các doanh nghiệp cần bám sát cuộc chiến này: "Hai nước đang đánh nhau nên sẽ nêu hết các vấn đề, chúng ta sẽ có được rất nhiều thông tin. Từ đó, chúng ta sẽ biết chỗ nào mạnh, chỗ nào yếu, chỗ nào Việt Nam có thể nhảy vào".
Ông Nguyễn Thành Nam cũng đánh giá cao của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong vai trò là người khởi xướng cho phong trào "Make in Vietnam" sắp tới. "Chúng ta cần có người thủ lĩnh. Anh Hùng là người có đủ phẩm chất, vị trí chính trị để làm cái này", ông nhận xét.
Có thời cơ, có người dám đứng ra đảm nhận vị trí đứng đầu, theo ông Nam, thứ còn lại mà Việt Nam cần được bổ sung là "chất xám". Chất xám ở đây được hiểu là những người giỏi.
"Bao năm qua chúng ta để người tài ra nước ngoài hết. Trong nước cũng có nhưng không nhiều", ông Nam nói. Ông cũng lưu ý người tài ở đây không nên có sự phân biệt về quốc tịch. Bất cứ ai cũng được – ông nhấn mạnh – việc đầu tiên là phải tập hợp được những người giỏi.
"Chúng ta đang thiếu người tài trầm trọng. Chúng ta đánh nhau với các đại gia công nghệ hùng mạnh của thế giới, đây không phải là chuyện đùa", ông cho biết. Do vậy, một chính sách nhằm quy tụ những người này là việc cần làm đầu tiên.
Điều dễ nhất, như ông Nam đề xuất, là chính sách visa thông thoáng, dễ dàng cho các chuyên gia, nhà khoa học công nghệ muốn trở về Việt Nam làm việc. Mặt khác là giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người này.
"Nhà nước sẽ không mất gì cả, con số thuế giảm đi không đáng bao nhiêu. Nhưng đó là quyết sách khả thi và làm được ngay", ông Nam nhận xét. Những hành động này, nếu làm ngay, sẽ chứng tỏ rằng Việt Nam đang phát đi tín hiệu rất rõ ràng về chiêu hiền đãi sỹ.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng rất ủng hộ việc các doanh nghiệp lớn đang bỏ tiền túi ra để mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ về làm việc.
Nhưng trong một "trận đánh" không chỉ cần "tướng" giỏi mà còn phải có "binh hùng", nghĩa là Việt Nam cần nuôi dưỡng được một nguồn lực lớn những kỹ sư, lập trình viên có tay nghề tốt. Điều này sẽ có được nếu như Chính phủ có nhanh chóng có chính sách "giãn sức" cho doanh nghiệp công nghệ, đa phần là nhỏ.
"Hãy tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các startup công nghệ tăng thêm về số lượng, lớn về quy mô. Hãy cho họ vốn ưu đãi, đừng lằng nhằng thủ tục nhiều quá, cũng bớt thanh kiểm tra đi. Cứ mặc kệ nó ở chừng mực nào đó để nó có thể lớn lên", ông Nam nói và nhấn mạnh chính những doanh nghiệp này đang "huấn luyện quân" mà không mất một đồng nào của nhà nước.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, Việt Nam đang có hàng trăm vấn đề cần được giải quyết thông qua công nghệ. "Mạng xã hội chỉ là một vấn đề trong số đó", ông nói và chỉ ra những bài toán khác như giao thông, y tế, giáo dục.
Nhưng với nguồn lực còn hạn chế như hiện nay, đất nước không thể xử lý tất cả mọi thứ. "Việt Nam chỉ nên làm những thứ có lợi thế cạnh tranh. Điều này cần một sự tham mưu, một hướng đi đúng đắn", ông nhấn mạnh.
"Chúng ta tuyệt đối không duy ý chí mà phải sáng suốt trong việc lựa chọn. Nếu trận Điện Biên Phủ mà đánh ở Hà Nội thì thua chắc. Trận đánh công nghệ cũng thế thôi, nếu dàn hàng ngang ra mà tấn công thì sẽ bị đè bẹp", ông khẳng định. Những hành động sắp tới, theo ông, cần đi vào những đặc thù của Việt Nam, giải quyết những chỗ tắc của đất nước.
Đơn cử như giao thông, vốn đang rất lộn xộn, mà như ông Nam nhận định, nếu giải quyết được sẽ là cú huých cho nền kinh tế. Hay như y tế, nếu nâng cao được chất lượng dịch vụ, bằng công nghệ, giúp cho cuộc sống của người Việt sẽ được nâng cấp, thì một cách gián tiếp, đất nước sẽ phát triển tốt hơn.
"Việt Nam cũng không nhất thiết phải chế ra phần mềm. Nó chỉ là phương tiện. Chúng ta có thể tận dụng công nghệ để giải những bài toán chưa ai từng làm. Nếu xác định được bài toán thì việc giải không quá phức tạp", ông nói. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng mỗi hành động đưa ra, cần phải làm đến nơi đến chốn.
Bởi lẽ, sau mỗi khẩu hiệu, cộng đồng sẽ mong chờ một kết quả. Nếu chỉ là những tiếng hô, theo phong trào, mà không có gì ngoài sự thất vọng, thì sẽ rất khó để nhận được sự ủng hộ cho những lần kêu gọi kế tiếp.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định khát vọng làm chủ công nghệ - hay "Make in Vietnam" là một quá trình dài hạn và sẽ không đạt được ngay lập tức. "Nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ, chúng ta sẽ không có cơ hội".
"Thất bại thì làm lại", ông Nam nói, nhưng, điều quan trọng hơn là "Đừng chia rẽ nhau. Ai giỏi cái gì thì làm cái nấy. Thị trường cần tất cả: người tiêu dùng, lập trình viên, nhà thiết kế, nhà toán học, nhà chính trị... Không phải một người, một nhóm người mà thành công, thay vào đó là tất cả mọi người cùng làm".
"Người này cũng giỏi, người kia cũng giỏi, tại sao chúng ta cần cả hai? Bởi mỗi người sẽ được làm thứ mình giỏi nhất và đó là yếu tố cộng hưởng. Đừng khiến cho người khác cảm thấy bị đứng ra bên ngoài", ông nói thêm.
Mặt khác, ông Nam cũng bày tỏ hi vọng cộng đồng bớt đi những tranh cãi không cần thiết. Con đường, trước mắt có thể là toàn khó khăn, nhưng phải bước đi thì mới thành hình. Người ta có quyền nghi ngờ, ông Nam nói và cho rằng đó là điều hoàn toàn bình thường. "Nhưng vẫn có những người tin vào khát vọng Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, vậy cứ làm thôi, không cần cãi cọ, khi nào có kết quả, tự khắc người ta sẽ tin".
Ví dụ như việc một số những chuyên gia công nghệ hàng đầu trở về Việt Nam làm việc là một minh chứng. "Họ đã tin và cảm thấy nơi đây có chất", ông Nguyễn Thành Nam cười lớn.