WinEco

Ông Nguyễn Văn Bình: Hoạt động 'Siêu ủy ban' còn bỡ ngỡ vì chưa có tiền lệ

28/07/2019 17:22

Trước nhận định 'Siêu ủy ban' gây khó khăn cho tập đoàn, tổng công ty, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng nguyên nhân do mô hình mới, chưa có tiền lệ, cơ chế còn vướng mắc.

"Một trong những vấn đề trong thời gian gần đây rất được quan tâm đó là hoạt động của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước", Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình mở đầu phần nhận xét về hoạt động của Siêu ủy ban trong Hội nghị sơ kết Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, tổ chức ngày 26/7.

Theo ông, nhiều ý kiến nói rằng từ khi thành lập đến nay, Uỷ ban gây nhiều khó khăn, chậm trễ trong xử lý công việc của các tập đoàn, tổng công ty.

"Ở đây chúng ta phải nhìn vấn đề từ hai phía, cả khách quan và chủ quan. Mô hình Siêu ủy ban là một mô hình mới, đặc biệt là trên thế giới chưa có mô hình nào chung nhất, mỗi quốc gia đều có một cách làm riêng", Trưởng ban kinh tế Trung ương nói và nhấn mạnh, "chúng ta, vì thế, không có tiền lệ để học hỏi".

Ông Nguyễn Văn Bình: Hoạt động 'Siêu ủy ban' còn bỡ ngỡ vì chưa có tiền lệ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị ngày 26/7.

Điểm thứ hai, theo ông Bình, vì Siêu ủy ban là mô hình mới nên cũng khó có thể đòi hỏi cán bộ phải có kinh nghiệm sâu sắc ngay từ đầu, bởi chưa được trải qua những môi trường tương tự.

Ngoài ra, Ủy ban cũng là cơ quan mới lập ra, chức năng lại có liên quan đến nhiều cơ quan khác, do đó cơ chế mới thường sẽ có những mâu thuẫn, nút thắt, phải mất một thời gian mới có thể tháo gỡ.

"Quá trình đó cũng không có gì để chúng ta phải ngạc nhiên. Nhưng nói như thế không có nghĩa rằng chúng ta cứ kệ nó, chúng ta phải luôn theo dõi để xử lý. Muốn xử lý được phải xem cái gì mình đúng, cái gì mình sai", Trưởng ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Nói về sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước, ông Bình nhấn mạnh Nghị quyết 12 Hội nghị Trung ương 5 được ban hành không chỉ hay, đúng mà còn "trúng" với thực tế.

"Nếu chúng ta thể chế hóa một cách đầy đủ, phù hợp, đúng đắn những tinh thần của Nghị quyết đó, sau đó tổ chức triển khai thì cơ sở cho phát triển doanh nghiệp sẽ rất tốt", ông nói.

Trước ý kiến nói dư luận xã hội "không thiện cảm" với doanh nghiệp nhà nước, ông Bình cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước là một bộ phận quan trọng của kinh tế nhà nước. "Nhiều người nói rằng kinh tế tư nhân phát triển thế kia, nói muốn xóa bỏ vai trò của kinh tế nhà nước, vì tham ô, tham nhũng, nhưng điều đó không đúng", ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông, vai trò của kinh tế nhà nước được thể hiện trong nhiều lĩnh vực, như hạ tầng viễn thông trong thời đại kinh tế, lĩnh vực năng lượng, hàng không, hạ tầng cơ bản...

"Thiết kế của Nghị quyết 12 mà hôm nay chúng ta bàn là ở chỗ này, những tập đoàn, Tổng công ty là thiết yếu, quan trọng, an ninh quốc phòng thì Ủy ban quản lý vốn quản lý. Còn thấy tình hình không cần thiết mà tư nhân làm được thì chuyển cho SCIC để kinh doanh vốn nhà nước mang lại hiệu quả cao", Trưởng ban kinh tế Trung ương kết luận.

Nói tại hội nghị, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, một trong những khó khăn của TKV nói riêng và nhiều tổng công ty khác là vấn đề quy hoạch. Theo đại diện TKV, nhiều dự án của tổng công ty bị phá vỡ bởi quy hoạch kinh tế - xã hội tại chính địa phương.

"Có nhiều dự án, nhiều mỏ than đang triển khai thì có các thành phần kinh tế khác yêu cầu đè lên khu vực có khoáng sản đó để thực hiện. Chính vì vậy, thủ tục xin phép thực hiện các dự án về năng lượng là rất khó khăn", ông Chuẩn nói và nhấn mạnh, lượng than cung cấp cho nền kinh tế gặp khó một phần do nguyên nhân này.

Kiến nghị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Đại diện TKV cho rằng cần có những giải pháp sớm tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề này.

"Có nhiều dự án chuẩn bị xong rồi nhưng khi triển khai thì không phù hợp với địa phương. Có những dự án, khi triển khai thì địa phương không biết đặt chỗ nào", Chủ tịch TKV nói.

Theo VNE