Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Ông Trịnh Văn Quyết nói về “điều ước bó đũa” của doanh nghiệp tư nhân

27/04/2019 23:05

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, người đứng đầu Tập đoàn FLC cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng góp phần thay đổi rất lớn bộ mặt và sức cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực của kinh tế Việt Nam.


Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, người đứng đầu Tập đoàn FLC cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng góp phần thay đổi rất lớn bộ mặt và sức cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực của kinh tế Việt Nam.

"Để cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực lớn, ngoài nội lực của từng doanh nghiệp nội địa, cũng rất cần sự tương hỗ, đoàn kết của tinh thần "bó đũa", Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết bình luận trước thềm Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, sẽ diễn ra tại Hà Nội vào hai ngày 2 - 3/5.

Một thập kỷ phát triển mạnh mẽ, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng trước những áp lực của khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới, đồng thời đóng góp quan trọng cho sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế Việt Nam.

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, người đứng đầu Tập đoàn FLC cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng góp phần thay đổi rất lớn bộ mặt và sức cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực của kinh tế Việt Nam, từ du lịch, hàng không, tài chính, bất động sản, chế biến chế tạo, hàng tiêu dùng..., mang đến lợi ích và giá trị thiết thực cho mọi tầng lớp khách hàng.

"Khu vực này đang đóng góp gần một nửa GDP, gần một nửa vốn đầu tư toàn xã hội, gần một nửa thu ngân sách, 60% số việc làm mới mỗi năm…", ông Quyết nhấn mạnh.

Trong sự tăng trưởng chung của khối kinh tế tư nhân, vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp tư nhân cũng đang ngày càng được khẳng định. Giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm, doanh nghiệp tư nhân tạo hơn 500.000 việc làm, chiếm khoảng 62% tổng số việc làm trong toàn bộ khối doanh nghiệp.

Thu nhập bình quân/lao động trong khu vực này cũng tăng dần theo các năm, từ 46 triệu đồng/năm/lao động năm 2011 lên khoảng 76 triệu đồng/năm/lao động năm 2016.

Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam cũng tăng đáng kể theo thời gian, giai đoạn 2014-2017 đạt mức cao 21,8%.

Khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra hàng triệu công ăn việc làm và góp công lớn vào sự tăng trưởng GDP bền vững của Việt Nam.

"FLC tự hào được là một thành tố trong khu vực năng động và hiệu quả nhất nền kinh tế này", ông Quyết nhấn mạnh và cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân sẽ không thể vươn lên kỳ diệu như vậy nếu không được tạo điều kiện và khích lệ từ quá trình đổi mới mạnh mẽ của đất nước, đặc biệt về tư duy và chính sách quản lý trong những năm qua.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, có những yếu tố có thể trở thành "điểm nghẽn" cho sự tăng trưởng, bao gồm "những cái nhìn thiếu thiện cảm" đối với khu vực kinh tế này, hoặc đâu đó là sự phân biệt đối xử giữa khối tư nhân với các thành phần kinh tế khác, hay đặc biệt là sự liên kết còn lỏng lẻo giữa chính các doanh nghiệp, như những chiếc đũa riêng lẻ và yếu ớt.

Ông Quyết khẳng định: "Khi áp lực từ các thương hiệu nước ngoài cũng đang lớn hơn bao giờ hết, để cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực lớn, ngoài nội lực của từng doanh nghiệp nội địa, cũng rất cần sự tương hỗ, đoàn kết của tinh thần "bó đũa".

Hiện tại, khu vực kinh tế tư nhân đang được kỳ vọng sẽ tăng tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế đạt khoảng 50% vào năm 2020, tăng thêm 5% vào năm 2025 và đến năm 2030 khoảng 60-65%.

"Chưa bao giờ niềm tin và kỳ vọng của các nhà lãnh đạo đất nước vào kinh tế tư nhân lại lớn như hiện tại. Rất mong từ đó, các cấp quản lý sẽ có nhiều hơn những giải pháp cụ thể và quyết liệt để tháo gỡ những rào cản không đáng còn tồn tại, để kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển đúng với tiềm năng. Rất mong khu vực này sẽ ngày càng được trân trọng và đánh giá đúng hơn về những đóng góp cho xã hội, cho đất nước", Chủ tịch FLC bày tỏ.


Theo Hải An

Trí Thức Trẻ