Baoshang Bank – một phần quan trọng trong đế chế kinh doanh của ông trùm Xiao Jianhua – đã sụp đổ, khi cổ đông lớn Tomorrow Group không thể thanh toán khoản nợ hàng tỷ Nhân dân tệ.
Tập đoàn Tomorrow Group đã vay 156 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 22.3 tỷ USD) từ Baoshang Bank – vốn đã được Chính phủ Trung Quốc tiếp quản trong năm 2019. Khoản vay này được thực hiện một cách bất hợp pháp dưới dạng 347 khoản vay thông qua 209 công ty vỏ bọc (shell companies) trong giai đoạn 2005-2019, Zhou Xuedong, Trưởng bộ phận tiếp quản (takeover team) tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), viết trong ấn phẩm mới nhất của China Finance – một ấn phẩm của NHTW.
Baoshang Bank và Tomorrow Group đều dưới sự kiểm soát của ông Xiao – người được cho là đang chờ xét xử vì tội hối lộ và thao túng giá cổ phiếu. Tomorrow Group nắm 89% cổ phần tại Baoshang Bank – một cơ cấu cổ phần độc quyền làm gia tăng nguy cơ quản trị doanh nghiệp yếu kém.
Trong thời đỉnh cao, Tomorrow Group của ông Xiao sở hữu cổ phần tại 44 định chế tài chính, từ ngân hàng và công ty môi giới chứng khoán cho tới công ty quản lý quỹ và công ty ủy thác đầu tư, với tổng trị giá lên đến 3 ngàn tỷ Nhân dân tệ. Thông qua một mạng lưới mê cung thực thể, Xiao tạo ra nhiều tầng sản phẩm quản lý tài sản, kiếm lời thông qua kinh doanh chênh lệch giá (arbitrages), chuyển lợi ích cho các công ty liên kết và tài trợ cho các ngành công nghiệp khác.
Đà mở rộng không kiểm soát của Tập đoàn đã đến hồi kết khi các cơ quan điều hành đẩy mạnh chiến lược giảm bớt đòn bẩy tài chính trong ngành ngân hàng.
Baoshang Bank chỉ là một ví dụ điển hình cho cách ông Xiao và Tomorrow Group sử dụng vay nợ để có tiền dễ dàng và nhanh chóng đến thế nào, qua đó tạo ra những rủi ro tiềm ẩn. Ngân hàng này lệ thuộc vào các khoản vốn đắt đỏ từ thị trường liên ngân hàng để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Việc vay nợ từ các định chế tài chính khác chiếm gần 30% tài sản trong nửa đầu năm 2017, tăng 12 điểm phần trăm so với cuối năm 2016, trong khi tỷ trọng tiền gửi giảm 15 điểm phần trăm xuống 43%.
Tập đoàn Tomorrow Group can thiệp vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của Baoshang Bank, hủy hoại hoạt động kiểm soát rủi ro của Ngân hàng, đồng thời điều khiển các cuộc họp cổ đông, ông Zhou viết.
“Cú vấp của Baoshang Bank không chỉ là vì 1 người và không diễn ra sau 1 đêm”, ông Zhou viết trong ấn phẩm. “Bên cạnh những thất bại trong hoạt động kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp tồi tệ cũng là một lý do quan trọng”.
Cấu trúc cổ đông đa dạng, giám sát từ bên ngoài và công bố thông tin đàng hoàng là những yếu tố quan trọng để cải thiện quản trị doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại và tính minh bạch, ông nói thêm.
Vào đêm giao thừa 3 năm về trước, ông Xiao được thuyết phục rời khách sạn ở Four Seasons (Hồng Kông) để trở về Trung Quốc đại lục nhằm phục vụ cuộc điều tra của các cơ quan tài chính.
Baoshang Bank là ngân hàng Trung Quốc đầu tiên được Chính phủ tiếp quản trong 2 thập kỷ qua vì Ngân hàng này mất khả năng thanh toán sau khi Tomorrow Group và các công ty liên kết không thể trả nợ gốc và lãi vay.
Mengshang Bank – một ngân hàng mới do Chính phủ Trung Quốc lập ra – và Huishang Bank tiếp quản lại toàn bộ tài sản của Baoshang Bank trong tháng 4/2020.
Được biết, Baoshang Bank từng là một phần quan trọng trong đế chế kinh doanh của tỷ phú Xiao – vốn giữ cổ phần tại hàng trăm công ty niêm yết Trung Quốc thông qua người đại diện, từ năng lượng, dịch vụ tài chính và công nghệ cho đến bất động sản.
Sau vụ thâu tóm Baoshang Bank, các nhà điều hành cũng tiếp quan thêm hai ngân hàng khác là Hengfeng Bank và Jinzhou Bank trong tháng 8/2019. Ba ngân hàng mất khả năng thanh toán này đều nằm dưới quyền kiểm soát của ông Xiao.
Áp lực lên các khoản nợ xấu của ngân hàng Trung Quốc vẫn ngày một tăng vì sự gián đoạn mà Covid-19 mang lại, theo báo cáo thường niên của Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc (CBA) trong tuần trước. Trong 6 tháng đầu năm, lượng nợ xấu còn tồn đọng tại các ngân hàng Trung Quốc chạm mức 3.6 ngàn tỷ Nhân dân tệ, tăng 400.4 tỷ Nhân dân tệ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2.1%.