Theo các nhà phân tích, khi các doanh nghiệp Mỹ rút lui, đó là cơ hội mới cho các công ty Trung Quốc.
Doanh nghiệp Mỹ rút, công ty Trung Quốc sẽ được lợi?
Khi căng thẳng thương mại leo thang, các công ty Mỹ đang phải đối mặt với môi trường ngày càng phức tạp ở Trung Quốc. Cùng lúc này, các doanh nghiệp Trung Quốc lại tìm cách thích nghi. Tất cả điều đó, theo các nhà phân tích, có thể mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong ngắn hạn, thuế quan của Mỹ có thể tác động tiêu cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp Trung Quốc. Về lâu dài, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tác động đến cấu trúc của chuỗi công nghiệp toàn cầu nếu nó không sớm được giải quyết.
Chứng khoán Mỹ liên tục lao dốc cho thấy sự lo ngại của các nhà đầu tư với tác động của căng thẳng thương mại đến các doanh nghiệp Mỹ. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc có thể tìm kiếm những cơ hội kinh doanh khác mà người Mỹ bỏ lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ buộc phải thay đổi phương thức sản xuất, thúc đẩy quá trình chuyển đổi và nâng cấp hoạt động.
Ngoài ra, các nhà phân tích cũng cho rằng căng thẳng thương mại có thể giúp các công ty Trung Quốc giành thị phần lớn hơn từ chính các doanh nghiệp Mỹ. Dữ liệu cho thấy Trung Quốc đang chuyển giao dịch nông sản từ Mỹ sang các nước khác, đặc biệt là các quốc gia châu Mỹ - Latin.
Tổng thống Trump cũng ra lệnh cho các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc. Chưa rõ các công ty Mỹ tuân thủ như thế nào với yêu cầu của Tổng thống nhưng có thể thấy nếu rút về, họ sẽ bỏ lại thị trường màu mỡ ở Trung Quốc. Đó chính là cơ hội mà các doanh nghiệp nước này sẽ ngay lập tức tận dụng nhằm "lấp đầy chỗ trống".
Ngoài ra, một động thái như vậy sẽ là rạn nứt chưa từng có trong mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa Mỹ với Trung Quốc. Điều này sẽ tạo ra những sự không chắc chắn, điều không có lợi, thậm chí là tệ hại, cho cả doanh nghiệp Mỹ lẫn Trung Quốc.
Đối với các doanh nghiệp Mỹ, những thách thức khi kinh doanh ở Trung Quốc trong thời điểm chiến tranh thương mại leo thang là điều chắc chắn. Tuy nhiên, rút khỏi thị trường này không phải câu trả lời cho vấn đề cần giải quyết.
Căng thẳng chưa thấy hồi kết, doanh nghiệp Trung Quốc đang tự lo cho mình
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị cuốn vào một cuộc đột thương mại kéo dài hơn 1 năm qua. Trong khi tranh chấp ban đầu chỉ xoay quanh thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến lúc này đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, trong đó nổi bật nhất là công nghệ, viễn thông.
Hôm 23/8, Trung Quốc đã công bố kế hoạch áp thuế bổ sung với hàng hóa trị giá 75 tỷ USD vào ngày 1/9 và ngày 15/12. Đáp lại, ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 550 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Vòng thuế quan mới đồng nghĩa tới cuối năm, hầu hết các hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đều sẽ bị đánh thuế.
Mặc dù thuế quan làm tăng thêm gánh nặng với các công ty Trung Quốc, vốn đã phải chịu áp lực từ sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế trong nước, dữ liệu và phân tích khác cho thấy các doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang duy trì khả năng phục hồi, ngay cả khi phải gánh chịu những chi phí từ thuế quan.
Wei Jianguo, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, nhấn mạnh: "Tôi phải nói rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ là một tình huống kéo dài". Theo ông Wei, trong lúc chờ đợi một thỏa thuận công bằng và bình đẳng, Trung Quốc đã chuẩn bị để chống lại bất cứ tác động tiêu cực nào từ căng thẳng thương mại.
Ông Wei cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp Trung Quốc không hề sợ hãi. Củng cố cho điều đó, ông Wei nêu ra 4 cải cách mà Trung Quốc đang thực hiện để củng cố sức mạnh cho các doanh nghiệp của mình.
Tăng cường hỗ trợ của chính phủ; Mở các kênh quốc tế khác thông qua các khu vực thương mại tự do và Sáng kiến Vành đai Con đường do Bắc Kinh dẫn đầu; Phát triển môi trường hoạt động chất lượng hơn cho các doanh nghiệp quốc doanh và nước ngoài và Thực hiện các chính sách cắt giảm thuế, phí.
Một số doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách hấp thụ chi phí từ thuế quan. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đang chờ đợi giải pháp từ các cuộc đàm phán thương mại, điều rõ ràng đang ngày càng trở nên xa vời.
Các doanh nghiệp bị đánh thuế của Trung Quốc cũng đang đi theo 2 con đường. Một số duy trì chuỗi cung ứng hiện tại và cắt giảm lợi nhuận hoặc chuyển càng nhiều chi phí từ thuế quan lên sản phẩm càng tốt.
Hiện tại, các phái đoàn thương mại của Mỹ và Trung Quốc vẫn đang giữ liên lạc. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng đã xác nhận thông tin này. Hai bên từng có một cuộc đàm thoại cấp cao hôm 13/8 và lên kế hoạch có một cuộc gọi tương tự trong vòng 2 tuần sau đó, trước thềm cuộc gặp trực tiếp dự kiến diễn ra trong tháng 9.
Các nhà phân tích cũng đề cao giải pháp đàm phán và tìm một thỏa thuận thương mại nhằm xóa bỏ đi những khoản thuế đang đánh lên hàng hóa của cả Trung Quốc và Mỹ. Nó cũng có thể giúp mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đi vào quỹ đạo ổn định và mang tính xây dựng hơn nữa.