Ông Trương Gia Bình: 'Vốn thường đưa vào nhà giàu chứ không đưa vào nhà nghèo'

02/04/2020 16:44

Mặc dù Chính phủ đã triển khai gói tín dụng lên tới 250.000 tỉ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19 nhưng không ít doanh nghiệp nông nghiệp cho biết gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận và phải vay vốn lãi cao.

Mặc dù Chính phủ đã triển khai gói tín dụng lên tới 250.000 tỉ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19 nhưng không ít doanh nghiệp nông nghiệp cho biết gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận và phải vay vốn lãi cao.

Ông Trương Gia Bình: Vốn thường đưa vào nhà giàu chứ không đưa vào nhà nghèo - Ảnh 1.
Hội nghị trực tuyến của các thành viên Hiệp hội Nông nghiệp số bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn từ dịch bệnh - Ảnh chụp màn hình)

Thông tin được nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chia sẻ tại hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam - với chủ đề "Đồng hành cùng đất nước chiến thắng dịch bệnh” diễn ra sáng 2-4 với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp nông nghiệp trên cả nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch Tập đoàn Nafoods - cho biết trong bối cảnh khó khăn này, hầu hết doanh nghiệp cần có đủ điều kiện sản xuất là vốn. Mặc dù nghe thông tin Chính phủ về việc có gói hỗ trợ tín dụng lên tới 250.000-280.000 tỉ đồng, doanh nghiệp dù có mức tăng trưởng quý 1 lên tới 40% nhưng việc tiếp cận vẫn rất khó khăn vì "vốn vẫn nằm ở đâu đó".

"Nguy hiểm là khi chúng tôi đề xuất thì ngân hàng nói nếu đưa vào diện giãn nợ, gia hạn nợ vô hình trung là nợ xấu rồi, nên cố gắng là đừng có kêu. Nếu không cơ cấu sản xuất, không có tiền, thì không thể xử lý được, vì khó nhất của doanh nghiệp vẫn là tiền", ông Hùng nói.

Trực tiếp trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online tại hội nghị trực tuyến, ông Hùng cho biết thêm hiện nhiều ngân hàng đang có tâm lý lo sợ không dám cho vay. Thực tế, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn nên phải vay tín dụng đen, vay nóng với lãi suất cao, có trường hợp vay 1 triệu mà lãi từ 3.000-5.000 đồng/ngày.

Ông Trương Gia Bình - chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) - cho rằng các gói hỗ trợ rất lớn nhưng ngân hàng lo lắng đưa vào nợ xấu. Bởi với tình hình dịch bệnh như hiện nay, tác động tới nhiều doanh nghiệp, nên việc ngân hàng cấp vốn cho đối tượng nào cũng đều "nguy hiểm".

"Các doanh nghiệp trong hiệp hội đều sản xuất và cung ứng hàng thiết yếu, nên sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Vì vậy hiệp hội sẽ làm việc với một số ngân hàng thân thiện, giải thích cho họ rõ để hỗ trợ vốn. Tôi sẽ lập ban và làm việc với các ngân hàng thân thiết để làm việc này. Vốn thường đưa vào nhà giàu chứ không đưa vào nhà nghèo", ông Bình nêu.

Ông Bình cũng cho rằng bối cảnh dịch bệnh hiện nay được xem như là "thời chiến" mà mỗi người dân, doanh nghiệp là một chiến sĩ. Do vậy, mọi nguyên tắc thời bình nếu được áp dụng thì không thể chiến thắng, có thể gây ra sự tàn phá khủng khiếp với nền kinh tế và xã hội.

Vì vậy, ông đề nghị trong bối cảnh này, từ cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước cần phân quyền nhiều hơn và cách quyết định thời chiến là dựa theo tình huống. Những vấn đề quyết định thì không có hồi tố để tránh tình trạng không ai dám làm, không ai dám tham gia chống dịch.

Theo đó, các doanh nghiệp nông nghiệp với vai trò cung ứng thực phẩm, hàng hóa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, thiết yếu của người dân trong phòng chống dịch sẽ luôn đảm bảo sẵn sàng cho sản xuất, trở thành người lính áo xanh để vượt qua khó khăn của dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu cho người dân.

Ông Nguyễn Quốc Toản - cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT - cũng khẳng định bộ đã có kiến nghị Chính phủ có gói hỗ trợ tài chính, tín dụng cho doanh nghiệp nông nghiệp.

Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thị trường, trước mắt là Trung Quốc dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào tháng 5 tới đây với nhiều sản phẩm được xuất chính ngạch vào thị trường này như chanh leo, thạch, tổ yến...

NGỌC AN
Theo Tuổi Trẻ