Sinh nhật 10 tuổi Winmart

PGĐ địa ốc Đất Lành: Vì sao ‘tiểu gia’ mất 18 tháng để đóng bổ sung tiền sử dụng đất, mà ‘siêu gia’ chỉ 14 tháng đã có giấy phép xây dựng?

13/04/2019 08:32

Theo ông Nguyễn Văn Đực, công ty địa ốc Xanh làm thủ tục pháp lý để xin đóng bổ sung tiền sử dụng đất cho một dự án mất đến 18 tháng, mà một doanh nghiệp khác chỉ mất 14 tháng đã xin được giấy phép xây dựng cho dự án của họ.

Tại Hội nghị Lãnh đạo TP HCM gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) mới đây, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, Tổng Giám đốc CTCP xây dựng địa ốc Xanh đặt vấn đề: Vì sao "tiểu gia" mất 18 tháng mới xong thủ tục xin bổ sung tiền sử dụng đất, mà "siêu gia" chỉ cần 14 tháng đã có giấy phép xây dựng?

PGĐ địa ốc Đất Lành: Vì sao ‘tiểu gia’ mất 18 tháng để đóng bổ sung tiền sử dụng đất, mà ‘siêu gia’ chỉ 14 tháng đã có giấy phép xây dựng? - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, công ty địa ốc Xanh làm thủ tục pháp lý để xin đóng bổ sung tiền sử dụng đất cho một dự án mà mất 18 tháng. (Ảnh: Báo Dân sinh)

Cụ thể, ông cho biết, CTCP xây dựng địa ốc Xanh làm thủ tục pháp lý để xin đóng bổ sung tiền sử dụng đất cho một dự án (trước đó doanh nghiệp đã đóng tiền sử dụng đất rồi, giờ đóng bổ sung cho hoàn thiện 100%).

Nhưng từ tháng 10/2017 đến nay mất 18 tháng, doanh nghiệp lòng vòng ở Cục Thuế TP HCM 4 tháng, sau đó Cục Thuế chỉ sang UBND TP, UNND TP chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường thụ lý trong 14 tháng, giờ mới có văn bản chính thức gửi UBND TP đồng ý cho công ty này triển khai dự án.

"Tôi đề nghị, một số việc UBND TP nên ủy quyền hẳn cho Sở Tài nguyên – Môi trường làm, UBND TP còn bao nhiêu việc vĩ mô hơn: làm metro, chống úng ngập, kẹt xe, phát triển đô thị… Vậy mà giờ giải quyết giấy tờ cho 3.000 m2 đất cũng cần đến UBND TP. UBND TP không phải là 'siêu Sở' mà cái gì cũng cầm tay chỉ việc, thành phố cần giao việc cho các Sở làm, sai thì kỷ luật Sở đó", ông Đực đề xuất.

Doanh nghiệp, chính quyền và truyền thông đã lãng quên nhà giá thấp?

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Đực còn nhấn mạnh về tình trạng thiếu nguồn cung phân khúc nhà giá thấp cho người dân TP HCM hiện nay. Ông nói: "10 năm trước, Đất Lành, Khang Gia, Nam Long, Lê Thành đi tiên phong làm nhà giá thấp. Đến nay, Khang Gia vướng đầy tai tiếng, Đất Lành thì nghỉ dưỡng cho an lành, chỉ còn lại Nam Long và Lê Thành".

Ngoài ra, gần đây cũng có một số doanh nghiệp bước chân vào phân khúc nhà giá thấp nhờ động lực từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp đều đã "mệt" và "không biết đã rút chân hay chưa".

Tương tự, cách đây 3 – 4 năm, cũng có nhiều sàn kinh doanh BĐS mua các dự án nhà giá thấp để phân phối như Hưng Thịnh, Phúc Khang hay Đất Xanh. Nhưng đến nay, ba doanh nghiệp này cũng đã "từ chối" nhà giá thấp, không ai làm nhà giá thấp nữa. Cách đây hai năm, một doanh nghiệp tuyên bố sẽ làm mấy trăm ngàn căn hộ nhà giá thấp tại quận 9, nhưng giờ lại tuyên bố chuyển đổi thương hiệu dự án, bán nhà với giá trên dưới 30 triệu đồng/m2.

"Nhà giá thấp giờ gần như không có ai làm. Vì sao? Vì lãi rất thấp – chỉ khoảng 1 – 2 triệu đồng/m2 thôi. Nếu gặp một số biến cố về giá, về tài chính ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ dễ phá sản, thua lỗ giống như Đất Lành hay Khang Gia. Không những thế, về mặt pháp lý, việc xin thực hiện các thủ tục cũng cực khổ như nhau, vì cũng làm tất cả thủ tục từ PCCC, cao độ, tính kết cấu… giống y như làm nhà cao giá. Vậy thì sao phải làm nhà giá thấp? làm nhà giá cao lời hơn", ông Đực phân tích.

Lãnh đạo của địa ốc Đất Lành cho rằng, hiện tại, từ doanh nghiệp đến chính quyền, truyền thông đều "lãng quên nhà giá thấp" và đề nghị chính quyền phải có chiến lược, phương pháp để duy trì loại hình nhà giá thấp.

Phản hồi về vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM thông tin, TP HCM đã có kế hoạch về nhà ở xã hội giai đoạn 2016 – 2020 với chỉ tiêu phấn đấu là 20.000 căn từ 39 dự án.

"Căn cứ tiến độ thực hiện như hiện nay, chúng tôi đánh giá chỉ tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được. Nói 20.000 căn hộ nghe thì lớn nhưng thực tế vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Trước đó có 1 dự án ngoài ngân sách cung cấp 1.000 căn hộ thôi nhưng đã có 7.000 đơn đăng ký rồi, 1 dự án khác do vốn ngân sách đầu tư 155 căn thôi nhưng cũng có đến 700 đơn đăng ký", ông Trần Trọng Tuấn nhận định.

Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định, sắp tới sẽ phải tiếp tục đầu tư cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận thủ tục hành chính và chính sách nhà ở xã hội hiện nay chưa thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Hiện nay, Sở Xây dựng đã kiến nghị công bố thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư nhà ở xã hội để báo với Bộ Xây dựng, kiến nghị Bộ công bố việc nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội được áp dụng các chính sách ưu đãi như giảm chi phí, thời gian cho nhà đầu tư, những chính sách khác thì các Sở tổng hợp, báo cáo với Bộ để có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội nói chung.

Hiếu Quân

Theo Kinh tế & Tiêu dùng