Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, những vinh danh với các doanh nhân và doanh nghiệp kinh tế tư nhân không nên chỉ dừng ở danh hiệu, mà là trao cơ hội và niềm tin, để lớn mạnh và giúp Việt Nam trở nên...
Trải qua 3 thập kỷ, khu vực kinh tế tư nhân từ chỗ nhỏ bé, bị hạn chế, đã phát triển mạnh mẽ và tạo nên động lực hoàn toàn mới cho nền kinh tế, đặc biệt là trong 10 năm gần nhất. Nếu tổng kết một cách khái quát những gì kinh tế tư nhân đã làm được, ông sẽ nói gì?
Tôi có thể chia ra ba ý rất cơ bản. Thứ nhất, khu vực kinh tế tư nhân là cứu tinh của nền kinh tế Việt Nam trong cuộc khủng hoảng vào những năm 1980. Khi ấy, nền kinh tế nước nhà lâm vào khó khăn trầm trọng, Nhà nước thực chất muốn khôi phục lại nền kinh tế tư nhân, thay vì tiếp tục hoàn toàn trông chờ và phụ thuộc kinh tế quốc doanh hay hợp tác xã. Chỉ trong vòng 6 tháng, khu vực này đã giúp kinh tế Việt Nam sống lại và trỗi dậy mạnh mẽ. Đó là công lao vô cùng lớn, và chính nó đã quyết định đường hướng phát triển mới cho kinh tế Việt Nam ở thời kỳ khó khăn đó: phát triển theo định hướng thị trường.
Thứ hai, sau nhiều năm phát triển, kinh tế tư nhân giờ đây càng ngày càng mạnh mẽ, tạo nên động lực mới cho đất nước. Sự thừa nhận một lực lượng vốn xưa nay vẫn bị phân biệt đối xử, vẫn bị coi thường ngay trong bối cảnh này cũng cho thấy vị thế thực sự của kinh tế tư nhân.
Thứ ba, tương lai của nền kinh tế Việt Nam sẽ gắn với sự lớn mạnh của nền kinh tế tư nhân, dưới sự dẫn dắt của những Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, dựa trên sự hỗ trợ, định hướng của Nhà nước.
Dù là động lực mới cho phát triển kinh tế nhưng sau 30 năm, câu chuyện mà nhiều chuyên gia nhắc về kinh tế tư nhân hiện nay lại là vấn đề chất lượng tăng trưởng, khi các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 97%, còn con số vừa và siêu lớn chỉ chiếm tổng cộng khoảng 3%. Điều gì đã tạo nên thực trạng này, thưa ông?
Có lẽ vì xuất phát điểm của Việt Nam quá thấp. Một lý do khác là dù thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân, nhưng trong quan điểm đường lối quan trọng bậc nhất, chúng ta đã có những giải thích chưa rõ ràng, đầy đủ.
Điều này dẫn đến thực trạng là môi trường chính sách hay không gian dành khu vực kinh tế tư nhân trong nước bị co hẹp, các doanh nghiệp chịu cảnh phân biệt đối xử, trong khi khu vực kinh tế tư nhân nước ngoài lại được ưu ái hơn hẳn. Với xuất phát điểm và môi trường chính sách kinh doanh như vậy thì việc phát triển trì trệ của khu vực kinh tế tư nhân là một điều không có gì khó hiểu cả, thậm chí là lẽ tất nhiên.
Ngoài ra, sự méo mó về cấu trúc còn được bắt nguồn từ sự méo mó của hệ thống thị trường. Như bạn nói, tỉ trọng là 96 - 97% doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, doanh nghiệp vừa còn ít hơn cả doanh nghiệp lớn…. tức là một cấu trúc rất lạ lùng, kiểu "thắt đáy lưng ong", không có triển vọng, vì đáng lẽ những doanh nghiệp vừa phải lớn hơn khá nhiều tỉ trọng của doanh nghiệp lớn.
Số lượng doanh nghiệp vừa ít như vậy chứng tỏ các doanh nghiệp nhỏ không đủ sức, đủ lực lượng để lớn lên thành doanh nghiệp lớn. Những khái niệm như "doanh nghiệp không muốn phát triển, sợ phát triển" hay "doanh nghiệp siêu nhỏ" có lẽ là những từ chỉ xuất hiện trong kinh tế Việt Nam.
Sâu xa hơn, nguyên nhân của chất lượng tăng trưởng doanh nghiệp có xuất phát điểm từ cách tiếp cận còn kì thị đối với khu vực kinh tế tư nhân. Công lao của kinh tế tư nhân trong việc tạo việc làm và mang lại cơ hội cho người lao động là vô cùng ý nghĩa - đó chính là chủ nghĩa xã hội. Nhưng cho đến nay, khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự nhận được những thứ mà họ xứng đáng được nhận, như một môi trường kinh doanh công bằng, khen thưởng hay danh hiệu xứng đáng và cao quý.
Gần đây, Chính phủ cũng đã có những vinh danh với các doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nhân thuộc khu vực kinh tế này, như tặng huân chương lao động (trường hợp của T&T Group, Thaco ….). Ông nghĩ sao về những tín hiệu vinh danh này?
Theo tôi, đó là điều đáng mừng. Như việc ông Trần Bá Dương, Đỗ Quang Hiển được nhận Huân chương lao động hạng Nhất, đó không phải là điều lạ thường mà là điều tất nhiên vì công lao đóng góp của họ và doanh nghiệp ấy với sự phát triển đất nước là vô cùng lớn. Đất nước tặng cho họ, nhưng thực ra, chính là họ tặng cho mình.
Với T&T Group, đây là hình mẫu của một doanh nghiệp Việt Nam điển hình, dù không khoa trương nhưng lại sở hữu những khía cạnh rất đặc sắc. T&T Group đã mở biên ra nước ngoài, nhưng đi theo một cách rất bất ngờ. Không tiếp cận với Lào, Campuchia hay Myanmar, vị này lại chọn Mỹ, Đức, Nga… - những đấu trường cạnh tranh rất khốc liệt, thì tôi rất ủng hộ và rất khâm phục lựa chọn ấy. Trường hợp này giống như với TH Group, bởi lựa chọn xâm nhập vào Nga, Trung Quốc… là điều rất mạnh mẽ với một phụ nữ đấy chứ. Chính họ đã xung phong tới những tuyến hội nhập vô cùng quan trọng, có vai trò vô cùng lớn với đất nước.
Doanh nghiệp Việt muốn lớn mạnh thì không thể đơn độc. Doanh nhân như ông Đỗ Quang Hiển hay Trần Bá Dương hoàn toàn xứng đáng với những danh hiệu được Nhà nước trao tặng, nhưng tôi chắc là chính các vị ấy cũng muốn thêm nhiều người cũng được vinh danh như mình. Những người như ông Phạm Nhật Vượng , Đỗ Quang Hiển, Trần Bá Dương, bà Thái Hương… đang làm cho khái niệm doanh nhân Việt trở nên chân thực và rất có giá trị với đất nước này: đó là Doanh nhân dân tộc.
Mà doanh nhân dân tộc ở đây phải hiểu là gì? Đó là những người không chỉ tạo ra công ăn việc làm, biết chia sẻ với người lao động, tuân thủ luật pháp, mà còn luôn có trong mình động lực tạo nên sức mạnh cho dân tộc này, tạo ra vị thế, vẽ nên chân dung của đất nước này trong thế giới hội nhập, mang trong mình khát vọng khiến Việt Nam ngẩng cao đầu.
Với những con người ấy, vinh danh không thể chỉ dừng lại ở danh hiệu, mà Nhà nước cần phải có những khuyến khích vật chất xứng đáng hơn. Đó không hẳn phải là tiền đâu, cái họ mong muốn có lẽ là một môi trường bình đẳng và sự đối xử công bằng, được trao cơ hội và niềm tin, tạo ra động lực để chính họ lớn lên, và đưa đất nước này trở nên hùng cường.
Nhưng với nhiều chuyên gia, lựa chọn ưu đãi khuyến khích của Nhà nước nên giống như việc thả một đàn ngựa trên thảo nguyên, việc cần làm của nài ngựa là phải hỗ trợ những con đầu đàn, chứ không phải những con lẽo đẽo theo sau. Ông nghĩ sao?
Tư duy về phát triển của chúng ta hiện nay cần thay đổi. Cho đến giờ, chúng ta vẫn quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển số lượng doanh nghiệp để có được những thành tích cơ bản, thể hiện ở con số doanh nghiệp thành lập mới, số thuế thu được… mà không xét đến cùng là việc đẩy mạnh số lượng cũng đi kèm với những cái chết yểu. Doanh nghiệp lập ra nhiều, nhưng cũng chết đi rất nhiều, ấy là chỉ quan tâm đến sinh đẻ mà không chú trọng tới nuôi dưỡng.
Nhìn vào các quốc gia dẫn đầu ở châu Á, họ luôn có cách phân bổ cơ cấu doanh nghiệp với nhiều tầng nấc, hay đúng hơn là luôn cố gắng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ theo nhiều tầng để hỗ trợ lẫn nhau. Muốn có một nền công nghiệp tốt là phải có công nghiệp hỗ trợ, mà trong công nghiệp hỗ trợ thì lớp công nghiệp nhỏ cần phải có những lớp doanh nghiệp chủ đạo dẫn dắt - ở đây là những Tập đoàn lớn.
Muốn phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp tư nhân, thì Chính phủ hãy đầu tư và tạo điều kiện cho những con ngựa đầu đàn. Chính con ngựa đầu đàn ấy sẽ biết cách tạo ra áp lực và tạo cơ hội khuyến khích các con ngựa khác trong đàn để trợ giúp lẫn nhau.
Tôi tin là nếu có một chính sách đúng đắn để khuyến khích doanh nghiệp cho những người làm tốt, thay đổi cách tiếp cận, và đẩy mạnh vai trò dẫn dắt của các Tập đoàn lớn để làm trụ cột cho nền kinh tế của đất nước, thì các trụ cột đó sẽ dần dần hình thành một chuỗi doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp nhỏ sẽ có cơ sở để định hướng và làm theo những gì doanh nghiệp lớn đã và đang làm.
Thủ tướng Chính phủ từng nói: "Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu". Trong con mắt của ông, năng lực cạnh tranh toàn cầu ở đây phải hiểu là bao gồm những yếu tố gì?
Theo tôi, năng lực để cạnh tranh toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay sẽ được thể hiện rõ ràng nhất trong việc kết nối sức mạnh của các doanh nghiệp trong chuỗi, ở đó, các doanh nghiệp lớn và vừa cần phải thể hiện được vai trò dẫn dắt của mình, xây dựng nên năng lực cốt lõi cho chuỗi.
Tôi muốn nhắc đến những ví dụ của những doanh nghiệp tư nhân thế giới vì sao họ phát triển lên rất nhanh, có sức vươn tầm rất mạnh mẽ, như trường hợp Uber, Grab… - nơi mà ngoài nguồn lực tài chính vững mạnh, họ cần có thêm nhiều yếu tố rất đặc biệt khác. Quyền lực của một tập đoàn lớn trong bối cảnh kinh tế quốc tế hiện này không thể chỉ tính tới sức mạnh tài chính hay đất đai, mà trên hết phải là sức mạnh trí tuệ. Chúng ta phải nhìn nhận và tập trung tạo nên năng lực kiểu đó, thoát ra được những khái niệm cũ, để doanh nghiệp thực sự chống chịu và xoay chuyển được trước những rủi ro mang tính toàn cầu.
Nói như vậy thì ông đặt rất nhiều niềm tin vào công ty công nghệ thay vì các công ty có sức mạnh kiểu truyền thống?
Cả hai. Công ty công nghệ cũng phải dựa trên nền tảng tài chính để phát triển, nhưng không có nền kinh tế truyền thống nào mà không dựa vào nền tảng số, dù ít hay nhiều. Sức mạnh của công nghệ số khi tích hợp với nền kinh tế thực sẽ làm thay đổi cấu trúc phát triển doanh nghiệp, từ đó thay đổi nền kinh tế.
Để nói về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới thì chắc chắn có, và thậm chí cần phải coi đó là biểu tượng làm tăng sức mạnh cho quốc gia trên đấu trường thế giới. Nhưng đi ra ngoài cũng cần phải tự lực tự cường, bởi đó là sân chơi khác rồi, luật pháp khác rồi. Nếu không tự mình mạnh mẽ, không nắm được luật pháp ở nước ngoài, doanh nghiệp Việt dù có tiềm lực đến đâu, ý chí đến đâu cũng sẽ gặp nhiều vấn đề. Nguyên tắc chung là đừng đối kháng lại, doanh nghiệp Việt phải nhớ được những điều này, tránh làm tầm thường hoá tầm vóc của chính mình và quốc gia./.
Theo Lam Thiên - Đỗ Linh
Nhịp sống kinh tế