Sinh nhật 10 tuổi Winmart

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN: "Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ... nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân túy'

05/11/2019 13:06

"Trong lời nói, hành động của nhiều doanh nhân Việt thể hiện về một khát vọng mang đến những điều tốt đẹp nhất cho đất nước này. Tôi tin là họ nói thật chứ không đạo đức giả hay mua chuộc kiểu dân tuý. Tôi cũng tin là họ muốn trở nên lớn hơn để giúp tổ quốc hùng cường", PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói với báo Trí thức trẻ.

Những cái tên như Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ, Đoàn Nguyên Đức…, các công ty như Viettel, FPT lần lượt được ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhắc đến trong cuộc trao đổi về những tập đoàn, nhà tư bản dân tộc muốn xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp là một ngã rẽ riêng, có người đã trở thành số 1, có người được nhận xét là "anh hùng" đang khốn khó, nhưng tựu chung, ông Thiên nói: "Trồng chuối hay bán tăm không quan trọng, miễn là làm cho đất nước này ngẩng cao đầu".

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 1.

Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến mong ước Việt Nam cần có một thế hệ doanh nhân và các nhà công nghiệp dân tộc hùng mạnh, những "con sếu đầu đàn" để giúp quốc gia hùng cường. Ở góc nhìn của ông, mô hình kinh tế được thúc đẩy bởi "sếu đầu đàn" thì như thế nào?

Dù không phải là định luật nhưng gần như thành một quy tắc: những nền kinh tế nào muốn trở thành cường quốc dứt khoát phải có những tập đoàn kinh tế mạnh. Nếu như chỉ toàn những doanh nghiệp "li ti" thì có thể nền kinh tế vẫn hiệu quả, nhưng khó vươn lên thành cường quốc.

Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). DNVVN là nền tảng nhưng trụ cột phải là những tập đoàn lớn, nhất là trong thời đại của chuỗi giá trị, của hội nhập và liên kết toàn cầu như thế này.

Vì thế, quy tắc hùng cường của thời đại công nghiệp cũ đến nay vẫn đúng như thường. Tất nhiên, con đường trở thành tập đoàn hùng mạnh đã khác ngày xưa, có thể rất nhanh. Chúng ta cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho những tập đoàn ấy ra đời và phát triển, phải thổi khát vọng lớn vào những DNVVN, người muốn khởi nghiệp.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 2.

Nhưng tập trung vào "sếu đầu đàn" có tạo ra một nền kinh tế phát triển bền vững?

Tôi cho rằng cần trở lại cấu trúc căn bản hay khái niệm công nghiệp theo nghĩa rộng. Muốn nền kinh tế mạnh phải có lực lượng doanh nghiệp chứ không phải chỉ số lượng doanh nghiệp. Của ta hiện nay chủ yếu là số lượng, chưa phải lực lượng.

Lực lượng nghĩa là các doanh nghiệp có sự liên kết, với chức năng khác nhau, bổ trợ cho nhau; trong cùng ngành sẽ có anh lớn, anh vừa, anh nhỏ. Điều này sẽ giúp hiểu được lý do Nhật Bản lại phát triển thần kỳ, tại sao họ có hệ thống công nghiệp hỗ trợ mạnh.

Khái niệm này được người Nhật gọi là công nghiệp nhiều tầng. Hình dung thế này, công nghiệp hỗ trợ là nền tảng, giống phần chân núi. Phần đỉnh núi, chỉ có tí thôi, chính là các đại doanh nghiệp.

Đấy là điều chúng ta phải suy ngẫm. Tất nhiên cũng có những kiểu phát triển thần kỳ khác, như Singapore hay Dubai, nhưng khi gắn với một quốc gia, nền kinh tế có xu hướng công nghiệp thông thường và quy mô lớn, thì cấu trúc công nghiệp rất quan trọng.

Hàn Quốc, Trung Quốc cũng học Nhật Bản về cấu trúc công nghiệp hỗ trợ theo chuỗi. Việt Nam chưa làm được cái này, nên khó nói Việt Nam phát triển thần kỳ được.

Chúng ta tăng trưởng tạm ổn, nhưng về mặt chất lượng, đẳng cấp thì chậm lắm vì cấu trúc công nghiệp chỉ có vừa và nhỏ thôi. Các ông lớn có được thì đa số là bất động sản. Ông lớn công nghiệp không có, mà có thì cũng chỉ kiểu sản xuất ra sắt thép rồi dừng ở đó.

Cũng vì thế, gần đây, tôi vẫn hay nói là Việt Nam phải chú trọng phát triển lực lượng doanh nghiệp, nếu không thì không lớn được đâu.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 3.

Ở Việt Nam, ông sẽ nhớ đến doanh nghiệp nào nếu nói đến cụm từ "sếu đầu đàn" có liên quan đến yếu tố công nghệ?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 4.

Hiện nay chưa thực sự định hình rõ cái này, nhưng tôi nghĩ tiềm năng thì có nhiều nếu biết làm. Hiện có hai nguồn lực: thứ nhất là năng lực sáng tạo có sẵn trong nước. Nguồn lực này nhiều chứ không hề ít. 2 – 3 năm nay, chúng ta chỉ mới khơi dậy mà đã sục sôi ghê gớm dù thể chế cũ và nguồn lực vẫn thiếu. Lực lượng trẻ ác liệt đấy chứ không phải đùa đâu.

Thứ hai là các chuyên gia công nghệ ở nước ngoài mà hạt nhân là những người Việt Nam. Đầu năm nay, Thủ tướng đã có cuộc gặp với 100 trí thức trẻ ở nước ngoài, nhưng đây là con số khiêm tốn, người Việt năm châu còn nhiều lắm. Sự kiện này phát đi một tín hiệu là chúng ta sẵn sàng rồi, nhưng để làm được lại là một quá trình khác.

Nói đến doanh nghiệp tiềm năng có thể trở thành "sếu đầu đàn" ở Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp – công nghệ thì ông nghĩ đến cái tên nào?

Có thể là Vingroup. Họ từ đất đi lên hay có nền tảng bất động sản, còn nói chuẩn về mặt gia phả là từ mỳ tôm. Đó là một câu chuyện lịch sử mà xung quanh có nhiều ý kiến, thậm chí có những đánh giá không tốt. Điều tôi muốn nói là cách chơi của Vingroup khi đã lớn mạnh.

Họ tiếp cận luôn vào những lĩnh vực công nghệ cao và không chỉ đi mua như làm ô tô với Vinfast, mà còn lập ra những viện nghiên cứu sáng tạo công nghệ cao như AI, Big Data, y khoa… Đó là cách hướng tới việc sáng tạo ra công nghệ cao nhất chứ không phải kiểu chế tạo ra cái xe đạp. Đó là một cách làm rất tích cực.

Một trường hợp cũng đáng nhắc đến là TH. Họ không sáng tạo ra công nghệ nhưng chọn ngay công nghệ cao nhất, áp dụng vào để có sản phẩm nông nghiệp tốt nhất cho người Việt Nam, thậm chí đáp ứng cho cả thị trường khó tính nhất thế giới.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 5.

Đấy là những công ty mới đầu tư vào công nghệ, còn doanh nghiệp xuất thân từ ngành công nghệ thì sao?

Tôi có thể nói ngay là Viettel và FPT. Cách làm của hai doanh nghiệp này không giống nhau, nhưng đều thành công. Hiện nay, Viettel đang rất nổi, nhưng tôi lại muốn nhấn mạnh đến FPT vì liên quan đến cách chơi.

FPT là tư nhân, họ tấn công vào những thị trường cao cấp nhất thế giới như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Họ chen vào những thị trường ở trình độ cao nhất, rủi ro cao và thách thức lớn để có cơ hội vượt lên về công nghệ. Đến giờ, tôi cảm thấy FPT ngày càng tự tin hơn. Đó là một logic hiện đại.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 6.

Như ông nói, Việt Nam chưa định hình được lực lượng doanh nghiệp mạnh, có yếu tố công nghệ. Một số doanh nghiệp công nghệ được xem là mạnh nhưng lại chưa nhận được nhiều yếu tố khuyến khích. Vậy về mặt chính sách, chúng ta cần làm gì?

Ở đây có 2 nhóm chính sách. Thứ nhất là nhóm chính sách nền tảng hay khung thể chế thích hợp với các doanh nghiệp này; thứ hai là nhóm chính sách khuyến khích các cá nhân tổ chức có điều kiện.

Một nền kinh tế hùng mạnh cần các yếu tố nền tảng mạnh như phát triển nền kinh tế số thì trước tiên cần có hạ tầng số mạnh hay nền tảng về Big Data để các doanh nghiệp phát triển trên đó. Và theo đó, những doanh nghiệp nào giúp tạo ra hạ tầng số mạnh cho các doanh nghiệp khác cần được khuyến khích. Trung Quốc đang làm rất tốt điều này.

Tôi muốn nhắc lại câu chuyện Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông. Rõ ràng chúng ta đã có cơ hội bùng lên toàn cầu, mà thực tế đã toàn cầu rồi, nhưng không lớn mạnh được vì hệ thống khuyến khích không tốt. Ở đây là khuyến khích cả về mặt ý thức xã hội chứ không chỉ chính sách của Nhà nước.

Mạng xã hội có thể giết chết bất cứ ai. Những ý kiến kiểu đó kinh khủng lắm mà nhiều người tự trọng không chịu được. Rồi thì chính sách thuế như "truy sát". Thế là không được. Chúng ta không biết nuôi dưỡng nguồn thu. Những hành động đó khiến con gà cho trứng vàng "tịt đẻ".

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 7.

Ông nghĩ thế nào về cái gọi là "khung thể chế thích hợp" cho những nhân tố công nghệ trong nền kinh tế Việt Nam như kiểu Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông khi mà "đất vẫn là vua"?

Khi nền kinh tế xuất thân từ nông nghiệp thì tất nhiên đất đai là quan trọng nhất. Nước ta đã chuyển dịch và công nghiệp chiếm tỷ trọng cao hơn nhưng thực tế thì đất đai vẫn đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định.

Thậm chí giờ đang chuyển sang thời đại kinh tế số rồi, nhưng nguồn lực đất đai vẫn quan trọng bởi chúng ta vẫn sống với nền kinh tế vật thể, tích hợp với nền kinh tế số. Tuy nhiên, kinh tế số ngày càng quan trọng hơn, và sẽ lấn át trong 5-7 năm tới.

Nền kinh tế số giả định là tài sản trí tuệ là quan trọng nhất, hơn đất nhiều; nhưng ở ta bây giờ tài sản trí tuệ chưa quan trọng bằng đất được. Nói vui kiểu 1.000 ông giáo sư cộng lại không bằng 1 ha đất đô thị. Điều này do chúng ta chưa phát triển đến trình độ mà nguồn lực trí tuệ, sang tạo được đặt đúng chỗ; chưa có hệ thống thể chế bảo vệ, bảo đảm an toàn cho nguồn lực ấy vận hành.

Như Luật Lao động sửa đổi đang dự thảo cũng bảo vệ chủ yếu lao động chân tay chưa hề động đến lao động trí óc. Nếu lao động trí óc là chính, người ta không thể thiết kế Luật với những điều khoản như thế được.

Ở đây, tôi cũng xin nhắc lại, để năng lực trí tuệ được phát huy thành sức mạnh tập đoàn lớn thì phải có cách tiếp cận về thể chế, chính sách khác hẳn trên cả 2 tuyến: thể chế nền tảng và  hệ thống khuyến khích.

Nhưng làm sao để có được điều đó khi chính sách thường đi chậm hơn so với cuộc sống rất nhiều, ngay cả ở nền kinh tế vật chất, chứ chưa nói đến nền kinh tế số?

Gần đây, người ta hay nói đến Sandbox – một dạng khung chính sách rất hay để giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong nền kinh tế số. Khái niệm Sandbox – nôm na là hộp chính sách thử nghiệm, tích hợp giữa cái mới và cũ, hoặc cái mới hoàn toàn áp dụng trong phạm vi giới hạn và sẽ mở rộng ra khi thử nghiệm tốt. Đây là cách tiếp cận thể chế linh hoạt, trao cho người ta quyền tự do hành động, đảm bảo an toàn về sở hữu nhưng bảo đảm tránh được rủi ro về chính sách.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 8.

Vingroup hay một số tập đoàn tư nhân đang nổi lên khác đang được ví như các chaebol của Hàn Quốc nhiều năm trước đây. Ông nghĩ gì về điều này?

Mô hình chaebol (tập đoàn gia đình) của Hàn Quốc giống mô hình zaibatsu của Nhật (tập đoàn độc quyền gia đình trị). Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Mỹ xé tan cấu trúc zaibatsu vì họ ghét độc quyền nhưng sau đó Nhật biến đổi mô hình thành keiretsu (mạng lưới kinh doanh được tạo thành từ nhiều công ty khác nhau). Nhưng cũng nhờ đó, cấu trúc công nghiệp của Nhật cạnh tranh hơn rất nhiều, đỡ tập trung theo kiểu độc quyền.

Việt Nam học theo mô hình chaebol ở giai đoạn trước, nhưng có vẻ chúng ta đã học sai. Của Nhật hay Hàn là tập đoàn tư nhân, còn của ta là sẵn DNNN rồi phát triển lên nên thất bại nhiều.

Cấu trúc và cơ chế để phát triển tập đoàn từ doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi cạnh tranh tự do. Phải cạnh tranh thì tài năng mới được khẳng định, còn ta dựa nhiều vào cơ chế xin – cho của Nhà nước. Cho nên, với những tập đoàn Nhà nước đang sống được và sống tốt, tôi tin rằng nếu là tư nhân, sẽ còn tốt hơn nữa.

Còn các tập đoàn tư nhân Việt Nam cũng chỉ khởi sắc được mấy năm nay. Xuất thân của họ phần nhiều dựa trên nền tảng bất động sản, xu hướng đầu cơ khá nặng. Vì thế, lý lịch của họ hay bị chỉ trích là tham lam, bóc lột tài nguyên quốc gia để làm giàu cho bản thân.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 9.

Tôi cho là chỗ này nên công bằng hơn. Quá trình tích luỹ để tạo ra một thế lực kinh tế cũng gian khổ và đau đớn lắm. Nếu chỉ thấy thù ghét không thôi, thì với thái độ ấy, chúng ta sẽ không phát triển được.

Dù vậy cũng rất khó để dư luận thông cảm với những hành động được xem là cơ hội, tranh thủ… làm giàu nhờ thân quen và khai thác tài nguyên quốc gia?

Ở đây ta phải thấy được chuyện những tập đoàn tranh thủ được cơ chế cho phép đầu cơ thì lỗi là của cơ chế. Tư nhân chỉ làm cho cơ chế ấy trở nên nghiêm trọng hơn thôi. Nếu phải triệt thì triệt cái cơ chế có lỗ hổng kia thôi. Tất nhiên, họ cũng có lỗi.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 10.

Nhưng chưa xét đến cái đấy thì hiện nay, Việt Nam đã hình thành nên các tập đoàn tư nhân mà chúng ta nên tôn trọng, yêu mến họ. Đó không phải tài sản riêng của một ai đó có được nhờ lòng tham. Hiểu như vậy là quá phiến diện và sai lầm.

Bao giờ doanh nhân cũng phải có động cơ lợi nhuận, làm giàu. Ta mà cứ thấy ai giàu, có động cơ lợi nhuận là ghét, muốn "xúc đất đổ đi" thì không được. Bản thân mình làm giàu cứ lẳng lặng làm, giấu diếm không nói gì nhưng thấy người khác giàu là ghét thì không nên.

Những tập đoàn này cần được bảo vệ theo nghĩa: cho họ sự rành mạch về mặt lịch sử, chủ nghĩa lý lịch mà để lâu quá thì họ không thể sống yên ổn được.

Còn khi coi họ là tài sản quốc gia rồi, giao cho làm những việc lớn thì phải rõ ràng về mặt luật lệ: phải bảo vệ, khuyến khích họ như một nguồn sức mạnh quốc gia, để hợp tác tạo ra năng lực sáng tạo, cạnh tranh quốc tế.

Tôi nghĩ rằng cần bảo vệ họ như một nguồn sức mạnh để thúc đẩy cách mạng 4.0 ở khía cạnh môi trường khởi nghiệp sáng tạo.

Nhưng với những nguồn lực là có hạn, việc bảo vệ, tập trung vào những tập đoàn lớn có cướp đi cơ hội của các DNVVN không?

Tôi lại nghĩ khác. Lúc nãy chúng ta có nói đến câu chuyện lực lượng doanh nghiệp phải hoạt động theo chuỗi, to với nhỏ phải liên kết với nhau. Ở đó, doanh nghiệp lớn thành cái trụ, dẫn dắt, lôi kéo, liên kết doanh nghiệp nhỏ lại.

Ý tôi muốn nói ở đây là phải có những tập đoàn lớn để tạo cơ hội cho cộng đồng, cho doanh nghiệp nhỏ. Họ là một phần kết cấu, thậm chí là dẫn dắt công nghiệp hỗ trợ trong từng tuyến ngành một, giống như kiểu rất nhiều doanh nghiệp có thể ăn theo Facebook trên nền tảng mạng.

Chúng ta phải nhìn ở khía cạnh tích cực đó, chứ cứ đặt vấn đề "ông lớn xơi hết phần ông nhỏ" là kích động tinh thần giống như ngày xưa đi tiêu diệt địa chủ. Như thế thì rất nguy hiểm.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 11.

Trong thời đại 4.0, tinh thần dân tộc có phải là một nhân tố cần thiết trong việc xây dựng các tập đoàn Việt Nam hùng mạnh hay không?

Phải nói là đặc biệt quan trọng. Tôi có đọc một cuốn sách được dịch ra tiếng Việt có viết: tinh thần Nhật Bản cộng với công nghệ chính là công thức thần kì của Nhật Bản. Các nước sau này như Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng học theo công thức này.

Đặc biệt là Trung Quốc, lực lượng doanh nghiệp của họ có tinh thần dân tộc kinh khủng, thậm chí là cực đoan. Định hướng công nghệ của họ rất ghê gớm: nỗ lực vượt Mỹ. Khát vọng vượt Mỹ về mặt công nghệ là khát vọng của cả dân tộc Trung Quốc, không có nó làm sao mà đẩy nhanh được.

Tất nhiên, tình cảm cảm dân tộc không phải kiểu cực đoan, thù địch với quốc gia khác hay loài người, nhưng tình yêu với dân tộc, muốn đất nước trở nên hùng cường là động lực ghê gớm.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 12.

Vậy ông có cảm nhận gì khi đọc các phát ngôn mang đậm màu sắc dân tộc của một số doanh nhân lớn của Việt Nam?

Tôi tin là nhiều doanh nhân lớn của Việt Nam nói thật lòng, chứ không phải đạo đức giả hay mua chuộc kiểu dân tuý ở đây. Ví dụ như kiểu Phạm Nhật Vượng (Vingroup) nói rằng bây giờ muốn nghĩ đến việc làm những điều tốt đẹp cho đất nước này, hoặc như Trần Bá Dương (Tập đoàn Trường Hải) nói về khát vọng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam... Đó là khát vọng ghê gớm của họ.

Trước đây có Đặng Lê Nguyên Vũ. Khát vọng cho dân tộc thấm đẫm trong từng câu nói, hành động của Vũ. Gần đây, Vũ bị chú ý đến vụ li hôn nhiều hơn, nhưng đó là chuyện cá nhân. Tiếp xúc với Vũ, tôi vẫn thấy cách tiếp cận về tinh thần dân tộc có tầm và còn sắc hơn. Vũ vẫn có khát vọng làm sao để đất nước này trở nên hùng cường.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, ông nói rằng luôn bị ấn tượng với ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Thời điểm đó, bầu Đức đang gặp nhiều rắc rối, có thể nói là thất cơ lỡ vận. Lý do gì khiến ông vẫn thấy bầu Đức ấn tượng?

Đức ấn tượng với tôi vì phẩm chất anh hùng. Anh hùng có thể thất bại. Nhưng Đức cũng chưa thể nói là thất bại được, dù giờ đang rất khó khăn.

Đoàn Nguyên Đức là người can đảm khai cuộc, có khí phách, dám chơi lớn và chấp nhận rủi ro một cách hảo hán. Khi trở nên giàu rồi, Đức làm những điều tốt đẹp cho đất nước này, đặc biệt là bóng đá.

Còn trong kinh doanh, thất bại có thể xảy ra với bất cứ ai, đón sai thị trường một tí là lỡ vận rồi.

Quay trở lại câu chuyện doanh nghiệp, doanh nhân có tinh thần dân tộc, ông định nghĩa như nào về điều này?

Đầu tiên họ phải là doanh nhân, doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm, biết chia sẻ với người lao động và tuân thủ luật lệ, kinh doanh có hiệu quả.

Thứ hai, trong quá trình kinh doanh, những doanh nhân, doanh nghiệp dân tộc sẽ luôn suy nghĩ về việc tạo ra sức mạnh cho dân tộc này, góp phần tạo nên chân dung của dân tộc này trong một thế giới hội nhập mà nhiều nước họ đã đi trước mình.

Họ luôn mang trong mình khát vọng làm cho đất nước này được ngẩng cao đầu. Tôi nghĩ mỗi người có một lĩnh vực, người trồng chuối cũng được, bán tăm cũng được, miễn là làm cho đất nước này ngẩng cao đầu!

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi tin Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Đặng Lê Nguyên Vũ… nói thật về khát vọng Việt Nam chứ không đạo đức giả hay mua chuộc dân tuý! - Ảnh 13.

Ông nói nhiều đến doanh nghiệp tư nhân với tinh thần dân tộc, còn DNNN đứng đầu về "go global" ở Việt Nam như Tập đoàn Viettel thì sao?

"Go global" là một khẩu hiệu đầy khát vọng, đầy tinh thần dân tộc. Việt Nam cũng có vài doanh nghiệp như vậy. Những doanh nghiệp Việt tìm cách đi ra toàn cầu, giúp sản phẩm Việt Nam xuất hiện trong "tủ hàng" của thế giới chính là doanh nghiệp dân tộc điển hình.

Trí thức trẻ