Trong các năm gần đây, Bình Dương là địa phương tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Dòng vốn đầu tư đã giúp địa phương này trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, thu hút hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, công nhân tới sinh sống và làm việc mỗi năm.
Nhu cầu về nhà ở và đầu tư đã giúp thị trường địa ốc Bình Dương trở nên sôi đội, tạo điều kiện cho những tập đoàn am hiểu về thị trường bất động sản địa phương như Công ty TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh (Phú Hồng Thịnh) hay Kim Oanh Group có những bước phát triển vượt bậc.
Nữ đại gia Phạm Thị Hường - bà chủ đế chế Phú Hồng Thịnh |
Theo tìm hiểu của VietTimes, Phú Hồng Thịnh được thành lập từ tháng 5/2013, quá trình phát triển mang đậm dấu ấn của nữ doanh nhân Phạm Thị Hường. Đây cũng là cái tên nổi bật trong “hệ sinh thái” của nữ đại gia sinh năm 1966.
Ngoài ra, bà Hường hiện đứng tên tại Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển Đô thị Việt Nam (Đô thị Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Phú Phong (Phú Phong), Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Chợ Phú Phong, CTCP Đầu tư bất động sản Giang Nam (Giang Nam).
Nhóm doanh nghiệp này hiện là chủ đầu tư hơn chục dự án bất động sản tại tỉnh Bình Dương.
Một số dự án bất động sản của nhóm Phú Hồng Thịnh được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư từ 1/1/2016 - 15/10/2018 |
Chỉ trong giai đoạn từ 1/1/2016 – 15/10/2018, riêng nhóm Phú Hồng Thịnh đã có tới 9/53 dự án nhà ở thương mại được UBND tỉnh Bình Dương cấp quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Trong đó, riêng công ty Phú Hồng Thịnh được chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án, bao gồm: các Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh III, VI, VIII, IX, X; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Khang; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Đạt; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Phát. Các dự án này có tổng diện tích 32,8 ha, với 2.630 căn hộ, tổng vốn đầu tư lên tới 2.108,9 tỉ đồng.
Điều đáng nói, cho tới cuối năm 2018, quy mô vốn chủ sở hữu của Phú Hồng Thịnh mới chỉ đạt mức 253,97 tỉ đồng. Cập nhật đến cuối năm 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của Phú Hồng Thịnh cũng chưa có nhiều cải thiện, chỉ đạt 257,67 tỉ đồng.
Trong khi, tính đến cuối tháng 5/2020, dữ liệu của VietTimes cho thấy, quy mô vốn điều lệ của Phú Hồng Thịnh đạt 250 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: bà Phạm Thị Hường (89% VĐL) và ông Phạm Hữu Đức (11% VĐL).
Việc vốn chủ sở hữu đạt cao hơn vốn điều lệ cho thấy, Phú Hồng Thịnh có tích lũy được lượng nhỏ lợi nhuận chưa phân phối hoặc thặng dư vốn cổ phần.
Những khoản lãi khiêm tốn của nhóm Phú Hồng Thịnh
Nổi danh với các dự án phân lô, bán nền – một phân khúc bất động sản được đánh giá đầy hấp dẫn vì cần ít vốn đầu tư, chênh lệch địa tô lớn – song kết quả kinh doanh của Phú Hồng Thịnh mà VietTimes đề cập sau đây hẳn sẽ khiến nhiều người bất ngờ về sự khiêm tốn.
Mà càng bất ngờ hơn khi trong 4 năm gần nhất, doanh thu thuần của Phú Hồng Thịnh liên tục tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, năm 2016, doanh thu thuần của công ty này chỉ đạt mức 18,79 tỉ đồng thì trong năm 2017 đã tăng lên mức 74,77 tỉ đồng. Năm 2018, doanh thu của gấp 6,2 lần năm trước, đạt mức 464,8 tỉ đồng. Bước sang năm 2019, doanh thu của công ty dù có sụt giảm, nhưng vẫn đạt mức 439,24 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong 3 năm gần nhất, Phú Hồng Thịnh chỉ báo lãi vỏn vẹn vài tỉ đồng, doanh thu càng lớn thì số lãi càng bé. Trong các năm 2018 và 2019, công ty này chỉ báo lãi vỏn vẹn lần lượt là 3,97 tỉ đồng và 3,88 tỉ đồng.
Khảo sát của VietTimes cho thấy, một số doanh nghiệp khác cùng nhóm cũng chỉ báo lãi “bé hạt tiêu” so với doanh thu.
Được thành lập vào đầu năm 2017, Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển Đô thị Việt Nam (Đô thị Việt Nam) là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Phát, diện tích 2,75 ha, tổng vốn đầu tư 192,1 tỉ đồng.
Sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, năm 2019, Đô thị Việt Nam bắt đầu ghi nhận doanh thu, đạt mức 258,69 tỉ đồng. Song, công ty này chỉ báo lãi vỏn vẹn 1 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Đô thị Việt Nam lần lượt đạt 466,8 tỉ đồng và 201 tỉ đồng.
Cập nhật tới tháng 5/2020, Đô Thị Việt Nam tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 800 tỉ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Hường góp 736 tỉ đồng, sở hữu 92% vốn điều lệ. Ông Phạm Đức Huy (SN 1986, cùng địa chỉ thường trú với bà Hường) góp 64 tỉ đồng, sở hữu 8% vốn điều lệ.
Bà Phạm Thị Hường, ông Phạm Đức Huy và ông Phạm Hữu Đức còn là cổ đông của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Phú Phong (Phú Phong). Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2006, hiện có quy mô vốn điều lệ ở mức 22,5 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2016 – 2019, Phú Phong không quá nổi bật trong nhóm về kết quả kinh doanh. Năm ngoái, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 2,73 tỉ đồng, báo lãi thuần 1,3 tỉ đồng.
Lãi khiêm tốn là vậy, song lĩnh vực bất động sản vẫn nhận được nhiều tâm huyết từ gia đình nữ doanh nhân Phạm Thị Hường.
Tháng 8/2019, Phú Hồng Thịnh và Danh Việt Group (DVG) đã ký kết hợp tác đầu tư và phát triển dự án Icon Central tại Bình Dương. Chỉ vài tháng sau đó, CTCP Dịch vụ Bất động sản Danh Việt Group đã khai trương nhà điều hành dự án Icon Central với sự tham dự của chủ đầu tư Phú Hồng Thịnh và hàng trăm khách hàng tham quan trải nghiệm.
Một dữ liệu của VietTimes cho thấy, có tới 17 dự án tại Bình Dương do gia đình bà Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư.
Trong đó, 5 dự án là nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất.
Với 12 dự án còn lại, 7 dự án nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà xưởng) của tổ chức thuê đất trả tiền 1 lần. 5 dự án nhận chuyển nhượng tài sản trên đất thuê (nhà xưởng) của tổ chức thuê đất trả tiền hàng năm. Sau khi nhận chuyển nhượng đất thuê và tài sản trên đất thuê, doanh nghiệp gia đình bà Hường tiến hành lập thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo báo cáo số 227/BC-UBND ngày 28/8/2020 của UBND tỉnh Bình Dương, các dự án chuyển nhượng đất có nguồn gốc chuyển đổi mục đích từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở có nhiều nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 6/12/2019 của Chính phủ.
Một nguồn tin của VietTimes cho hay, giữa năm 2020, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công An (C03) cũng đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương cung cấp toàn bộ hồ sơ, để tiến hành xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm liên quan tới việc phân lô bán nền và việc thực hiện các dự án của: Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh, Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển đô thị Việt Nam, CTCP Phú Gia Khiêm Land, Công ty TNHH TM DV Bất động sản Phú Phong./.