Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Phân tích sức hấp dẫn hàng trăm năm không giảm của du học châu Âu: Tại sao Pháp, Đức, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha luôn thu hút hơn các quốc gia khác?

06/08/2019 10:18

Trong thời buổi hiện nay, xu hướng du học ngày càng tăng lên vì bố mẹ luôn muốn cho con cái có cơ hội đi xa để học hỏi, trải nghiệm và trưởng thành hơn thì du học châu Âu là một giải pháp tiềm năng cho bài toán kinh tế của những gia đình không quá khá giả.


Trong thời buổi hiện nay, xu hướng du học ngày càng tăng lên vì bố mẹ luôn muốn cho con cái có cơ hội đi xa để học hỏi, trải nghiệm và trưởng thành hơn thì du học châu Âu là một giải pháp tiềm năng cho bài toán kinh tế của những gia đình không quá khá giả.

 

Xu hướng du học châu Á tới những nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… hiện nay đang khá thịnh hành. Các nước này có nền văn hóa khá phù hợp và gần gũi đối với người Việt. Tuy vậy, xu hướng đi du học tới những nước phương Tây nói tiếng Anh bản địa như Anh, Mỹ, Úc, New Zealand, Canada,… vẫn rất phổ biến. Tuy nhiên phần lớn khi nhắc đến chuyện du học, nhiều người đều phải từ bỏ ước mơ bởi khả năng tài chính không cho phép. Nếu không có học bổng và gia đình không thuộc dạng khá giả thì việc đi du học tới những nước kể trên sẽ luôn là một bài toán kinh tế đau đầu cho các bậc phụ huynh.

Giữa những làn sóng phân vân và lo toan, vẫn có một hi vọng vừa vặn đáng cân nhắc nổi lên, đó chính là du học châu Âu mà đại diện tiêu biểu là Pháp, Đức, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha,… (Nước Anh không được liệt kê vào danh sách này vì nó thuộc danh sách những nước nói tiếng Anh bản địa). Có rất nhiều lí do khiến cho lục địa già này tuy đã gạo cội những vẫn đầy sức hấp dẫn đối với người ngoài và vẫn là một mảnh đất đáng mơ ước đối với nhiều người nếu có ham muốn được học hỏi, trải nghiệm hay khám phá.

Phân tích sức hấp dẫn hàng trăm năm không giảm của du học châu Âu: Tại sao Pháp, Đức, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha luôn thu hút hơn các quốc gia khác? - Ảnh 1.

Thứ nhất về giáo dục, châu Âu phát triển không thua kém gì các châu lục khác. Một số nền giáo dục ở các nước Bắc Âu còn đạt đến mức độ hoàn hảo tới nỗi các nước bạn luôn luôn muốn học hỏi.

Ngoài ra khi đi học ở các nước châu Âu, du học sinh phần lớn sẽ luôn sở hữu khả năng song ngữ - một thứ tiếng bản địa, và tiếng Anh. Người châu Âu học tiếng Anh như ăn cơm, trình độ tiếng Anh của người dân phần lớn ít nhất đều đạt được đến trình độ đủ để giao tiếp hoặc cao hơn.

Thêm một điểm cộng nữa là khi đi du học châu Âu, du học sinh vẫn có cơ hội đi du học ở các nước khác thông qua các chương trình học trao đổi, học tiếp lên thạc sĩ hay tiến sĩ ở các nước nói tiếng Anh bản địa, ở Nhật, Hàn hay Trung Quốc,… và thông qua đó nâng cao trải nghiệm cá nhân, mở rộng khám phá tới nhiều nơi trên thế giới.

Hơn nữa, nếu muốn nghiên cứu về văn hóa châu Á, châu Mỹ hay châu Úc, du học sinh vẫn có thể lựa chọn tới châu Âu để học. Ở các trường đại học danh tiếng tại châu Âu vẫn luôn có những ngành nghiên cứu về văn hóa các nước khác nhau (ví dụ ngành Hán học, Nhật học, Việt Nam học...) Chất lượng của các ngành học này được đánh giá cao, sinh viên tốt nghiệp ra trường trình độ học vấn và hiểu biết sâu rộng, có nhiều cơ hội việc làm. Có một sự thật không thể phủ nhận, là người nước ngoài đôi khi còn hiểu rõ về văn hóa nước nhà hơn chính người bản địa nếu họ thật sự nghiên cứu và tìm hiểu. Cho nên ví dụ nếu học ngành Việt học thì sang Đức học cũng không phải một lựa chọn tồi.

Phân tích sức hấp dẫn hàng trăm năm không giảm của du học châu Âu: Tại sao Pháp, Đức, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha luôn thu hút hơn các quốc gia khác? - Ảnh 2.

Thứ hai về kinh tế, so với mặt bằng chung thì học phí và chi phí sinh hoạt ở các nước châu Âu rẻ hơn các nước khác rất nhiều. Một phần là do các chính sách khuyến học của chính phủ châu Âu đặc biệt hỗ trợ sinh viên và người đi học. Nếu không hỗ trợ thẳng bằng tài chính thì cũng là giảm thuế, vé tàu, chi phí ngân hàng, bảo hiểm, trả góp điện thoại, hỗ trợ mua đồ dùng học tập.

An sinh xã hội ở các nước châu Âu đạt đến mức ổn định, nên mức sống cao và đảm bảo được cho người dân không thiếu thốn. Hơn nữa, các nước châu Âu dân số ít nên nền kinh tế đặc biệt mở cửa và khuyến khích người nước ngoài đến học và ở lại tìm việc. Trong thời gian đi học cũng có thể tự đi làm tăng thu nhập hoặc trang trải cuộc sống, sau khi tốt nghiệp được phép ở lại tìm việc trong vòng 18 tháng,…

Phân tích sức hấp dẫn hàng trăm năm không giảm của du học châu Âu: Tại sao Pháp, Đức, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha luôn thu hút hơn các quốc gia khác? - Ảnh 3.

Thứ ba về văn hóa, châu Âu là đại diện tiêu biểu cho nền kinh tế tư bản, thượng nguồn của các xu hướng thay đổi về kinh tế chính trị trên thế giới nhưng vẫn giữ được cho mình nét văn hóa truyền thống lâu đời. Âm nhạc cổ điển phát triển mạnh mẽ trong giới thượng lưu châu Âu thời xưa và cho đến ngày nay nó đã được bình dân hóa đi phần nào, người ta vẫn nghe nhạc cổ điển như một món ăn tinh thần cần có trong cuộc sống. Hay văn hóa ẩm thực châu Âu ví dụ như ẩm thực Ý, ẩm thực Pháp hoặc Tây Ban Nha vẫn mang đậm những dấu ấn không lẫn lộn, dù cho hội nhập toàn cầu cũng ảnh hưởng nhiều tới chúng. Lịch sử ở châu Âu thú vị với những câu chuyện từ xa xưa thời Hy Lạp, La Mã, Vikings hay gần hơn thì là Con đường tơ lụa, Thế chiến I, II,… rất phù hợp với những ai ưa thích tìm hiểu văn hóa phương Tây.

Một lợi thế cực lớn cho những ai đi du học châu Âu đó là đi du lịch còn rẻ hơn về quê hương! Thật vậy, tiền mua vé máy bay khứ hồi về Việt Nam một chuyến đủ cho bạn đi du lịch châu Âu nhòe mấy nước. Chính sách mở cửa biên giới của khối liên minh châu Âu cho phép đi lại tự do giữa các nước thuộc khối Schengen mà không cần phải xin Visa, giống như kiểu người Việt được đi lại tự do trong khối ASEAN vậy (nhưng mà Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Hungary, Áo, Thụy Điển,… nghe vẫn cool ngầu hơn là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar,… đúng không?). Với cả từ châu Âu xin Visa du lịch tới các nước khác trên thế giới cũng đều dễ dàng hơn. Bởi bạn sẽ có lợi thế là hồ sơ của bạn sẽ được gửi từ một trong những nước thuộc dạng ưu tiên trong việc sử lí giấy tờ.

Phân tích sức hấp dẫn hàng trăm năm không giảm của du học châu Âu: Tại sao Pháp, Đức, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha luôn thu hút hơn các quốc gia khác? - Ảnh 4.

Điều cuối cùng, nhịp sống ở châu Âu thường không quá hối hả và áp lực. Ở những nước mà bạn phải trả nhiều tiền cho việc học như ở Mỹ, bạn sẽ có áp lực phải học cho nhanh. Hay ở Nhật bạn sẽ gặp phải những trường hợp bị trầm cảm vì áp lực làm việc tăng ca, hoặc ở Hàn thì những ca tự tử do cả gánh nặng học hành, bươn trải đè nén. Tât nhiên không ai bảo cuộc sống ở các nước châu Âu là dễ dàng và đơn giản. Nhưng nhìn chung môi trường châu Âu vẫn là một môi trường ôn hòa, nhẹ nhàng, khá là dễ sống và hòa nhập, song song với đó vẫn sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện để khám phá, mở mang cho những ai chịu khó học hỏi và tìm tòi.

Du học ở đâu cũng sẽ có ưu và nhược điểm nhất định. Tuy nhiên trong thời buổi mà xu hướng du học ngày càng tăng lên, bố mẹ muốn cho con cái có cơ hội đi xa để học hỏi, trải nghiệm và trưởng thành hơn, thì du học châu Âu vẫn là một lựa chọn tiềm năng rất đáng cân nhắc.