Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành hàng không lớn nhất khu vực nhưng lại đang có sự mất cân bằng nghiêm trọng trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực phi công. Việc thiếu hụt phi công không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không mà còn đe doạ đến an toàn bay của hệ thống.
Lương khủng, ra trường có việc ngay
Theo số liệu thống kê, từ nay đến 2020, ngành Hàng không Việt Nam cần bổ sung từ 1.500 đến 2.000 phi công để đáp ứng tăng trưởng khai thác bay. Mỗi năm, Việt Nam cần thêm 200 phi công. Trong khi đó, Trường phi công Bay Việt chỉ tuyển được mỗi năm gần 100 học viên phi công, mà chỉ có 60-70% học viên có thể tốt nghiệp, nghĩa là chỉ cung cấp được khoảng hơn 30% nhu cầu của ngành. Các hãng hàng không hiện nay cũng tăng cường đẩy mạnh đào tạo nhân sự nội bộ, nhưng đa phần là đào tạo tiếp viên hàng không, còn đào tạo phi công vẫn phải gửi ra nước ngoài.
Sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng khiến phi công trở thành một nghề rất "hot". Đương nhiên, không một học viên phi công nào tốt nghiệp phải mất thời gian đi…tìm việc làm do sự khan hiếm nhân lực trong thị trường này. Không những thế, mức lương dành cho phi công luôn thuộc hàng top so với các ngành khác.
Theo thống kê, lương của trung bình phi công Việt Nam năm 2018 là 150- 170 triệu đồng/tháng. Với sự ra đời của các hãng bay mới, mức lương để tuyển dụng phi công mới chắc chắn cao hơn các hãng còn lại.
Nhưng, vì sao lương "khủng" và ra trường có việc làm ngay, thị trường phi công vẫn luôn trong tình trạng khan hiếm?
Tiền đâu để đầu tư học phi công?
Trước đây, người ta thường lấy hình ảnh so sánh, người phi công nặng bao nhiêu thì chi phí đào tạo bằng số kilogam vàng tương ứng để liên tưởng tới sự tốn kém trong đào tạo phi công.
Thực tế đã chứng minh điều đó. Theo số liệu của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), việc lấy bằng phi công thương mại rất đắt đỏ. Chi phí để có Giấy phép Phi công vận tải hàng không tại Anh vào khoảng hơn 100.000 bảng trong 2 năm (trên dưới 3 tỷ đồng). Nếu đào tạo tại Mỹ, chi phí để có bằng Phi công vận tải hàng không là 82.000 USD (khoảng 1,9 tỷ đồng) trong 20 tháng. Sau đó học viên phải học chuyển loại và bay tích lũy kinh nghiệm 150 giờ bay chi phí khoảng 2 tỷ. Như vậy, tổng phí đào tạo để trở thành phi công lên tới gần 4 tỷ đồng.
Cùng với những điều kiện rất khắt khe trong việc huấn luyện phi công, có thể nói chi phí chính là một trong những rào cản lớn cho những "giấc mơ bay" trở thành hiện thực.
Vinpearl Air – Giấc mơ không ràng buộc
Tại Việt Nam, mới đây, Tập đoàn Vingroup công bố tham gia vào lĩnh vực Hàng không, mở đầu bằng việc thành lập Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air (VinAviation). Năm đầu tiên, Vinpearl Air sẽ tuyển sinh 400 học viên.
Mục tiêu của Vinpearl Air là để góp phần giải quyết sự khan hiếm phi công trong nước. Đặc biệt, Vinpearl Air đặt quyết tâm trở thành một trong các trung tâm cung cấp nguồn nhân sự phi công chất lượng chuẩn quốc tế xuất khẩu ra thế giới, đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và chất lượng trong hoạt động khai thác bay, giúp ngành hàng không Việt giảm phụ thuộc vào đội ngũ phi công nước ngoài.
Phí đào tạo phi công của Vinpearl Air khoảng 2,82 tỷ đồng (120.000 USD). Đây là chương trình phi lợi nhuận với chi phí đào tạo phi công tốt nhất thị trường hiện nay.
Để chắp cánh cho "giấc mơ bay" của người trẻ Việt, Vinpearl Air làm việc với ngân hàng đưa ra chính sách hỗ trợ tối đa, tất cả học viên được ngân hàng cho vay tới 85% học phí, có cơ hội ân hạn trả lãi và gốc đến 26 tháng, trả dần khi bắt đầu đi làm.
Điều khác biệt là với học viên thuộc các gia đình chính sách, nghèo, Vinpearl Air bảo lãnh vay ngân hàng và hỗ trợ 50.000 USD/học viên (gồm tiền lãi vay và học phí), tài trợ khóa đào tạo Tiếng Anh trị giá 100.000.000 VNĐ tối đa trong 9 tháng (nếu học viên đáp ứng tất cả các yêu cầu còn lại). Với học viên nghèo, Vinpearl Air bảo lãnh vay ngân hàng và hỗ trợ 100% lãi vay phải trong 26 tháng.
Cụ thể, trong trường hợp học viên vay ngân hàng tối đa ở mức 85%, số tiền còn lại chỉ phải nộp 423 triệu đồng. Trường hợp vay Vietcombank 75%, học viên sẽ được ân hạn trả lãi và gốc trong thời gian học (26 tháng), với lãi suất ưu đãi 7,8%/năm hoặc 8,8%/năm tùy gói vay, thời hạn vay lên đến 10 năm. Học viên sau quá trình đào tạo được nhận lương sẽ trả dần lãi và gốc.
Trong khi mức lương của phi công đa phần tối thiểu trên 100 triệu đồng/tháng, chính sách vay vốn sẽ không phải là điều quá lo lắng. Rào cản lớn nhất đó là học viên có kiên trì vượt qua các điều kiện khắt khe của việc đào tạo và tuyển dụng hay không.
Theo chia sẻ của ông Phan Xuân Đức, Tổng giám đốc Vinpearl Air, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo phi công tại Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air (VinAviation), học viên sẽ có cơ hội làm việc tại một trong những thương hiệu của Tập đoàn Vingroup, một trong những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, với mức lương rất hấp dẫn, nhưng không ràng buộc phải cam kết làm việc, tức là có thể làm việc tại bất cứ hãng hàng không nào khác tại Việt Nam và trên Thế giới.
Đặc biệt, học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo phi công có cơ hội được học liên thông lên đại học chuyên ngành quản trị hàng không, kinh tế vận tải hàng không và kỹ sư máy bay tại Đại học VinUni. Điều này sẽ giúp họ có cơ hội thay đổi nghề nghiệp một cách linh hoạt, đảm bảo cơ hội việc làm rộng mở ngay cả khi không có nhu cầu làm phi công nữa.
Tâm An
Theo Trí thức trẻ