Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Phó Chủ tịch Gỗ Trường Thành Mai Hữu Tín: Việt Nam là nơi tránh bão trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng liệu "tránh bão" xong DN FDI có ở lại?

06/11/2018 11:52

“Hiện tại, Việt Nam đang là nơi tránh bão của các đơn vị kinh doanh sản xuất nước ngoài trước làn sóng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên cao. Liệu sau khi “tránh bão” xong họ sẽ đi hay ở lại? Nếu đúng ra, chúng ta hoàn toàn không muốn mình là đất nước chỉ để tránh bão xong rồi dời đi”, ông Mai Hữu Tín chia sẻ tại diễn đàn Vietnam Business Outlook 2019 mới đây.


“Hiện tại, Việt Nam đang là nơi tránh bão của các đơn vị kinh doanh sản xuất nước ngoài trước làn sóng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên cao. Liệu sau khi “tránh bão” xong họ sẽ đi hay ở lại? Nếu đúng ra, chúng ta hoàn toàn không muốn mình là đất nước chỉ để tránh bão xong rồi dời đi”, ông Mai Hữu Tín chia sẻ tại diễn đàn Vietnam Business Outlook 2019 mới đây.

Ông Mai Hữu Tín không phải là cái tên xa lạ trong giới doanh nhân, tài chính. Ông là người sáng lập CTCP Đầu tư U&I, đưa U&I sau 20 năm trở thành tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty hoạt động trong 8 lĩnh vực bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu...

Ông được biết đến là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khoá IV (nhiệm kỳ 2011-2014), 2 lần được bầu là Đại biểu Quốc hội và là thành viên HĐQT độc lập của Ngân hàng Kiên Long. Đây cũng là doanh nhân nổi tiếng với những thương vụ M&A đình đám như vụ giải cứu công ty bồn nước inox Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành....

Chúng ta muốn làm 1 vịnh vững chắc chứ không phải thành nơi "tránh bão"

Ông Mai Hữu Tín bắt đầu bằng câu chuyện bằng việc đặt câu hỏi liệu các nhà đầu tư có chọn Việt Nam là điểm ngắm duy nhất để đặt nhà máy sản xuất khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang?. Câu trả lời mà vị Chủ tịch U&I này đưa ra là: "Các nhà đầu tư có rất nhiều sự lựa chọn, họ đóng cửa và dọn đi sang nhiều nước chứ không riêng gì Việt Nam".

Phó Chủ tịch Gỗ Trường Thành Mai Hữu Tín: Việt Nam là nơi tránh bão trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng liệu tránh bão xong DN FDI có ở lại? - Ảnh 1.

Ông Mai Hữu Tín

Theo ông Tín, không chỉ các nhà đầu tư Trung Quốc có sự dịch chuyển mà cả các đơn vị nước ngoài đang làm việc tại Trung Quốc cũng có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ông Tín cho rằng, các khu công nghiệp gần Tp.HCM dường như không còn đất để bán cho các nhà đầu tư, giá biến động tăng gấp đôi so với 2 năm trước, đó cũng được xem là cơ hội cho BĐS công nghiệp Việt Nam trước tác động của cuộc chiến thương mại này.

"Tôi nghĩ Việt Nam sẽ là nơi để các doanh nghiệp đến "tránh bão", nhưng vấn đề là sau khi tránh bão xong họ ở lại hay đi. Chúng ta thường hay thấy, mỗi khi có bão, tàu thuyền sẽ vào các nước lân cận tránh bão nhưng bão xong họ lại đi. Nếu đất nước chúng ta đủ sạch đẹp, vững, an toàn thì không nên là nơi tránh bão cho các doanh nghiệp. Xu hướng dịch chuyển này đặt ra thách thức cho nền kinh tế nước nhà: Làm thế nào để các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam là để gắn bó lâu dài, cùng chúng ta phát triển đất nước chứ không phải là nơi để "bỏ chạy" lúc nguy", ông Tín phân tích.

Coi chừng những tác động xấu còn lớn hơn cơ hội

Theo cách phân tích của ông Mai Hữu Tín, Việt Nam không phải là nước hưởng lợi duy nhất từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Thậm chí, nếu nhìn nhận sâu rộng hơn, thì có khi những tác động xấu đến nền kinh tế còn lớn hơn cơ hội trước mắt. Chủ tịch U&I chỉ ra 2 nguy cơ tác động từ cuộc chiến áp thuế này.

Thứ nhất, nếu làn sóng di dời là có thực thì doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với vấn đề mất nhân công sản xuất cho các công ty nước ngoài. Doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng trả lương cao cho người lao động Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc lao động của doanh nghiệp trong nước bị hao hụt là điều chắc chắc xảy ra.

Thứ hai, khi hàng Trung Quốc không bán được cho Mỹ thì họ sẽ tìm đến thị trường đông dân để bán, Việt Nam là điểm ngắm. Như vậy, thị trường Việt tiếp tục bị những đợt hàng hóa của Trung Quốc tấn công. Những người Việt bán hàng trong nước nếu "đụng hàng" Trung Quốc thì sẽ sống sao?

Theo ông Tín, dự báo mức áp thuế chưa dừng lại đồng nghĩa với việc các nước láng giềng cần chuẩn bị tinh thần thật tốt để đối phó. Trong đó sự chuẩn bị về khả năng quản trị, chuỗi cung ứng tốt là cần thiết. "Dù ở hoàn cảnh nào, sự chuẩn bị trước là không thừa, vì chúng ta phải xác định rằng, sự biến động nào cũng có mặt trái của nó. Sau những cơ hội thì coi chừng những tác động tiêu cực còn lớn hơn", ông Tín khẳng định.


Phương Nga

Theo Trí Thức Trẻ