Đến Việt Nam lần thứ 5, bên cạnh những hoạt động về chính trị, ngoại giao, Dr Mahathir Mohamad, Thủ tướng Malaysia đã dành gần 1 buổi sáng cho hai hoạt động mà ông yêu thích: công nghệ 4.0 và ô tô. Dr M, ở tuổi 94, đích thân cầm lái chiếc SUV của VinFast
Giới thiệu ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup với Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nói đơn giản: "A great man in Vietnam". Dr Mahathir nở nụ cười, ông đã sẵn sàng nghe ông Vượng nói về những chiếc ô tô mang thương hiệu Việt Nam.
VinFast đã chuẩn bị 3 mẫu xe cho sự kiện này. Đó là phiên bản full option của các mẫu Fadil màu đỏ, LUX SA2.0 màu đen và chiếc LUX A2.0 cũng màu đen. Hướng về những chiếc xe VinFast, ông Vượng nói rằng bản thân rất ngưỡng mộ ngành công nghiệp ô tô của Malaysia, đặc biệt là thương hiệu Proton.
"Tôi hy vọng một ngày nào đó VinFast cũng được một phần như vậy", Chủ tịch Vingroup nói. Dr Mahathir tỏ ra rất vui với chia sẻ này của ông Vượng. Proton là ý tưởng của Dr Mahathir nhằm tăng tốc công nghiệp hoá ở Malaysia.
Sự vui vẻ của Dr Mahathir tiếp tục tăng lên khi ông ngồi vào ghế lái. Ông chậm rãi quan sát ngắm màn hình chính của xe và khu vực lái rồi sau đó mới chính thức "thưởng thức" LUX SA2.0. Quãng đường để ông lái thử khoảng 3 km, từ F-Ville đến nhà máy Vinsmart.
Khi bước xuống xe, Dr Mahathir đã giơ ngón tay cái hướng về phía ông Phạm Nhật Vượng. "Xe khoẻ, thiết kế rất đẹp, tiếc là tôi chỉ mới lái được lên có 100 km/h thôi", Dr Mahathir nói với vẻ đầy tiếc nuối.
Người phiên dịch đi cùng chuyến xe với Thủ tướng Malaysia tiết lộ Dr Mahathir cố tình tách chiếc VinFast khỏi 2 xe an ninh dẫn đường nhằm dễ dàng tăng tốc. Tuy nhiên, do quãng đường ngắn, ông đã không đạt được tốc độ bản thân mong muốn.
Ông Phạm Nhật Vượng về sau đã hẹn Dr Mahathir vào một dịp khác để ông có thể lái xe VinFast ở tốc độ 200 km/h.
Nếu nhìn vào sự nghiệp của Dr Mahathir, có thể hiểu được phần nào tại sao ông lại muốn được lái chiếc VinFast cũng như hào hứng với tốc độ như vậy. Mahathir là "cha đẻ" của công ty xe hơi Proton, từng là niềm tự hào của người Malaysia.
Vào những năm đầu của thập niên 80, Dr Mahathir, lúc này đang đảm nhiệm vai trò Phó Thủ tướng đã tung ra một chương trình sản xuất xe hơi trong nước với tên gọi Proton. Ý tưởng này nhanh chóng bị chế diễu và nghi ngờ. Nhưng Dr Mahathir lúc đó không tưởng tượng được nếu không lấy công nghiệp hoá làm nòng cốt, Malaysia sẽ tiến lên như thế nào.
Với ông, Proton không phải là sản xuất ra một dòng xe mà là cả một ngành công nghiệp, và là khát vọng của một đất nước đang phát triển. Proton cũng là cơ hội để người Malaysia học cách làm việc hiệu quả, có năng suất cao của người Nhật.
Sau thời kỳ thống trị ngành xe hơi Malaysia, Proton giờ đây không còn như trước nhưng dự án này vẫn là một dấu son của Malaysia trong việc xây dựng ngành công nghiệp chế tạo xe hơi thực sự, đồng thời thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ khác.
Xuất phát điểm sau Malaysia nhưng người Việt Nam cũng ôm giấc mơ chế tạo được chiếc xe hơi hoàn chỉnh từ hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, công nghiệp ô tô Việt Nam đã dậm chân tại chỗ và mới "bùng cháy trở lại" khoảng 2 năm gần đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trăn trở: "Một đất nước có thu nhập bình quân đầu người trên dưới 3.000 USD, xu hướng ô tô hoá đang phổ cập, thì không cớ gì không phát triển công nghiệp ô tô".
Giống như người đồng cấp Malaysia, Thủ tướng Phúc nhìn nhận ô tô sẽ không hàm nghĩa chỉ là một chiếc ô tô, một phương tiện đi lại bằng sắt phức tạp, nó là biểu trưng cho thương hiệu quốc gia, là thứ mà mỗi một quốc gia đang phát triển khao khát sở hữu.
Điều này hàm nghĩa Việt Nam có thể giàu lên, có thể nhập khẩu rất nhiều những chiếc xe đắt giá từ Ford, BMW, Toyota... nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, để sản xuất một chiếc xe sẽ cần đến cả nghìn phụ tùng, ngành công nghiệp ô tô cũng sẽ giúp Việt Nam phát triển được ngành cơ khí từ thông thường đến chế tạo cao cấp. Công nghiệp ô tô phát tiển cũng sẽ giúp hàng loạt ngành công nghiệp phụ trợ như điện tử, luyện kim, cơ khí chính xác phát triển. Như vậy, cả một loạt ngành nghề công nghiệp của Việt Nam sẽ được kéo lên, bởi một thương hiệu, doanh nghiệp thuần Việt.
Và những nỗi niềm này được gửi gắm vào VinFast, công ty con của VinGroup, tham chiến vào thị trường sản xuất ô tô kể từ tháng 9/2017. Khẩu hiệu của xe VinFast cũng là "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam".
Nhưng VinFast không có ý định dừng lại ở thị trường nội địa. VinFast sắp tới sẽ có mặt ở Myanmar. Trao đổi với Bloomberg, Bà Lê Thị Thu Thuỷ, Chủ tịch VinFast cho biết thị trường trong nước chỉ là bước đầu, mục tiêu của Vingroup là biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất ô tô.
Việt Nam đang có cơ hội đó, theo nhìn nhận của lãnh đạo VinFast. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000 USD chính là điểm bùng nổ cho người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi. Đặc biệt, Việt Nam đang có lợi thế về dân số, đạt 96 triệu dân, lớn hơn nhiều so với quốc gia hàng đầu về ngành công nghiệp ô tô trong khu vực là Thái Lan. "Vấn đề là thời gian", bà Thuỷ nhấn mạnh về sự cất cánh của ngành công nghiệp ô tô Việt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhận xét: "Sự thành công của VinFast có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với VinGroup mà cả với Việt Nam, với ngành công nghiệp Việt Nam".
Nhưng với xu thế hội nhập mạnh mẽ, rất khó để Việt Nam có thể đi theo xu hướng "bảo hộ", "bao cấp" như những gì Proton đã được Dr Mahathir hỗ trợ trước đó. Và VinFast cũng không đi theo hình mẫu như vậy, nhất là khi doanh nghiệp này có thể sản xuất được những chiếc ô tô tương tự các hãng nổi tiếng chỉ vẻn vẹn 1 năm kể từ ngày bắt đầu.
Dự án Proton đã thay đổi, một phần của hãng xe được bán cho công ty Trung Quốc. Thế nhưng, Dr Mahathir ở tuổi gần 100 vẫn tham vọng tạo dựng một mùa xuân thứ hai cho ngành công nghiệp ô tô nước này với cách mạng công nghiệp 4.0. Còn dự án của VinFast cũng mới chỉ ở những bước đầu của một mùa xuân mới cho ngành công nghiệp ô tô với thương hiệu Việt Nam. Mùa xuân mới cho Dr Mahathir và những chiếc ô tô thương hiệu Việt liệu có "nở hoa rực rỡ"?