Nga đang có liên quan tới rất nhiều những cơn khủng hoảng lớn trên thế giới. Với việc tổng thống Mỹ hoài nghi về những sự vụ ở nước ngoài và rút khỏi một loạt các cam kết ngoại giao, học thuyết "Nước Mỹ trước tiên" của ông có vẻ như muốn rời khỏi những ràng buộc với thế giới. Nhưng vẫn còn đó nước Nga, trong tuần vừa qua đã đưa ra cách tiếp cận thế giới của riêng mình và khiến Taliban phải thông báo sẽ tham dự những cuộc đàm phán tại Moscow mà Mỹ và chính phủ Afghanistan đã từ chối tham dự.
Nga cũng nói rằng sẽ làm việc với Iran để cùng nhau chống lại "tội ác" tại Syria. Cùng lúc, Microsoft nói những tay hacker có dính líu tới tình báo quân sự Nga nhắm tới một nhóm chuyên gia nghiên cứu thường chỉ trích ông Donald Trumpvà chủ trương ủng hộ con đường cứng rắn với Moscow.
Theo nhiều cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ của công chúng với ông Putin vẫn rất cao - một mức mà bất cứ lãnh đạo phương Tây nào cũng mơ ước.
|
Lần đầu tiên, kể từ khi Liên Xô tan rã vào những năm 1990, sự trỗi dậy của Nga tại nước ngoài đã đến. Vào đầu những năm 2000, Nga cắt nguồn dẫn khí tự nhiên cho Ukraine - đất nước khi đó được cai trị bởi một chính quyền thân phương Tây. Năm 2008, Nga đã đưa quân vào Nam Ossetia khi nước này bị Gruzia tấn công. 6 năm sau, Nga sáp nhập Crimea. Lần này phản ứng của phương Tây đã mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nó thay đổi rất ít cách ứng xử của Moscow trên thế giới.
Trong những năm sau đó, tình báo phương Tây cáo buộc Nga can thiệp vào những cuộc bầu cử ở rất nhiều nước châu Âu cũng như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Nga cũng kiên định nhảy vào cuộc xung đột tại Syria năm 2015 để giúp ông Bashar al-Assad giữ vững chế độ và gần gũi với Israel ngay cả khi Nga là đồng minh của Iran tại Syria. Nga còn muốn bán tên lửa cho Thổ Nhĩ Kỳ một nước thành viên NATO, tái lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và lại nhảy vào Afghanistan, đất nước mà quân đội Liên Xô đã phải rút về năm 1989. Thông điệp mà tổng thống Putin đang thúc đẩy là: Nga đã trở lại.
Năm 2015, tổng thống Nga quyết định đưa quân vào Syria để bảo vệ chế độ cho đồng minh Syria Bashar al-Assad.
|
Denis Volkov - nhà xã hội học tại Trung tâm Levada, một cơ quan độc lập chuyên điều tra dư luận nói rằng hầu hết dân Nga đều thấy rằng chính sách ngoại giao "là một phần thành công trong chính sách của ông Putin bởi nó đã khiến nước Nga trở nên vĩ đại một lần nữa... lần đầu tiên kể từ thời Liên Xô cũ". Họ thấy những cuộc can thiệp của Nga là để giúp đỡ các nước khác. "Ví dụ, tại Ukraine chúng tôi giúp cộng đồng dân số nói tiếng Nga. Tại Syria, quan điểm là Nga đang giúp một chế độ hợp pháp chống lại khủng bố".
Điều khiến sự trỗi dậy của Nga nổi bật mạnh mẽ là vì phương Tây hầu hết đã phớt lờ Moscow sau sự sụp đổ của Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế nước Nga đổ vỡ, tiêu chuẩn sống bị hạ thấp cùng với nỗi luyến tiếc quá khứ huy hoàng. Ông Putin đã chậm rãi đảo chiều xu hướng đó, về cơ bản đã loại bỏ những con bài xấu và có được những con bài tốt cho riêng mình.
Alina Polyakova, một chuyên gia về Nga tại viện Brookings, Washington D.C nói rằng có những tranh luận rộng rãi về chính sách ngoại giao của ông Putin. Một mặt, có những người nói ông Putin biết tận dụng cơ hội và là một nhà chiến thuật. "Ông ấy thấy một khoảng trống về quyền lực, ví dụ như tại Syria nơi Mỹ không có một chiến lược thì ông ấy thấy một cơ hội để đưa lại ảnh hưởng và quyền lực Nga vào trong khu vực... Bạn cũng sẽ thấy điều tương tự về Ukraine. Có một cơ hội hiện hữu tại đó, ông ấy đã chấp nhận rủi ro và thành công".
Năm 2014, Nga quyết định sáp nhập Crimea, trong bản đồ cho thấy những vùng dân số coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ (tính theo thang vàng đến xanh đậm).
|
Một mặt khác, Alina nói rằng có những người xem chính sách ngoại giao của Nga là một chiến lược đã được cân nhắc bởi ông Putin. Lãnh đạo Nga đồng thời đang củng cố ảnh hưởng của Nga tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và vùng Đông Âu trong khi thách thức ảnh hưởng của Mỹ, phương Tây tại các khu vực khác trên thế giới.
"Về mặt rộng hơn, ông Putin đã định rõ di sản của ông ở thời điểm này là một nhà lãnh đạo Nga, người đã 'đưa nước Nga đứng lên khỏi những năm 1990 tồi tệ... Và Nga hiện đang là một cường quốc, một đất nước có thể lại gây ảnh hưởng toàn cầu, đồng thời cũng có thể cạnh tranh với ảnh hưởng của Mỹ ở rất nhiều khu vực trên thế giới... Tôi nghĩ điều này xác định chính sách ngoại giaocủa ông ấy khi tìm hiểu về các mục tiêu chiến lược".
Tất cả những điều này xảy đến bởi Mỹ đã từ bỏ vị trí thống trị truyền thống trên thế giới. Mỹ muốn hạn chế sự can thiệp vào Syria trong những năm ông Obama nắm chính quyền đã giúp ông Putin có cơ hội để củng cố lợi ích của Nga trong khu vực. Nga đã thành công trong việc bảo vệ đồng minh Assad - người đang ở bên bờ vực của sự lật đổ trước khi ông Putin quyết định trợ giúp ông. Việc can thiệp vào Ukraine và sáp nhập Crimea cũng có nét tương đồng và hiện tại hãy xem ông Putin sử dụng ảnh hưởng tại Afghanistan. Mỹ thì đang cáo buộc Nga ủng hộ Taliban.
Theo thăm dò mới đây, giới trẻ nước Nga hầu hết đều ủng hộ tổng thống của mình.
|
Động cơ của Nga đủ đơn giản để có thể hiểu rõ. Họ coi những vùng đất của Liên Xô cũ và Đông Âu là những nơi nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Việc phương Tây đàm phán với những nước này cũng như đưa củ cà-rốt "thành viên NATO" cho một vài nước đã khiến Moscow tức giận và đã có những chứng cứ lịch sử ngược lại cho biết Mỹ và các đồng minh đã phát vỡ những thỏa thuận từ kỷ nguyên 1990 rằng sẽ không mở rộng NATO.
Nga gia tăng sự hiện diện tại Trung Đông, Afghanistan và ở một nơi nào đó để thể hiện bản thân mình là một phần không thể thiếu cho bất cứ một giải pháp ngoại giao nào với rất nhiều cuộc xung đột đang xảy ra hiện nay còn Mỹ thì không. Và có vẻ như Nga cũng không để tâm tới việc thế giới nghĩ gì với những nỗ lực để sử dụng ảnh hưởng của mình: Khi Anh quốc có cáo buộc rằng Nga đã có âm mưu ám sát cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái mình. Nga phủ nhận cả hai điều trên và công chúng tin tưởng rộng rãi vào khẳng định của Nga.
Với tất cả những điều đó, ông Putin nhận được sự ủng hộ của công chúng Nga vì đất nước đang lung lay bởi những vấn đề kinh tế từ thời ông Yeltsin đã trở thành cường quốc một lần nữa. Dù có lúc tỷ lệ này rơi xuống nhưng con số ủng hộ ông vẫn là 67% vào tháng 7/2018 (một con số mà bất cứ lãnh đạo dân chủ phương Tây nào cũng muốn có) nhưng con số này hạ thấp hơn so với 79% vào tháng 5 và 82% vào tháng 4. Nhưng theo thăm dò của Levada thì những người nghĩ đất nước của họ đang đi chệch hướng tăng lên từ 26% vào tháng 4 lên 40% vào tháng 7.
Nhà xã hội học Volkov nói: "Chúng tôi thấy một bộ phận dân số bắt đầu mệt vì phải giúp đỡ tất cả mọi người... Đặc biệt bởi vì nền kinh tế đang không phát triển tốt, đặc biệt hơn nữa vì tuyên bố tái cơ cấu quỹ lương hưu được đưa ra và sẽ phải nâng độ tuổi hưu trí... Trong thăm dò, mọi người nói rằng: 'Hãy ngừng giúp mọi người. Hãy tự giúp bản thân chúng ta'". Vào dịp trước, tỷ lệ ủng hộ ông Putin thấp xuống, Nga bắt đầu tiến hành một cuộc can thiệp nước ngoài. Ví dụ, năm 2014, tỷ lệ ủng hộ dao động ở con số 60%. Nhưng sau vụ sáp nhập Crimea vào tháng 3 năm đó, nó nâng lên 80%. Tỷ lệ này cũng nâng lên sau cuộc can thiệp Syria của Nga.
Ngày 18.3.2018, ông Putin tiếp tục đắc cử tổng thống thêm 1 nhiệm kỳ.
|
Chuyên gia Polyakova nói: "Nhưng hiện tại, tôi nghĩ tình hình đã đổi khác. Ông Putin được các nước châu Âu chấp nhận... Tổng thống Trump muốn gặp gỡ ông. Đó phải là những điều chống đỡ cho ông lên nữa nhưng sự việc đã không xảy ra như vậy". Một phần trong những lý do đó là kế hoạch của chính phủ tuyên bố vào đầu giải World Cup mới diễn ra tại Nga, tăng độ tuổi nghỉ hưu ở nam từ 60 lên 65 và từ 55 lên 60 với nữ.
Ngay cả nếu sự bất mãn của người Nga với Kremlin thúc giục ông Putin phải nghĩ lại về chính sách ngoại giao, việc từ bỏ các cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài không dễ dàng như đặt quyền ưu tiên cho nó. Ông Putin hiểu điều này và đã chứng kiến nó, Liên Xô đã đóng quân ở Afghanistan một thập kỷ cho tới khi rút quân vào năm 1989 và tiếp theo sự chiếm đóng do Mỹ chỉ huy đã bước sang năm thứ 18. Nhưng tổng thống Nga vẫn phải đương đầu với gánh nặng lịch sử. Polyakova cho rằng chính sách ngoại giao trỗi dậy của Nga có vẻ "không mới chút nào".
"Thực tế, nếu chứng kiến lịch sử của đế quốc Nga trước đây hay lịch sử của Liên Xô, có một chu kỳ sóng gió đã định hình chính sách ngoại giao của Nga... Vì thế, khi chứng kiến những gì ông Putin đang thực hiện tôi nghĩ nó cũng tương tự như những mục tiêu về chính sách ngoại giao của Nga trong hàng thế kỷ", chuyên gia Polyakova nhận xét.