Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Qua 1 đêm: Chủ quán phở, xưởng đậu phụ... bỗng thành giám đốc

27/02/2019 09:00

Cả nước có hơn 5 triệu hộ sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, chiếm trên 30% GDP cả nước. Rất nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn, số lao động nhiều nhưng không muốn 'lên đời' thành DN.

Cả nước có hơn 5 triệu hộ sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, chiếm trên 30% GDP cả nước. Rất nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn, số lao động nhiều nhưng không muốn 'lên đời' thành DN.

Tuyệt vời hộ kinh doanh

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho biết, thời bao cấp, chúng ta không có khái nệm về kinh tế tư nhân, chỉ có kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể. Kinh tế tư nhân bị hạn chế tối đa dẫn đến sản xuất kinh doanh không phát triển được. Tất cả đều chờ Nhà nước phân phối, thiếu thốn đủ mọi thứ. Do nhu cầu đòi hỏi, kinh tế tư nhân, dưới dạng các hộ kinh doanh, đã tự phát triển và được Nhà nước thừa nhận dần dần; sau này được ghi nhận như chủ thể kinh doanh, có đăng ký kinh doanh đàng hoàng.

Nếu như Luật Doanh nghiệp năm 1999 quy định muốn thành lập DN phải do Chủ tịch UBND tỉnh cho phép và ra quyết định thành lập, thì Luật DN năm 2005 mở hết cỡ, không cần nhà cửa, không cần vốn, không trình độ,.. vẫn có thể làm giám đốc DN. Nhưng không ít hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp, đạt doanh thu mỗi năm tới vài chục tỷ đồng vẫn không chịu nâng cấp thành DN.

Rất nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn, số lao động nhiều nhưng không muốn “lên đời” thành DN (ảnh minh họa)

Giữ nguyên hộ kinh doanh, họ chỉ phải nộp thuế khoán, còn hệ thống sổ sách kế toán, hóa đơn rất tùy tiện. Vì quá dễ dãi nên loại hình này nay nở rộ tới hơn 5 triệu hộ. Thực ra, khoảng một nửa trong số đó chính là DN, ông Đức nhận xét.

Cũng theo ông Đức, vấn đề chính ở đây là sự bất bình đẳng. Nếu là DN thì phải đóng thuế thu nhập, phải có quỹ lương, bảo hiểm cho người lao động, phải có chế độ kế toán tài chính rõ ràng, còn hộ kinh doanh chỉ phải nộp thuế khoán, thậm chí sổ sách kế toán, quỹ lương không cần,...

Chẳng hạn tại Hạ Long (Quảng Ninh) có những gia đình thành lập ra 2 hộ kinh doanh vận tải du lịch biển, thực chất đó là DN. Nhưng do là hộ kinh doanh nên họ thoải mái biến hóa, khiến các cơ chức năng không quản lý nổi và gây ra sự bất bình đẳng với các DN kinh doanh vận tải du lịch biển khác.

“Rõ ràng là kinh doanh chuyên nghiệp, nhưng lại thuộc loại hình không đâu vào đâu, vì thế mà gây ra những tiêu cực và thất thu”, ông Đức chỉ rõ.

Ông Vũ Xuân Hiền, Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương, cho rằng về bản chất, hộ kinh doanh và DN tư nhân là như nhau về tư cách. Tuy nhiên, có những hộ kinh doanh đủ điều kiện về đất đai, quy mô tới 900 lao động, doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng họ chỉ kê khai có 9 lao động và không muốn “lên đời” thành DN. Bởi hộ kinh doanh là tuyệt vời, là số một.

Còn ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhìn nhận, với tình hình hiện nay, hộ kinh doanh cá thể không muốn lên DN là đúng. Kinh doanh là lợi nhuận, làm gì để giảm chi phí được thì họ sẽ khai thác triệt để. Nếu trở thành DN tư nhân thì phải công khai, minh bạch, có kế toán, sổ sách, đóng thuế đầy đủ,... nên họ sẽ không được làm lem nhem như cách làm của hộ kinh doanh cá thể nữa.

Trả lại tên DN cho hộ kinh doanh?

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã đến lúc đặt ra câu hỏi: tại sao những hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động,... nhưng lại không được xem là DN? Họ chính là các DN tư nhân đích thực. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt, để lớn lên?

Vì thế, ông Trương Thanh Đức cho rằng, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (khác với hộ kinh doanh không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh) là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, bản chất chính là DN tư nhân. Duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình DN là một sự bất bình đẳng và mập mờ về pháp lý.

Lý do sâu xa hơn khiến các chủ hộ không mặn mà với việc chuyển đổi là khi trở thành DN thì áp lực thanh tra, kiểm tra sẽ càng nhiều, rủi ro càng lớn (ảnh minh họa)

Do đó, cần loại bỏ hộ kinh doanh (phải đăng ký kinh doanh), để chuyển thành DN. Tất nhiên, nếu chuyển đổi ngay thì các hộ kinh doanh này khó tồn tại. Cần quy định một giai đoạn chuyển tiếp, với chế độ quản lý, tài chính, kế toán đơn giản, phù hợp để thực hiện.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhiều hộ kinh doanh thừa nhận rất ngại chuyển sang mô hình DN vì phải thay đổi chế độ kế toán từ thuế khoán lên tự khai, tự nộp, tự in và sử dụng hóa đơn. Bên cạnh đó, cách thức quản lý sổ sách thay đổi, đòi hỏi hộ kinh doanh phải thuê nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị,... làm gia tăng chi phí.

Tuy nhiên, lý do sâu xa hơn khiến các chủ hộ không mặn mà với việc chuyển đổi là khi trở thành DN thì áp lực thanh tra, kiểm tra sẽ càng nhiều, rủi ro càng lớn. Ông Lê Xuân Hiền cho biết, thực tế là nhiều hộ kinh doanh ngại “lớn”, vì sợ tốn kém, sợ trách nhiệm,... Có hộ kinh doanh vừa đăng ký thành lập DN xong ngày hôm trước, thì hôm sau các cơ quan phòng cháy chữa cháy, thanh kiểm tra, thuế đã ngay lập tức “hỏi thăm”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, khu vực kinh tế này hiện chiếm tới 32% GDP, nhưng lại hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, năng lực cạnh tranh thấp. Tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách cũng chưa như kỳ vọng. Nếu có chính sách khuyến khích, chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN, không chỉ đóng góp vào mục tiêu phát triển DN, mà còn khuyến khích xây dựng thương hiệu. Dù vậy, chính sách thuế khoán, đối với hộ kinh doanh hiện nay còn nhiều bất cập, khiến khu vực này không có nhiều động lực để thay đổi, muốn lên DN.

Cần phải trả lại tên DN cho hộ kinh doanh. Các văn bản pháp lý phải dựa theo đó để có quy định cũng như hỗ trợ phù hợp cho khu vực này. Việc thay đổi khái niệm, sẽ giúp chúng ta có thêm khoảng 2 triệu DN nữa, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị.

Điều quan trọng nhất, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Luật DN sửa đổi lần này cần phải tuyên bố rõ: hộ kinh doanh chính là DN. Cùng với đó là tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.

Trần Thủy

Theo Vietnamnet