Cái nguy hiểm thời nay là chúng ta chỉ thích ném đá, chỉ thích anh hùng bàn phím về "người Việt xấu xí" mà quên mất lịch sử vĩ đại của cha ông để lại...
Có những người báo chí đã viết nhiều về họ, "mổ xẻ" khá sâu sắc nhưng đọc vẫn thấy chưa đủ, chưa khoái. Đó là những người được xem là "kỳ nhân". Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một người như vậy. Do đó, để hiểu thêm về ông Vũ, tôi phải gặp một "quái kiệt" là Tiến sỹ Phan Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Tâm Việt, không học trường y mà chinh phục chứng nan y, không học xiếc mà huấn luyện trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia về xiếc.
HBK: Ông có quan hệ gắn bó với Đặng Lê Nguyên Vũ, có thể chia sẻ với nhau nhiều thứ?
TS Phan Quốc Việt: Tôi biết đến anh Đặng Lê Nguyên Vũ từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi chúng ta mới bắt đầu có kinh tế tư nhân. Anh Vũ giữ chức Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ toàn quốc, chúng tôi có cơ duyên gặp nhau. Sau đấy, trong một số sự kiện quan trọng có sự hiện diện của một số cán bộ lãnh đạo cao cấp, chúng tôi lại gặp nhau.
Tuy nhiên, không phải gặp nhau là thân nhau được đâu! Vấn đề là ở chỗ tôi nhìn thấy ở anh Vũ những phẩm chất mà tôi thích. Đó là anh Vũ có trí tuệ, có bản lĩnh; cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lập nghiệp. Đặc biệt, ở anh Vũ là KHÁT VỌNG VIỆT, luôn tìm tòi, sáng tạo, tạo lập môi trường để trí tuệ Việt, nhất là người Việt trẻ có môi trường để tỏa sáng, để "sánh vai với các cường quốc 5 châu".
Còn anh Vũ tìm thấy ở tôi - một Thầy dạy kỹ năng sống và kỹ năng quản trị doanh nghiệp, có những phương pháp mới lạ và hiệu quả nên đã mời tôi đào tạo cho Trung Nguyên. Ngoài ra, việc tôi nhận nuôi dạy, chăm sóc trẻ tự kỷ, đặc biệt là việc đổi mới phương pháp huấn luyện giúp các cháu đạt đến tầm thế giới mà người bình thường chưa làm được, cũng động đến lòng trắc ẩn, trùng với khát vọng của anh ấy nên anh ấy quan tâm, hỗ trợ.
HBK: Thân quen Đặng Lê Nguyên Vũ như vậy, anh thấy những gì đặc biệt ở con người này?
TS Phan Quốc Việt: Thật ra, tôi không thuộc nhóm người luôn luôn thân cận, gần gũi với Đặng Lê Nguyên Vũ, mặc dù tôi cũng được làm "quan sát viên" trong dịp anh Vũ "thiền định 49 ngày nhịn ăn" trên đỉnh M’drăk (Đắk Lắk). Nhưng trong khi Đặng Lê Nguyên Vũ cùng nhiều người thân cận khác không ăn gì, chỉ uống nước mè đen thì tôi vẫn được đãi cơm rượu đàng hoàng.
Tôi cũng từng học thiền ở Ấn Độ, và thực hành thiền định ở Trúc Lâm Thiền Viện Đà Lạt. Thông qua việc thiền định con người hòa nhập với vũ trụ, thức tỉnh, thấu hiểu mình hơn, định vị cuộc đời mình chính xác hơn, trọng tâm hơn, kiên tâm hơn với con đường mình chọn, không vì vụ lợi vật chất trước mắt đánh mà đánh mất chính mình, không để "nén bạc đâm toạc nhân tâm". Qua thiền định, tôi tìm ra sứ mệnh của mình là giúp con người tìm ra sứ mệnh của họ, tôi bỏ vị trí quan trọng thu nhập cao trong nhà nước để khởi nghiệp đào tạo kỹ năng sống ở tuổi 50.
Cũng phải thấy rằng, thời điểm (năm 2013) Đặng Lê Nguyên Vũ thực hiện "49 ngày thiền định nhịn ăn" là lúc anh đã nổi tiếng và giàu có. Điều gì thôi thúc anh mạo hiểm với chính bản thân mình như vậy? Dường như anh Vũ có một kế hoạch lớn lao cho tương lai của bản thân và hơn thế nữa là cho thế hệ trẻ, cho đất nước. Muốn thực hiện được kế hoạch này, phải vượt qua nhiều trở ngại, nhiều quyến rũ, nhiều giới hạn, phải luôn vượt qua giới hạn của chính bản thân mình.
Anh Vũ là người rất cầu thị ham học hỏi, rất tôn trọng người tài, anh thường xuyên mời các các chuyên gia hàng đầu như Trương Đình Tuyển, Nguyễn Trung, Nguyễn Trí Thành, Trần Đình Thiên, Nguyễn Hữu Thái Hòa… lên với núi rừng Tây Nguyên, tới trang trại M’drắk để đàm đạo về khát vọng Việt, về ngành café. Không những thế anh Vũ còn ngao du khắp thế giới, sang tận đất nước Do Thái, đến diễn đàn kinh tế thế giới… học hỏi & chia sẻ.
Với cà phê, tôi chưa thấy ai đam mê như anh Vũ. Anh lọ mọ đến tận hang cùng ngõ hẻm khắp thế giới của đế chế cà phê để nghiên cứu lịch sử cà phê, sưu tầm cổ vật tạo dựng bảo tàng cà phê. Anh Vũ luôn khát vọng lớn lao trong cuộc đời là khám phá chính bản thân mình, khám phá cuộc sống chung quanh để tìm ra sức mạnh còn tiềm ẩn kết nối con người với vũ trụ tâm linh. Theo tôi thì khát vọng này cần được trân trọng và tìm hiểu thấu đáo.
HBK: Anh có thể đưa ra đánh giá tác động "49 ngày thiền định nhịn ăn" của Đặng Lê Nguyên Vũ đối với cuộc đời và sự nghiệp của anh Vũ được không?
TS Phan Quốc Việt: Đưa ra đánh giá tổng thể vào thời điểm này, tôi e rằng quá sớm. Để làm được điều này, phải căn cứ vào những gì sẽ diễn ra với Đặng Lê Nguyên Vũ trong 10 hay 20 năm tiếp theo. Thực ra, cần phải nhìn nhận vấn đề này theo hướng Đặng Lê Nguyên Vũ là người có suy nghĩ và hành động ít giống với những người bình thường khác. Anh không thỏa mãn với những gì mình đã đạt được. Anh ưa thích cái mới, ưa thích mạo hiểm, ưa thích tìm tòi, sáng tạo nên một số suy nghĩ và hành động của anh khiến nhiều người chưa hiểu được.
Nhưng điều này chúng ta phải công nhận: Cho đến nay, Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn hoàn toàn khỏe mạnh về tinh thần và thể chất. Anh còn đủ trí lực, thể lực để thực hiện kế hoạch của mình trong tương lai. Có thể "49 ngày thiền định nhịn ăn" cũng đã giúp Đặng Lê Nguyên Vũ ngộ ra nhiều vấn đề và anh sẽ vận dụng nó trong tương lai không xa.
HBK: Vậy xem ra con người Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn còn những điều bí ẩn?
TS Phan Quốc Việt: Điều đấy thì rõ rồi. Với phần lớn những con người bình thường, vẫn luôn luôn tồn tại những điều gì đó chưa hiểu hết, chưa phát huy hết; huống hồ đối với Đặng Lê Nguyên Vũ – người đã xây dựng nên "Đế chế cà phê Trung Nguyên" và đưa thương hiệu này ra thế giới; người được xem đã truyền cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ; người luôn luôn có khát vọng khám phá thì ở con người này luôn luôn tồn tại những điều bí ẩn. Những điều này không có gì là siêu nhiên, siêu thực cả; chúng luôn luôn tồn tại trong mỗi con người chúng ta. Vấn đề là chúng ta có tìm ra chúng và biến chúng thành sức mạnh vật chất trong cuộc đời hay không mà thôi. Theo tôi, Đặng Lê Nguyên Vũ là người đang trong quá trình tìm tòi và khai thác hết sức mạnh của bản thân mình.
Tôi hỏi lại: Nhà báo thuộc phe ủng hộ hay "ném đá"?
HBK: Tôi là nhà báo chuyên nghiệp, công việc của tôi không nhằm ủng hộ hay phản đối một người nào đó. Công việc của tôi là thu thập thông tin, tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề để đưa ra cách đánh giá khách quan; trên cơ sở đó giúp bạn đọc đánh giá đúng người, đúng việc. Với anh Đặng Lê Nguyên Vũ, tôi cũng làm như vậy. Đến thời điểm này, những thông tin mà tôi có được khiến tôi có cảm tình với anh Vũ với tư cách là một doanh nhân, với tư cách là một con người, với tư cách là một người đàn ông. Tuy nhiên, tôi thấy cần phải tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn về con người này. "Ví thử cuộc đời bằng lặng cả" thì nhà báo chúng tôi lấy gì mà viết. Chim ưng chỉ đích thực chim ưng trong giông tố. Chính vì thế nên tôi mới tìm đến để trò chuyện với anh, một "quái kiệt" được nhiều người mến mộ, nhưng cũng không ít kẻ ném đá, muốn thấy góc nhìn của anh về Đặng Lê Nguyên Vũ...
TS Phan Quốc Việt: Thì tôi đang cố gắng chia sẻ đấy thôi. Nhưng tôi xin nhắc lại: Đặng Lê Nguyên Vũ thuộc nhóm người không dễ dàng hiểu hết, đánh giá chính xác được; hay như anh nói ở Vũ còn nhiều điều bí ẩn. Nhưng điều này thì chúng ta có thể khẳng định: Vũ là một doanh nhân nhưng mục đích chính không phải là để làm giàu. Mục đích sống của Vũ cao cả và thánh thiện hơn những điều mà tiền bạc có thể làm được.
Cái thiếu nhất của thanh niên Việt Nam bây giờ là sống không khát vọng, không có tầm nhìn, phần lớn là thiển cận, nặng về hưởng thụ, thiếu tinh thần phụng sự. Chính chúng ta, những người làm bố làm mẹ, làm ông làm bà, đã từng không tiếc xương máu, dấn thân vì độc lập tự do của đất nước, thế mà bây giờ cũng ngập ngụa trong trong tiêu pha vô độ. Rau nào sâu nấy!
Hơn bao giờ hết đất nước cần những con người tràn đầy ước mơ, tạo dựng ước mơ cho thế hệ trẻ.
HBK: Đặng Lê Nguyên Vũ đã vào tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", liệu có quá muộn để sáng tạo, đổi mới, dịch chuyển đế chế Trung Nguyên lên tầm cao mới biến khát vọng nước Việt vĩ đại thành sự thật?
TS Phan Quốc Việt: Một sự trùng hợp, không biết có ngẫu nhiên, 17 năm trước, bằng tuổi anh Vũ bây giờ, tôi đã rời bỏ nhà nước, khởi nghiệp lần đầu, đi học và dạy kỹ năng sống, một nghề hoàn toàn mới đối với người Việt. Vào tuổi 60 tôi khởi nghiệp lần 2 - Huấn luyện trẻ tự kỷ, nghề nan y mà thế giới đang bó tay, và năm nay, đã qua tuổi 65 tôi khởi nghiệp lần 3 - huấn luyện thanh niên khuyết tật tâm hồn, thiểu năng ý chí.
Tôi trân trọng anh Vũ vì ý chí Khát vọng Việt của anh. Tôi tin chắc khi mọi chuyện đã yên ổn, chắc chắn chỉ trong thời gian ngắn chúng ta sẽ cùng nhau minh chứng bước dịch chuyển của Trung Nguyên trong bàn tay của Kỳ nhân Đặng Lê Nguyên Vũ.
Tôi rất tin vào con người Đặng Lê Nguyên Vũ và chờ đợi những thành công tiếp theo của anh. Cách hiểu "thành công" của tôi với Đặng Lê Nguyên Vũ trong tương lai cũng có thể khác. Đó không hẳn là anh Vũ lại kiếm được nhiều tiền, mà là khám phá ra nhiều điều mới mẻ trong bản thân con người, vẫn tiếp tục truyền cảm hứng sáng tạo cho giới trẻ, vẫn đủ sức mạnh thể chất và tinh thần để mạo hiểm.
Tôi tin chắc rằng khi toàn tâm toàn ý, trọng tâm vào một việc, ý chí tạo dựng Đạo Café của Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ được anh chị em Trung Nguyên hết mình tạo dựng, trong thời gian tới sẽ được hiện thực hóa một cách vững chắc.
Nước Việt vĩ đại! Tại sao không! Tại sao nước Mĩ có quyền vĩ đại trở lại còn Việt Nam thì không? Tại sao quốc đảo Singapore trở thành kỳ vĩ trong thời gian ngắn? Cái nguy hiểm thời nay là chúng ta chỉ thích ném đá, chỉ thích anh hùng bàn phím về "người Việt xấu xí" mà quên mất lịch sử vĩ đại của cha ông để lại: 3 lần thắng quân Nguyên, nước nhỏ mà thắng các cường quốc to.
Thế hệ chúng tôi rất vinh dự được sống trong thời mà đi ra nước ngoài chỉ nói mình là người Việt là được chào đón, được ngưỡng mộ. Đừng để quay lại thời "ngủ trong giường chiếu hẹp, giấc mơ con đè nát cuộc đời con". Tại sao rất nhiều người Việt đi tìm "giấc mơ Âu - Mĩ" mà quên việc nuôi giấc mơ Việt tại quê hương mình? Chúng ta suốt ngày nói về khủng hoảng chương trình giáo dục, nhưng ít người nói về khủng hoảng ý chí Việt, khủng hoảng ước mơ Việt. Ở trong ghế nhà trường người Việt học ít thua ai, thế mà ra trường chúng ta thua xa, lý do chính là thiếu ước mơ.
Tại sao phải tiết kiệm ước mơ? "Có chí thì nên". "Có chí làm quan, có gan làm giàu". Trong một thời gian ngắn với sự đầu tư của các doanh nhân trẻ thế hệ bầu Đức, bóng đá Việt Nam từ lẹt đẹt khu vực đã vươn tầm châu lục. Chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã có nhiều tỷ phú đô la. Hơn bao giờ hết, thời đại này chúng ta cần những kỳ nhân thế hệ Đặng Lê Nguyên Vũ cam kết phụng sự kiến tạo một nước Việt vĩ đại để con cháu chúng ta muôn đời có thể ngẩng cao đầu cùng các cường quốc 5 châu.
HBK: Vâng, cám ơn anh đã chịu khó chia sẻ những điều không dễ gì…chia sẻ. Tôi đã có thêm cứ liệu để tìm hiểu "kỳ nhân" Đặng Lê Nguyên Vũ. Chúc 2 anh giữ vững ý chí để viết tiếp những chương mới cho tiểu thuyết Những Quái kiệt & Kỳ nhân đất Việt của tôi.
Theo Hồ Bất Khuất
Trí Thức Trẻ