Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Quan điểm kinh doanh "lạ" của "vị thần doanh nhân" Nhật Bản

10/03/2018 14:17

Sáng 6-3, nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp chiến lược, đã cùng lắng nghe và trao đổi về Triết lý Inamori, một quan điểm kinh doanh và lãnh đạo có nhiều điểm khác biệt của người hồi sinh Hãng hàng không Nhật Bản.

Tại hội thảo "Triết lý Inamori - Vấn đề đạo đức công vụ trong việc xây dựng tổ chức" do Ban Tổ chức Trung ương Đảng phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức ở Hà Nội nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý tổ chức với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp chiến lược, đại biểu đã lắng nghe ông Inamori Kazuo chia sẻ về triết lý kinh doanh của mình qua một đoạn video.

Từ triết lý của ông Inamori, các đại biểu đã trao đổi về tính minh bạch trong thủ tục hành chính, chống tham nhũng và chủ nghĩa "quen biết" trong bộ máy hành chính.

Lợi nhuận đến đâu là đủ?

Ông Inamori Kazuo được mệnh danh là "vị thần doanh nhân" của Nhật Bản. Triết lý kinh doanh của ông đã ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ doanh nhân. Là một doanh nhân tài ba, ông đã sáng lập 2 công ty Kyocera và KDDI nổi tiếng tại Nhật Bản. Năm 2010, ông nhận lời làm Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Nhật Bản mà không yêu cầu trả lương, sau đó giúp hãng này hồi sinh một cách thần kỳ chỉ trong vòng 3 năm sau khi bị phá sản. Ông đã nỗ lực thực hiện cuộc cách mạng thay đổi ý thức của nhân viên, biến Hãng hàng không Nhật Bản thành một tổ chức hoạt động có hiệu quả.

Triết lý Kinh doanh của ông Inamori vô cùng đặc biệt, ông quan niệm cứ sống "đúng với đạo làm người" và điều hành doanh nghiệp thì từng thành viên của doanh nghiệp sẽ hạnh phúc, công ty sẽ phát triển.

Là người sáng lập Hãng Kyocera và phát triển Hãng thành công ty công nghệ cao đa quốc gia với hơn 66.000 nhân viên, Inamori Kazuo là nhà cố vấn có quyền hạn cao nhất của KDDI và cũng là người "tái sinh" Hãng hàng không Nhật Bản (Japan Airlines).

Mở đầu bài phát biểu, ông Inamori chia sẻ năm 27 tuổi, ông thành lập công ty Kyocere. Thời gian sau đó, phải kinh qua các vị trí giám đốc, chủ tịch công ty trong những năm tháng còn trẻ, với những nhân viên tuổi đời và kinh nghiệm hơn mình rất nhiều, ông đã nhận thức rằng người đứng đầu một tổ chức cần đưa ra triết lý để lãnh đạo, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản là "Làm người thì điều gì là đúng đắn?"

"Tôi đã bắt đầu kinh doanh với 28 nhân viên và 3 triệu yên, sau 46 năm, công ty đã phát triển với lợi nhuận hằng năm là 100 tỉ yên. Để công ty phát triển được như vậy, cái gọi là tiêu chuẩn để tôi đưa ra các quyết định chính là quan điểm luân lý, đạo đức mà tôi được dạy ngày bé. Nói đơn giản, đó là suy nghĩ "Sống bằng chính mình, làm điều đúng đắn một cách đúng đắn theo đúng nghĩa con người""- ông Inamori nói.

Cụ thể, đó là hoạt động kinh doanh một cách chính trực, tuyệt đối không dối trá, lừa lọc. Nhân viên và lãnh đạo sống chân thành, dù gặp khó khăn bên bờ vực cũng không theo đuôi bắt chước một cách hèn nhát mà dũng cảm đương đầu vượt lên khó khăn, gian nan. Tôn trọng chính nghĩa, lấy công bằng làm trọng, luôn nỗ lực rèn luyện tính khiêm nhường, nỗ lực không thua kém ai; không nói, thậm chí nghĩ trong lòng những lời bất bình, bất mãn hay lời than thở (ghen tị và hận thù).

"Con người hay bị cảm xúc chi phối, cảm xúc bột phát ra bằng ngôn ngữ ghen tị, hận thù, tôi cố gắng kiềm chế, không để nó hủy hoại mình"- ông nói và nhấn mạnh "Trong kinh doanh, theo đuổi lợi nhuận là đương nhiên, song cần biết lợi nhuận bao nhiêu là đủ, không quá ham hố; không dùng tiêu chuẩn suy xét chỉ dựa trên thiệt hay lợi mà suy xét trên cơ sở đạo lý".

"Không phải tôi muốn nói rằng các bạn hãy cố gắng đạt được sự hoàn thiện, tôi chỉ mong các bạn ít ra cũng suy nghĩ xem mình đang sống như thế nào, đang ý thức rằng đạo đức con người là điều quan trọng nhất và nỗ lực hàng ngày để thực hành đạo đức, hay đang sống cuộc đời bàng quan với đạo đức? Đặc biệt, công chức không còn là cá nhân nữa vì đằng sau công chức là nhân dân. Mong rằng các bạn không quên điều đó để trở thành những cán bộ nhà nước tốt."

"Ngoài ra, 46 năm qua, tôi không làm gì to tát cả, chỉ trừ lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ thì tôi đã phát triển công nghệ để không thua kém ai. Triết lý mà tôi vừa trình bày thật ra là những nguyên tắc đạo đức mà ai cũng biết. Cho đến hôm nay, chúng tôi chỉ đề cao và biến những nguyên lý thành cốt lõi cho hoạt động kinh doanh".

"Đó là những điều tôi trình bày một cách lý trí nghiêm túc, nhưng bản chất con người, theo quan điểm của Phật giáo, là phiền não tiêu than. Nói cách khác, tính khí con người là luôn phiền não bởi vì ham muốn, ghen tị, than phiền, lên cơn nổi giận. Tôi cũng là một con người như vậy, nên tuy tôi nói ra những điều tuyệt vời như trên nhưng cố gắng để sống được như vậy không phải dễ dàng. Tôi cũng nhiều lúc bị ham muốn lôi kéo, cũng khổ sở dằn vặt. Nhưng tôi luôn nhắc nhở mình điều muốn hướng tới, muốn làm là điều khác, tự kéo mình khỏi ham muốn đó"- ông chân thành.

Giá trị của con người không nằm ở năng lực

Theo ông, điều ông vừa nói quả là ai cũng biết, nhưng trong công việc và cuộc sống không phải lúc nào ta cũng giữ gìn được nên nhiều công chức, chính trị gia rơi vào bê bối.

"Người lãnh đạo không chỉ biết mà phải biến nó thành hành động. Nếu không đặt một người biết hành động vào vị trí lãnh đạo thì sẽ không tạo ra lợi ích cho tổ chức, và sẽ vướng vào bê bối.

Ví dụ ta thử gọi 5 nhà sư đến nghe thuyết giảng về Phật giáo, chúng ta sẽ có những câu chuyện rất tuyệt vì họ đều đã tu hành với giáo lý nhà Phật, song nếu nhìn vào hành động thường nhật của 5 nhà sư thì mỗi người một vẻ. Điều này minh chứng cho việc dù biết nhưng nếu chưa tự dùng để thay đổi cốt cách thì việc học cũng chưa hẳn có ý nghĩa và có thể sử dụng được. Dù chúng ta có thuyết giảng hay đến mấy nhưng nếu chúng ta không biến triết lý thành hành động của mình thì khó có thể được cấp dưới và những người chung quanh tôn trọng.

Trong tổ chức, người lãnh đạo có nhận được tôn trọng của cấp dưới hay không là thực sự trọng yếu để vận hành tổ chức. Nếu có được sự tôn trọng của cấp dưới thì dù khó đến mấy cũng được cấp dưới đồng tình, ủng hộ và công việc sẽ được thực hiện.

"Tôi cho rằng giá trị của con người không nằm ở năng lực, địa vị, tiền tài, mà nằm chính ở nhân cách, cốt cách của anh ta. Trong kinh doanh cũng như trong công việc hành chính, tiêu chuẩn đánh giá số 1 là không phải là năng lực mà là nhân cách. Nói một cách đơn giản, nhân cách con người nằm ở chỗ người đó có trái tim nhân hậu, vì người khác hay không. Không chọn được người như vậy chính là lý do dẫn đến tình hình xáo trộn xã hội. Hiện nay cả doanh nghiệp, cả giới hành chính đang vận hành hệ thống mà người có đầu óc, tài năng được trọng dụng. Tôi nghĩ rằng việc chúng ta chọn lãnh đạo chỉ có tài nặng, thông minh nhưng bỏ qua nhân cách đã dẫn đến tình trạng xã hội hỗn loạn.

Hiện nay, cả trong vận hành nhà nước, cả vận hành doanh nghiệp, người ta đang lấy tài năng để ra lệnh, đưa ra quyết sách bằng tiêu chuẩn cân đong thiệt – lợi, đánh giá được – mất, tính xem mình kiếm được bao nhiêu.

"Chính phủ đưa ra chính sách ngăn ngừa sự tái phát khi các vụ bê bối xuất hiện, nhưng điều quan trọng hơn cả là đặt người có nhân cách tốt đẹp, biết áp dụng tiêu chuẩn đúng đắn "Làm người thì điều gì là tốt, điều gì là xấu" vào vị trí người đứng đầu, đưa tiêu chuẩn vào hành động hằng ngày. Như vậy, người đó sẽ lãnh đạo cả tổ chức bằng những hoạt động tuân thủ đạo đức con người. Được như vậy thì bê bối sẽ được phòng ngừa. Dù chúng ta có đưa ra luật, quy định gì nhưng người đứng ở vị trí lãnh đạo không tự mình có quan điểm đạo đức đúng đắn, không trung thực thực hiện thì luật không nghĩa lý gì".

"Không phải tôi đang kêu gọi các bạn hãy trở thành "thánh nhân quân tử". Bản thân tôi cũng không phải như vậy. Chúng ta đều là con người bị bao trùm bởi ham muốn và phiền não, nhưng chúng ta là con người luôn tự nỗ lực, biết tự nhắc nhở chính mình rằng mình không được như vậy. Đó mới là điều quan trọng", ông nói.

Dương Ngọc
* Nguồn: Người Lao Động