Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về văn hóa công vụ, trong đó có việc cấm công chức nịnh bợ cấp trên, vào luật Cán bộ, công chức; luật Viên chức sửa đổi.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng về đề án Văn hóa công vụ.
Việc này nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện văn hóa công vụ thời gian qua ở các bộ ngành, địa phương, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Vi phạm văn hóa công vụ sẽ bị xử lý
Quyết định nêu rõ: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị mình trong việc thực hiện văn hóa công vụ, coi đây là tiêu chí để bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng hàng năm. Các trường hợp vi phạm quy định về văn hóa công vụ sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.
Việc thực hiện văn hóa công vụ sẽ được kiểm tra, giám sát và thực hiện chế độ báo cáo hàng năm, sơ kết, tổng kết theo quy định.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Nội vụ tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng về văn hóa công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí về văn hóa công vụ; phát động thi đua thực hiện văn hóa công vụ.
Bộ nội vụ sẽ nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về văn hóa công vụ trong luật Cán bộ, công chức; luật Viên chức và hoàn thành vào tháng 12/2019.
Ngoài ra, các bộ ngành, tỉnh thành rà soát, sửa đổi các quy định có liên quan đến văn hóa công vụ theo thẩm quyền; nghiên cứu hoàn thiện các quy định về văn hóa công vụ phù hợp với đặc thù trong các hoạt động của bộ ngành, địa phương...
Hiện dự thảo sửa đổi 2 luật này vừa được UB Thường vụ QH cho ý kiến lần đầu, sẽ được trình lấy ý kiến QH tại kỳ họp QH vào cuối tháng 5 và dự kiến thông qua vào kỳ hợp thứ 8 vào cuối năm.
Chưa có điều khoản riêng về văn hóa công vụ
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức viên chức, Bộ Nội vụ, người trực tiếp soạn thảo dự thảo luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sửa đổi cho biết, trong luật hiện hành đã có nội dung liên quan đến đạo đức công vụ nhưng không thành một chương, điều riêng về văn hóa công vụ.
"Trong 2 dự thảo chưa đặt ra vấn đề có một điều khoản riêng về văn hóa công vụ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các quy định về quyền và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong dự luật sao cho phù hợp với các quy định trong đề án công vụ", ông Long nói.
Theo ông, trong quá trình sửa 2 luật này, các nội dung như tăng cường xử lý kỷ luật nghiêm cũng là một phần trong văn hóa công vụ. Văn hóa công vụ có rất nhiều nội dung, không phải chỉ có sửa luật Cán bộ công chức mới triển khai được.
Đối với quy định cụ thể "công chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng", ông Long cho hay, các quy định của văn hóa công vụ trong quan hệ ứng xử của cán bộ, công chức cũng được quy định trong nghĩa vụ của công chức trong thi hành công vụ.
"Đề án văn hóa công vụ cũng như kế hoạch của Bộ chỉ nói 'nghiên cứu' đưa các quy định về văn hóa công vụ trong luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức chứ không phải là bắt buộc 'phải sửa đổi, bổ sung' vào trong luật.
Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu thấy rằng, các quy định của luật hiện hành vẫn phù hợp, không cần phải bổ sung hẳn 1 điều về văn hóa công vụ thì không nhất thiết sửa đổi, bổ sung. Quan trọng là sau này tổ chức thực hiện và có biện pháp như thế nào thi hành cho tốt.
Đề án văn hóa công vụ đang trong quá trình nghiên cứu để triển khai thực hiện, mình thấy nhóm hành vi, quy định nào cần phải luật hóa trong luật thì sửa đổi, bổ sung vào luật và phải qua nghiên cứu đánh giá", ông Long nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm, cùng với việc nghiên cứu luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sửa đổi, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá, thi đua và đề nghị các bộ ngành, địa phương đưa văn hóa công vụ vào tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.
Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm nay quy định 4 nội dung. Trong đó có quy định về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với lãnh đạo cấp trên phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.
Thu Hằng
Theo VietnamNet