Báo cáo gần đây của Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bằng đồng nội tệ lần đầu vượt 1 triệu tỷ đồng và gần tương xứng với quy mô của thị trường trái phiếu Chính phủ. Với con số này, quy mô thị trường TPDN hiện lớn hơn Philippines và Indonesia, nhưng vẫn xếp sau Thái Lan và Malaysia.
Nếu thị trường tiếp tục tăng 30% hàng năm, quy mô TPDN của Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan trong 3 năm tới và đạt đến cấp độ của Malaysia trong vòng 5 năm, công ty chứng khoán nhận định.
FiinPro đánh giá thị trường TPDN Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn mới phát triển. Thị trường sơ cấp chuyên biệt chưa hình thành, các nhà phát hành và trái phiếu của họ chưa được xếp hạng độc lập.
Bên cạnh đó, hình thức phát hành vẫn là phát hành riêng lẻ và người mua trái phiếu lớn nhất vẫn là các ngân hàng và còn thiếu vắng các quỹ hưu trí, quỹ trái phiếu còn ở quy mô khiêm tốn và sự tham gia hạn chế của các định chế tài chính đầu tư khác.
Theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế 8 tháng đầu năm, có 490 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị lên tới 308.517 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, 476 đợt phát hành riêng lẻ (296.933 tỷ đồng), 14 đợt chào bán ra công chúng (11.584 tỷ đồng).
Ngoài ra, còn 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1 tỷ USD gồm trái phiếu Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD).
Nguồn: Tổng hợp báo cáo VBMA |
Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành với tỷ trọng 38% tổng giá trị phát hành, tương đương 116.100 tỷ đồng. Trong đó, 24.186 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 20,8%); 78,3% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất có thể kể đến như ACB, VPBank, BIDV...
Nguồn: Tổng hợp báo cáo HSC |
Nhóm công ty bất động sản xếp ở vị trí thứ hai với tổng khối lượng phát hành 107.980 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Trái phiếu hiện là một trong những kênh huy động chính của các doanh nghiệp bất động sản. Theo SSI Research, môi trường lãi suất thấp giúp dòng tiền đầu tư cũng tìm đến kênh bất động sản nhiều hơn và các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh huy động vốn trái phiếu để triển khai các dự án.
Nguồn: Tổng hợp báo cáo HSC |
Lãi suất phát hành đạt 9,95% - mức hấp dẫn trong môi trường lãi suất thấp
Theo báo cáo của SSI Research, lãi suất phát hành bình quân, loại trừ trái phiếu ngân hàng, trong quý II là 9,95%, giảm 33 điểm cơ bản (100 điểm cơ bản bằng 1 điểm %) so với quý I. Dù lãi suất phát hành nằm trong xu hướng giảm từ quý III năm ngoái đến nay nhưng rất nhỏ so với mức giảm sâu của lãi suất tiền gửi. Chênh lệch giữa lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi giữ ở mức cao khiến thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021.
Trong 8 tháng đầu năm, lãi suất TPDN bất động sản dao động 8-13%/năm. SSI Reseach cho biết nửa đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 92.300 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm, thấp hơn 23 điểm cơ bản so với bình quân năm 2020 trong khi kỳ hạn bình quân giữ ở mức 3,8 năm.
Theo VBMA về trái phiếu của nhóm ngân hàng, lãi suất phát hành các trái phiếu tăng vốn cấp 2 của nhóm ngân hàng chủ yếu là lãi suất thả nổi tham chiếu bình quân lãi suất tiết kiệm của 4 ngân hàng (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank), dao động từ 6,1%-7,6%/năm. Với các trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm, lãi suất thấp dao động từ 3-4,2%, cố định trong toàn bộ kỳ hạn.
SSI Research đánh giá trái phiếu ngân hàng có lãi suất phát hành khá sát với lãi suất tiền gửi nên nhà đầu tư thông thường cũng ít tìm đến, ngoại trừ các trái phiếu tăng vốn cấp 2 có lãi suất cao hơn hẳn lãi suất tiền gửi.
Tiềm ẩn rủi ro TPDN
Công văn của Bộ Tài chính đề cập trong thời gian qua, TPDN đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, phát hành trái phiếu với lãi suất cao, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản).
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao. Đối với những trường hợp doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Trước thực trạng này, đầu tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc ký công văn gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Các công ty chứng khoán cũng đánh giá thị trường trái phiếu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chứng khoán HSC cũng cho biết 2/3 TPDN của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới, điều này sẽ tạo áp lực đáng kể đối với các tổ chức phát hành trong việc đảo nợ, dẫn đến sự biến động cao.
Theo SSI Research, dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm bất động sản bớt thuận lợi; thanh khoản xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến. Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi TPDN.