Tôi tự hoạch định bản thân theo quy tắc 4-4-4, đó là bốn năm đại học, bốn năm sau khi ra trường, và bốn năm đến 30 tuổi.
Khi mà bạn còn xách tập vở đến trường, con đường đi nó bằng phẳng lắm, luôn nhìn cuộc sống qua lăng kính màu xanh da trời có cầu vòng bao quanh. Ra trường rồi, thì cầu vòng chẳng có, mà đường đi thì toàn hố hang, nhìn đâu đâu cũng toàn màu đen.
Vấp ngã không hẳn chỉ là đem đến cho bạn nỗi đau. Dẫu là chưa gặp đúng người, yêu chưa đủ sâu, chọn việc nhưng việc không chọn mình. Chắc gì chúng ta biết trân trọng những gì mình đang có nếu không có những sự hy sinh, và nếu không có vết thương thì làm sao ta biết trân trọng một cơ thể lành lặn. Chắc gì chúng ta biết mình cần một khởi đầu mới nếu không chạm đáy của sự thất bại và ảo tưởng về bản thân với những gi chúng ta đã đạt được trong quá khứ.
Bốn năm đại học (chọn hạt giống) – 18 đến 22 tuổi
Tôi vẫn nhớ cái thời sinh viên mơ mộng, vỗ ngực tự xưng ta đây, tôi học đại học đó mấy người có biết chưa. Nhắc lại thì vẫn phì cười. Thì có ai cấm cản gì bạn đâu. Cảm giác mà mọi người trong nhà, trong xóm làng biết thằng nhỏ con bà này thi đậu đại học, cả bản thân và người thân ai nấy đều hãnh diện, tự hào, vui vẻ cả quãng thời gian khá lâu sau đó.
Bước lên cánh cổng giảng đường, cảm giác như là một vị quan đi nhậm chức. Bạn bè anh chị đi trước bảo là đại học mà, thì mày chỉ cần học đại thôi, chơi đi chứ, thi lại, học lại thì mới ra dáng sinh viên. Cũng vì những lời nói thú vị đó làm cho bản thân bám theo xu thế sinh viên phải như thế mới được gọi là sinh viên. Đi học trễ, cúp học chơi game cùng lũ bạn, nợ môn, thi lại, thiếu tín chỉ tin học và anh văn. Sau đó cũng vật vã làm đủ mọi thứ, chạy từng nơi, học từng chỗ, thế rồi cũng được tốt nghiệp như các bạn khác.
Thời đấy, sinh viên như là cái gì cao siêu, nơi mà chỉ có những bạn học giỏi mới được vào. Nhưng thời thế bây giờ xa lắm. Có cả những trường xét điểm đại học, bạn học xong phổ thông thì gần như bạn đã lên đại học mà chả cần thi cử, chả cần nỗ lực, và cũng không cần làm gì mà tự nhiên "trúng tuyển đại học".
Như thế mà ai chả nhìn quãng thời gian sinh viên như con đường tơ lụa trải đầy hoa hồng. Học hành lơ đà, thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức, học cho xong, cho hết thời gian. Thi cử thì còn không nhớ ngày, đến ngày thi thì không biết thi môn gì. Chỉ đinh ninh tao có điểm danh chưa mày, điểm danh dùm tao với, hên quá tao qua được môn với vừa tròn 5 điểm.
Vậy thì bạn bỏ bốn năm đại học ra để làm gì chi phí thời gian, phí công sức nuôi dưỡng hy vọng của gia đình. Bước đi vào đời đầu tiên bạn chưa hề gieo hạt cho bản thân thì đừng hỏi lí do vì sao cây nảy mầm, làm gì có chuyện từ trên trời rơi xuống như thế.
Nhưng nói đi thì cũng nói lại, tôi cảm thấy bây giờ quy trình đào tạo những trường đại học ở nước ta (xét theo những trường không thuộc top hay danh tiếng) thì có phần lạc hậu. Tài liệu từ những năm mà tôi còn chưa biết máy tính là gì, giảng dạy thì điểm danh nói suông cho xong nhiệm vụ để còn chạy show, chạy tiết ở những trường khác, học thì tiếp thu không vào vì kiến thức quá thô và quá cũ để gây ác cảm với sinh viên. Như vậy chẳng khác gì học phổ thông, thậm chí còn tệ hơn, ít ra phổ thông chúng ta còn được thi cử thường xuyên, kiểm tra miệng, chép phạt hay là được sự quan tâm từ giáo viên gia đình hơn.
Do cốt lõi từ hệ thống giáo dục không được sửa đổi và thay đổi theo hiện đại từ các nước bạn, do chạy theo bệnh thành tích mà trường đại học mọc lên còn nhanh hơn cả lòng người thay đổi. Tất cả quy chung lại đã cướp đi cái mà đúng ra đại học là như thế nào. Thì hỏi làm sao có thể nâng tầm đại học cao hơn phổ thông được. Tội cho mấy bạn sinh viên nhất, lỗi từ bản thân không làm chủ được bản thân nên cần học và rèn gì, lỗi từ nhà trường không quan tâm theo sát hướng dẫn.
Bốn năm sau (gieo mầm) – 22 đến 26 tuổi
Thời gian rủi ro, thất bại, gian nan, khó khăn, khổ cực, quy tụ về đây hết. Đầu tiên tạo CV tìm việc không biêt bản thân muốn làm cái gì, thích cái gì, có kiến thức về mảng nào. Có khi còn không dám ghi vào nguyện vọng được làm đúng ngành mình học ra, vì tốt nghiệp xong không biết ngành mình là cái quái gì nữa.
Chắc chắn là không có sai, khi được hỏi thì những bạn như thế đa số là muốn tìm việc văn phòng, việc nhẹ lương cao, rồi vào đó người ta đào tạo lại từ đầu rồi đi làm ổn định dần là được, vậy thì mình hỏi 4 năm đại học bạn học làm gì. Đó chỉ là nguyện vọng chứ mình chưa đề cập đến vấn đề cơ duyên may mắn trong tìm việc.
Ngày đầu tiên đi làm, hừng hực khí thế của một đứa cử nhân mới ra trường. Tuổi trẻ, nồng nhiệt, đầy năng lượng. Đi làm rồi mới thấy vất vả thế nào, và đời thì chẳng như chúng ta nghĩ. Sếp la, đồng nghiệp không ưa mình, công việc không biết gì. Làm sai việc, làm thêm giờ, đi làm thì phải đúng giờ, dù có mưa hay nắng cũng phải vác thân tới công ty. Cầu vồng làm gì còn cho bạn ngắm nữa. Đường đi còn không biết có không vì chính chúng ta bị lạc lối ngay từ những công việc đầu tiên khi đi làm.
Nhưng chả sao cả, có sức trẻ để làm gì, thôi thì mặc kệ cứ thế mà đi từ từ rồi cũng đến ngã rẻ. Có chân thì bước đi, chậm thôi cũng chả sao, sẽ tốt hơn là có chân nhưng không chịu đi thì khác nào tàn tật.
Nhưng chúng ta sẽ đi đâu, khi bản thân không có mục tiêu và đích đến. Thật sự quãng thời gian đầu đi làm sau khi tốt nghiệp nó rất kinh khủng, từ một đứa đang bay bổng tuổi trẻ đùng một cái đi làm ngày tám tiếng ở công ty, mất tự do, mất đi không gian riêng.
Đã đi làm thì dù có nắng mưa, bão bùng, bể bánh xe, kẹt xe, hay bệnh cũng mặc kệ mà cố đến được chỗ làm. Chưa kể bị la mắng từ cấp trên do làm sai việc, đồng nghiệp không giúp đỡ, bị xa lánh trong môi trường làm việc, lương thì bèo bọt. Nhìn lại chả có gì ngoài hai chữ "mệt mỏi".
Chưa kể công việc cực nhọc, khó khăn, lương thấp. Nhìn sang những đứa bạn có điều kiện hơn, vi vu khắp nơi, mua điện thoại mới, mua xe, cà phê khắp phố phường... lại thấy hụt hẫng, thất vọng về bản thân. Nhưng, so sánh cho ta thấy được cái khó mà để phấn đấu chứ không phải để tuyệt vọng.
Lao đao từ sau khi ra trường, nhảy việc mỗi năm một chỗ. Chuyên môn không có, kỹ năng không vững, thất nghiệp. Bạn rơi vào khủng hoảng, stress, lo lắng, bất lực với cuộc sống. Nhìn xung quanh đâu đâu bạn bè cùng trang lứa đều có cuộc sống theo đường lối.
Nhưng, đừng lo lắng, ai cũng có lúc thăng lúc trầm, lúc khó khăn như vậy, nhất là tuổi trẻ các bạn chỉ mới tập đi, tập đếm trên con đường sự nghiệp thì chả có gì phải lo lắng cả. Có cơn mưa nào mà không dứt, ban đêm rồi sẽ đến ban ngày, nước chảy đá còn mòn, thì hỏi tại sao chúng ta lại phải từ bỏ?
Có những trẻ em mồ côi không cha mẹ, những cụ ông, cụ bà lớn tuổi phải cúi thấp người đi bán vé số. Những người phải mưu sinh bằng một cơ thể không hề lành lặn, hoặc không hề có gia đình nương tựa phía sao. Họ, còn có thể tự vượt lên cả nghịch cảnh, còn bạn thì chỉ có té một tí đã muốn buông bỏ.
Muốn biết bản thân có thua người ta hay không thì hãy hành động đi, nhưng hãy hành động một cách khôn khoan, hành động vì mục tiêu đề ra. Cái sai là chỉ biết hành động mà không có đích đến, nó sẽ khiến bạn lún càng sâu hơn vào bóng tối.
Thất bại ở tuổi này chả có gì to tát cả. Chỉ là bạn bị đau hơn bình thường một tí, chưa cần quá khái niệm thành công ở cái tuổi cần sự xông pha này. Chỉ vì bạn ảo tưởng về bản thân từ giai đoạn còn ngồi trên giảng đường nên đừng sợ sai, đừng sợ lạc lối, cứ đi đi rồi sẽ đến nơi cần đến.
4 năm chạy nước rút (đâm chồi và phát triển) – 26 đến 30 tuổi
Nếu giai đoạn gieo mầm bạn bị lạc lối, bạn gieo sai phương pháp, hoặc bạn chọn không đúng giống mình cần thì đừng ngại mà bắt đầu lại. Hãy vì bản thân mà đứng dậy vẽ lại con đường mới mà đi. Không ai bắt bạn phải theo con đường đã chọn, cho nên nếu lỡ trước kia bạn làm không đúng việc, chọn sai nghề, học sai ngành, làm trái sở thích, thì cứ hãy thử bắt đầu lại xem thế nào. Có thể tốt hơn và có thể tệ hơn, nhưng nó sẽ mang đến cho bạn niềm tin về một chặng đường mới, vẫn tốt hơn là bạn cứ mặc cảm với cuộc sống này.
Xóa đi quá khứ, copy hiện tại để chèn nó vào tương lai.
Có những bạn gieo được những mầm giống tốt thì giai đoạn này đúng là phát triển hơn. Còn những bạn gieo không được giống tốt thì hãy gieo lại lần nữa. Chậm hơn người một tí còn hơn là mất tất cả.
Thành công, ổn định, đột phá, thất bại hay vấp ngã, đều là gia vị cho cuộc sống đỡ nhạt nhẽo hơn. Tuổi này bạn chưa có được công việc yêu thích, lương còn thấp, kiến thức còn hạn chế thì hãy lập ra kế hoạch rèn luyện từng chút một. Nhớ là phải tự rèn luyện và học hỏi, chứ không phải từ một người bình thường ngủ một giấc dậy trở thành siêu nhân, nếu bạn chỉ suy nghĩ thật nhiều mà không hề hành động.
Mỗi cá nhân có hoàn cảnh, khả năng đều khác nhau, không thể so bì thành công người này làm thước đo thành công cho người khác. Thành công của bạn có thể đến sớm hay đến muộn, không ai giống ai.
Có những người đàn ông thành công ở tuổi 30, có những người tuổi 40, thậm chí có những người ngoài 50 tuổi mới thành công. Không chỉ vậy, quan điểm về thành công cũng khác. Có người muốn bình yên cuộc sống, công việc ổn định, gia đình hạnh phúc, là thành công. Có người muốn được giàu có, muốn thành ông này bà kia, thì mới thành công. Có người chỉ cần được sống là thành công.
Giai đoạn này có thể sẽ quyết định cả cuộc đời về sau của bạn.
Nếu lỡ mình ham chơi trước kia, nếu lỡ mất tất cả trước kia, nếu lỡ không có gì ngoài hai bàn tay trắng, cũng đừng sợ mà bắt đầu lại.
Theo Vnexpress