Cơn sốt bánh mì dân tổ đã bay thẳng từ Hà Nội vào Sài Gòn và liên tục “gây bão” những ngày vừa qua. Liệu ổ bánh mì cực hot này có làm hài lòng các thực khách khó tính miền Nam hay chỉ là sự “bắt chước” nửa vời?
Không chỉ mang một cái tên rất lạ, bánh mì dân tổ còn gây xôn xao cộng đồng mạng thời gian gần đây bởi khung cảnh dòng người xếp hàng dài cả cây số lúc 3h sáng tại góc đường Cao Thắng - Trần Nhật Duật (Hà Nội) để chờ mua mang về. Những tưởng chỉ xuất hiện tại Hà Nội, thông tin bánh mì dân tổ đình đám chính thức "cập bến" Sài Gòn gần 1 tuần nay nhanh chóng khiến giới trẻ thành phố đứng ngồi không yên.
Ngoài thủ đô "gây bão" là thế, chẳng biết sức hút của món ăn này ở Sài Gòn sẽ như thế nào? Liệu là sự mày mò, đầu tư có tâm huyết hay lại học theo "nửa vời" để chạy theo hiệu ứng đám đông? Mang trong mình sự tò mò không hề nhẹ, tôi quyết truy tìm cho bằng được địa chỉ quán ngay giữa lòng quận 1 để trải nghiệm.
"NAO - Ăn uống ngay nào" chính là tọa độ duy nhất tại Sài Gòn hiện đang bán món bánh mì dân tổ "gây bão" này.
Định vị chính xác tọa độ bán bánh mì dân tổ Sài Gòn
"Nao - Ăn uống ngay nào" chính là quán các bạn cần tìm đến nếu muốn thưởng thức món ăn độc lạ này ở Sài Gòn. Mở cửa đã hơn 1 năm nay và chuyên bán các món ăn vặt miền Bắc tại Sài Gòn, quán hiện có 2 chi nhánh nằm ở quận 1 và quận Tân Bình, cũng là 2 tọa độ đầu tiên tại đây phục vụ loại bánh mì cực hot này.
Chi nhánh quận 1 có địa chỉ chính xác là TK15/43 đường Nguyễn Cảnh Chân, phường Cầu Kho. Tuy nhiên, nhiều người từng đến đây cho biết quán khá khó tìm. Nếu đi từ đầu đường Trần Hưng Đạo, bạn rẽ phải vào Nguyễn Cảnh Chân, tiếp tục tìm hẻm TK15 bên tay phải (có bảng quán bánh canh ghẹ rất lớn trước hẻm), sau đó chạy tới cuối là thấy quán. Còn nếu tin vào "chị Google Maps" thì bạn cứ gõ từ "NAO" vào ô tìm kiếm và đi theo.
Bánh mì dân tổ Sài Gòn có gì khác biệt so với phiên bản gốc?
Nếu như hàng bánh mì dân tổ ở thủ đô Hà Nội gây sốt bởi một chiếc xe rất nhỏ đứng trên vỉa hè và chỉ thường bán vào khoảng 3h - 7h sáng, thì tại Sài Gòn lại hoàn toàn ngược lại. Quán NAO mở bán trong một con hẻm nhỏ từ 7h sáng đến tận chiều tối. Khách đến đây đa phần đều mua mang đi, ai muốn ăn tại chỗ vẫn có thể ngồi bàn ghế được quán xếp xung quanh chỗ bán.
Khác với hình ảnh phải xếp hàng dài chờ đợi lúc nửa đêm ở Hà Nội, quán bánh mì dân tổ Sài Gòn có bàn ghế cho khách ngồi thưởng thức tại chỗ.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân đến đây chính là cô chủ tên Nao rất vui tính và hiếu khách. "Phỏng vấn thôi chứ đừng có quay cô lên nha, mấy bạn trên mạng cứ tưởng cô trẻ trung lắm, chứ ai ngờ giờ cũng U50 rồi!" – cô phản ứng khi được tôi giới thiệu sẽ review về món bánh mì dân tổ của quán.
Khi được hỏi về mục đích đưa món ăn này đến gần hơn với người Sài Gòn, cô chủ chia sẻ: "Nhiều bạn bảo tôi bắt chước món của Hà Nội, nhưng sự thật không phải. Được gọi là bánh mì dân tổ vì ban đầu chủ yếu phục vụ các thanh niên đi chơi về khuya hoặc những người làm nghề bán buôn thường phải thức khuya dậy sớm. Tuy nhiên, thực chất món ăn này đã xuất hiện rất lâu, và từ nhỏ thì tôi vẫn thường được gia đình chiêu đãi món bánh mì với loại nhân "hỗn tạp" này. Vì là người Bắc lại thường xuyên ăn nên tôi rất tự tin vào hương vị mình mang đến!".
Theo cô Nao chủ quán, món bánh mì này đã xuất hiện từ rất lâu trong các gia đình miền Bắc. Cái tên "dân tổ" nổi lên như một hiện tượng là nhờ xe bánh mì nổi tiếng chuyên bán vào lúc nửa đêm cho người dân Hà Nội.
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất so với phiên bản gốc chính là việc quán cô Nao sử dụng một chiếc nồi để xào nhân thay vì chảo nhỏ như ngoài Hà Nội. Mỗi lượt xào nhân mất khoảng hơn 20 phút, đủ làm ra 40 – 45 chiếc bánh mì một lần, còn nếu là chảo nhỏ thì chỉ bán được khoảng 10 - 15 ổ. Bánh mì ở đây cũng chỉ có 1 size duy nhất đồng giá 28k chứ không chia thành 3 mức khác nhau như tại Hà Nội.
Quán bánh mì dân tổ Sài Gòn không xào nhân trong chảo nhỏ như xe bán ở Hà Nội mà sử dụng một chiếc nồi "siêu to khổng lồ" như thế này đây!
Cô Nao cho biết bánh mì dân tổ Sài Gòn gần như vẫn giữ nguyên các thành phần và công thức của phiên bản gốc. Toàn bộ 8 nguyên liệu để làm nên phần nhân được cho lần lượt vào một chiếc nồi lớn, bao gồm: Hành tây, bơ, trứng, pate, chả lụa, xúc xích, lạp xưởng, khô bò. Sau đó tất cả xào lên cùng nhau cho đến khi đặc sệt lại theo đúng yêu cầu, rồi nhồi vào ổ bánh mì với dưa leo và ngò rí ăn kèm.
Ổ bánh mì được lấp đầy với lớp nhân hoà quyện và đặc sệt sau khi được xào xong. Chính nguyên liệu này giúp món bánh mì dân tổ trở nên đặc biệt hơn so với các loại bánh mì bình thường khác.
Trong cuộc trò chuyện, cô chủ quán liên tục nhấn mạnh về nguồn gốc và độ an toàn của các nguyên liệu: "Tôi luôn đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. Những nguồn thành phần trong hỗn hợp nhân toàn là thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng như bơ, xúc xích và chả lụa, lạp xưởng đều mua của thương hiệu nổi tiếng, riêng pate và khô bò là tự tay quán chế biến chứ không mua bên ngoài!".
Những nguyên liệu làm nên phần nhân của món bánh mì dân tổ Sài Gòn vẫn tương tự phiên bản gốc, được cô chủ quả quyết về chất lượng. Trong đó, phần pate và khô bò là tự quán chế biến chứ không mua bên ngoài.
Điểm khác biệt rất lớn tiếp theo của bánh mì dân tổ Sài Gòn chính là việc ổ bánh sau khi lấp đầy phần nhân sẽ được mang đi nướng trong lò vi sóng trước khi đến tay thực khách. Chính điều này khiến ổ bánh mì giòn hơn, không dễ mềm bởi lớp nhân đặc sệt bên trong. Thậm chí, cầm ổ bánh mì trên tay sau khoảng 15 phút chụp ảnh, khi cắn vào miệng tôi vẫn cảm nhận được độ giòn tan của nó.
Khác với Hà Nội, ổ bánh ở Sài Gòn được quán mang đi nướng để giúp lớp vỏ giòn hơn, không làm mềm ổ bánh mì và gây cảm giác ngấy cho khách khi ăn.
Thoạt nhìn hỗn hợp nhân của loại bánh mì độc đáo này, trong đầu tôi nảy lên ý nghĩ nó sẽ rất ngấy và ngọt. Nhưng khi cắn miếng bánh mì đầu tiên ngập vào miệng, tôi phải suy nghĩ lại ngay. Vị béo thơm của lớp sốt bơ - trứng - pate, cái giòn giòn của hành tây và dưa leo, độ dai của xúc xích, chả lụa và một tí cay nồng của khô bò. Tất cả mùi vị như hòa quyện trong miệng. Riêng tôi phải xin cô chủ thêm tí ớt tươi cắt lát thì ổ bánh mì mới "hoàn hảo"!
Tất cả các nguyên liệu trong phần nhân khá hòa quyện với nhau, không tạo cảm giác quá ngấy hay quá ngọt khi thưởng thức.
Lớp vỏ giòn tan bên ngoài của ổ bánh mì sau khi nướng chín chính là "cứu tinh" giúp phiên bản của Sài Gòn không bị mềm và ngán khi ăn.
Bánh mì dân tổ Sài Gòn liệu "có cửa" để so với bản gốc?
Dù chỉ mới "chào sân" Sài Gòn được hơn 1 tuần nay, nhưng món bánh mì dân tổ của quán "NAO – Ăn uống ngay nào" nhanh chóng nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng. Cô chủ cho biết quán chủ yếu chỉ bán online và mua mang về, những thực khách ghé đến đa phần đều vì tò mò muốn thử món lạ xem có ngon như lời đồn. Đặc biệt, hầu như ngày nào cũng có một vài food blogger hay YouTuber tìm đến đây để quay clip review.
Từ ngày ra mắt món bánh mì dân tổ này, cô chủ chia sẻ lượng khách có tăng cao nhưng vẫn chưa "soán ngôi" được dừa dầm Hải Phòng vốn là "đặc sản" của quán. Trung bình một ngày, quán NAO bán được từ 500 - 700 ổ bánh mì dân tổ. Bà chủ cũng cho biết khách không phải chờ đợi quá lâu hay xếp hàng dài cả cây số như ngoài Hà Nội vì một lúc quán có thể xào nhiều nồi nhân liên tiếp.
Từ ngày ra mắt, tiệm bánh mì dân tổ của cô Nao ngày càng đắt khách. Đa số mọi người đều tìm đến vì tò mò với món ăn độc lạ từ Hà Nội.
Khi được hỏi có muốn đổi mới thêm thành phần nguyên liệu để món bánh mì dân tổ Sài Gòn có sự độc đáo hơn và khỏi bị so sánh với phiên bản gốc, cô chủ cho biết trong tương lai sẽ tiếp tục mày mò và "tung" ra thị trường sau. Còn trước mắt vẫn muốn góp phần lan tỏa thức quà thủ đô độc đáo này cho những ai chưa có cơ hội trải nghiệm.
Nếu như một ổ bánh mì dân tổ với size lớn nhất ngoài Hà Nội được bán với giá 25k, thì con số 28k của quán được cô chủ khẳng định từng bị rất nhiều người chê mắc. "Dù bị rất nhiều người cho là đắt đỏ, nhưng tôi vẫn thấy bình thường vì "tiền nào của đó". Các bạn nhận lại một ổ bánh mì rất xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra. Thử tưởng tượng một ổ bánh mì trứng ốp la bán ngoài đường hiện tại đã 15k, huống chi là bánh mì với lớp nhân đủ thứ nguyên liệu này." – cô chủ bộc bạch.
Mức giá 28k cho một ổ bánh mì ở đây vẫn bị nhiều người chê là đắt đỏ. Tuy nhiên, "tiền nào của đó", ăn ổ bánh mì 28k thì rất đáng với đồng tiền mà mình bỏ ra theo như lời cô chủ bộc bạch.
Dạo quanh một vòng để phỏng vấn một vài thực khách đang trải nghiệm tại bàn, cảm nhận của phần lớn mọi người đều cho rằng chiếc bánh mì này lạ miệng, ăn ngon nhưng sẽ không mua thường xuyên. Anh Nguyễn Quang Vũ (29 tuổi) chia sẻ, vì bánh mì giòn nên "cứu" được cả phần nhân tổng thể, nếu không giòn thì sẽ rất mềm và bị ngấy. Anh Trương Vĩnh Phước (24 tuổi) lại cho rằng nếu nói về độ "độc quyền" ở Sài Gòn hiện tại thì mức giá 28k của món này là hợp lý.
Ngồi chung bàn với chúng tôi, anh Khoa Đỗ và chị Trang Trần cho biết mình mới từ California (Mỹ) trở về nước. Nghe tin có món bánh mì lạ nên quyết định tìm đến đây ăn thử. Anh Phước cho biết mình là một tín đồ của món bánh mì bên Mỹ, nhưng phần nhân được nhét bên trong thường quá lớn (bằng chiều dài ổ bánh mì), gây khó khăn khi cắn và nhai. Chính vì lý do đó, lớp nhân với "tá lả thứ" ở đây rất phù hợp với anh, chỉ cần cắn vào một miếng là ngập mồm đủ loại nguyên liệu thơm ngon.
Có thực khách còn dùng đến 5-6 ổ bánh mì liên tiếp. Đa số mọi người đều cho rằng món bánh mì dân tổ này rất đáng thử qua. Tuy nhiên, có ghé đến những lần sau hay không thì còn tùy vào cảm nhận của mỗi người.
Với sự xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội, quán bánh mì dân tổ này chắc chắn sẽ còn "gây bão" bản đồ ẩm thực Sài Gòn trong một khoảng thời gian nữa. Nếu bạn muốn biết đồng tiền mình bỏ ra xứng đáng hay không, cứ tìm đến quán và cảm nhận nhé!
Bánh mì dân tổ Sài Gòn:
- Địa chỉ: Quán "NAO - Ăn uống ngay nào"
+ Chi nhánh 1: TK15/43 Nguyễn Cảnh Chân, quận 1, TPHCM.
+ Chi nhánh 2: 42/16 Nguyễn Đình Khơi, phường 4, quận Tân Bình, TPHCM.
- Giờ mở cửa: 7h - 19h (chi nhánh 1) và 7h – 21h (chi nhánh 2).
- Mức giá: 28k/ổ.
Theo Nhịp sống Việt/Kênh 14