Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Rich kid chi tiền khủng để học làm 'người có ích'

01/08/2019 15:47

Định kiến về những đứa trẻ "sinh ra đã ngậm thìa vàng" chỉ biết lười biếng và vung tiền tận hưởng dần thay đổi khi thế hệ thừa kế tương lai đang nỗ lực đóng góp cho cộng đồng.
Một buổi sáng tháng 10, trong khuôn viên trường đại học Harvard (Masschusetts, Mỹ), một nhóm sinh viên đến từ các nước khác nhau đang trên đường tiến vào lớp học.

Tất cả ở độ tuổi còn rất trẻ, có hoài bão riêng và họ đều đến từ những gia đình “giàu nứt đố đổ vách”.

Họ cùng tham dự một khóa học có tên gọi “Đầu tư cho thế hệ tiếp theo” do đại học Harvard, đại học Zurich (Thụy Sĩ) kết hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức.

Thực chất, “thế hệ tiếp theo” chính là những cậu ấm, cô chiêu từ những gia đình giàu có. Trong tương lai, họ sẽ thừa kế số gia sản kếch xù do cha mẹ để lại.

Những rich kid muốn tham gia khóa học phải vượt qua vòng phỏng vấn trước khi trả số tiền lên tới 12.000 USD cho mỗi tuần học tại Mỹ và Thụy Sĩ, chưa bao gồm phí máy bay đi lại.

Học phí cho một khóa học chuyên sâu hơn lên tới gần 60.000 USD.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên tờ Bloomberg, đề cập đến câu chuyện thế hệ con cái từ những gia đình siêu giàu trên thế giới chi số tiền khủng để học cách trở thành người có đóng góp và sức ảnh hưởng lên cộng đồng, xóa đi định kiến rich kid chỉ biết "đốt tiền", hưởng thụ.

Học làm người có ích

Chương trình học cho các rich kid này hầu như không được quảng cáo kể từ khi bắt đầu tổ chức vào năm 2015. Khóa học được biết đến do các gia đình thượng lưu cùng tầng lớp quý tộc lâu đời tại Châu Âu truyền miệng.

Các cựu sinh viên nổi tiếng của khóa học có thể kể đến như Chung Kyungsun - cháu trai của người sáng lập tập đoàn Hyundai và Antonis Schwarz - người thừa hưởng khối tài sản khổng lồ trị giá 5 tỷ USD khi mới 16 tuổi.

Những người được sinh ra trong nhung lụa này đang tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để thuyết phục gia đình chú trọng hơn vào việc giúp đỡ cộng đồng.

“Khóa học khiến thế hệ thừa kế từ các gia đình giàu có nhất thế giới có mặt tại cùng một chỗ để nói về ảnh hưởng của việc đầu tư an sinh xã hội. Những chương trình học như này khá ít ỏi” - Schwarz, người hiện giờ đã 30 tuổi và là người sáng lập một tổ chức chuyên hỗ trợ các phong trào và các nhà hoạt động xã hội - cho biết.

Thế hệ thừa kế khối tài sản kếch xù trong tương lai đang nỗ lực sử dụng nguồn tài chính dồi dào để giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Ảnh: Pinterest.

“Mọi người bắt đầu khóa học với kiến thức ít ỏi về những tác động, ảnh hưởng và họ bước ra đầy tự tin, sẵn sàng tạo ảnh hưởng tốt đến cộng đồng” - Schwarz cho hay.

Trong tuần đầu theo học, các rich kid có hơn 40 giờ làm việc nhóm và cá nhân. Họ cùng học cách thực hiện các giao dịch, tiến hành thẩm định và đánh giá các tác động xã hội cũng như tài chính của một khoản đầu tư. Họ cũng được dạy các kỹ năng mềm: cách thuyết phục gia đình và mọi người ủng hộ ý tưởng của họ.

“Khi mọi người thấy ai cũng đều chung tay thay đổi thế giới theo cách tốt đẹp hơn, tôi tin rằng đó sẽ trở thành hình mẫu cho các thế hệ sau noi theo” - chuyên gia Cheng Ming Zhe, người từng tham gia khóa học ở Harvard cho hay.

Gia đình ông Cheng cũng sở hữu một đế chế kinh doanh nổi tiếng và đang dần chú trọng hơn vào các khoản đóng góp xã hội.

Áp lực vì sinh ra "đã ngậm thìa vàng"

Sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của những cậu ấm, cô chiêu diễn ra trong bối cảnh áp lực gia tăng đối với những công dân giàu có nhất thế giới. Chênh lệch giàu nghèo khiến càng nhiều phong trào phản đối sự thiếu công bằng nổ ra.

Châu Á là một ví dụ điển hình cho cả những thách thức và tiềm năng mà những người thừa kế trẻ đang phải đối mặt. Ở Hàn Quốc, các tập đoàn gia đình lớn đều phải hứng chịu những lời đổ lỗi, oán trách từ người dân.

Trong khi khu vực này đang nắm 1/3 tài sản toàn cầu, phần đầu tư cho an sinh xã hội lại nhỏ hơn rất nhiều. Các công ty gia đình quyên góp ít hơn 80% cho các hoạt động từ thiện so với các gia đình thượng lưu ở châu Âu và châu Mỹ, theo Abhilash Mudaliar - Giám đốc nghiên cứu của mạng lưới đầu tư tác động toàn cầu.

Những người thừa kế như Chung Kyungsun đang cố gắng thay đổi điều đó.


Chung Kyungson - người quyết tâm làm trái lời cha mẹ để theo học khóa học giúp anh tạo được đóng góp tốt cho cộng đồng. Ảnh: Bloomberg.
Chung sống nội tâm. Thời đi học tại trường nam sinh, Chung bị bạn học bắt nạt vì yêu thích đọc sách và chơi trò chơi điện tử. Anh cũng ít quan tâm đến công việc kinh doanh của gia đình.

Càng học nhiều, anh càng cảm thấy sự bất công sâu sắc giữa người giàu và người nghèo, khi mà rất nhiều người còn không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản.

“Tôi không muốn nói rằng tôi hay gia đình phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này. Tôi sinh ra đã may mắn hơn rất nhiều người, vậy nên tôi thấy mình cần làm gì đó để phần nào thay đổi tình hình” - Chung cho hay.

Công việc ban đầu tại quỹ từ thiện của gia đình Chung đem lại cho anh nhiều bài học, song cũng đi kèm với nhiều kỳ vọng và hạn chế riêng do cha mẹ ép buộc. Bất chấp sự phản đối của phụ huynh, Chung quyết tâm đi theo mong muốn của bản thân.

Anh đăng ký khóa học dành cho con nhà giàu tại Harvard, sau đó đứng ra xây dựng các không gian làm việc chung, tạo điều kiện cho các dự án xã hội, cung cấp tài chính cho các chương trình nhà ở và môi trường dành cho trẻ em, phụ nữ và người dân sống trong nghèo đói.

“Đặc biệt tại Châu Á, cha mẹ hiếm khi cho con cái tự do làm những điều mình yêu thích. Ngay cả những đứa trẻ nhà giàu cũng cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng vì bị kìm kẹp” - Chung đánh giá.

Công việc đầu tư an sinh xã hội của Chung dần đem lại kết quả tốt đẹp, cha anh nhờ đó cũng thay đổi suy nghĩ. Hiện tại, ông đang tìm cách quyên góp nhiều hơn số tiền của gia đình.

Niềm tin thay đổi thế giới

“Những người có tầm nhìn và tiềm năng tài chính như Chung đóng vai trò quan trọng với các công việc phục vụ xã hội, cộng đồng. Thách thức đặt lên vai một mình chính phủ là quá lớn, do vậy rất cần thêm sự trợ giúp của các cá nhân” - James Gifford, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại một tập đoàn và đồng sáng lập khóa học ở Harvard, cho biết.

Gifford cho biết làm việc với thế hệ thừa kế mới rất quan trọng vì những người trẻ tuổi có khả năng thích nghi với nhu cầu thay đổi xã hội và môi trường.

Trong khi số đông vẫn lưu giữ định kiến về những đứa trẻ giàu chỉ biết du lịch trên những du thuyền hạng sang, tay cầm cốc rượu sâm banh sang chảnh, vẫn có nhiều người trong số họ đang phấn đấu để đem lại sự thay đổi tích cực.


Trái với hình ảnh các tiểu thư, công tử chỉ biết ăn chơi xa hoa, một bộ phận các rich kid đang nỗ lực giảm thiểu bất công trong xã hội. Ảnh: Next Shark.
Các sinh viên tham dự khóa học dành cho con nhà giàu tại Harvard chỉ là một phần nhỏ trong số những con người “sinh ra đã ngậm thìa vàng” bị thu hút bởi ý tưởng xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Gần 90% những người thừa kế được hỏi cho biết họ quan tâm đến việc đóng góp cho cộng đồng, theo khảo sát của Young Investors Organization.

“Các gia đình truyền thống tại Châu Á vẫn còn khá bảo thủ. Phần lớn họ đều dành nhiều thời gian để cân nhắc được mất khi chi tiền. Chính vì vậy nên tôi và những người bạn cùng chung chí hướng khác càng quyết tâm thể hiện bản lĩnh, chứng minh cho cha mẹ thấy chúng tôi thực sự nghiêm túc với công việc của mình”,Rebekah Lin, một rich kid người Singapore, chia sẻ.

Tất nhiên, không thể đảm bảo chắc chắn những buổi tiệc tùng xa hoa, các bộ cánh đắt tiền không còn hấp dẫn trong mắt các cậu ấm, cô chiêu. Việc đầu tư, đóng góp cho xã hội luôn ẩn chứa nhiều khó khăn và sự nhiệt huyết hoàn toàn có thể biến mất khi công việc không thuận lợi.

Nhưng hiện tại, khóa học như tại Harvard đang dần chứng minh giá trị khi các sinh viên tốt nghiệp có cùng lý tưởng đang tụ họp nhau lại, bắt tay hợp tác với niềm tin họ có thể thay đổi thế giới theo cách tốt đẹp hơn.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết "Rich kid chi tiền khủng để học làm 'người có ích'" tại chuyên mục Phong cách.