Sai lầm 'tán gia bại sản' của nhà đầu tư chứng khoán F0

17/12/2021 09:36

Mua cổ phiếu vì được "phím", mua vào các mã tăng nóng, không quan tâm đến những yếu tố cơ bản cơ bản của doanh nghiệp... là những sai lầm khiến các nhà đầu tư F0 'ngậm trái đắng'.

ban-sao-sai-lam-cua-cac-nha-dau-tu-f0-1639708376.png
Tâm lý đầu cơ khiến các nhà đầu tư F0 quên đi việc lập ra chiến lược lâu dài

Dòng tiền nhàn rỗi từ các nhà đầu tư cá nhân vẫn cuồn cuộn chảy vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.

Số tài khoản chứng khoán mở mới tháng sau tăng cao hơn tháng trước và trong 11 tháng đầu năm nay, số lượng tài khoản mở mới đã lớn hơn tổng số tài khoản mới trong bốn năm trước cộng lại, và lên tới 1,3 triệu tài khoản.

Dòng tiền F0 sẽ còn tăng

Theo ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Công ty chứng khoán KB Việt Nam, những tài khoản mở mới này thường được gọi là những nhà đầu tư F0 và họ có thể chia làm hai trường phái.

Thứ nhất là những người lần đầu tham gia thị trường chứng khoán và trường phái này chiếm đa số.

Thứ hai là những người đã từng thất bại ở đỉnh chứng khoán giai đoạn 2006 - 2007, những ký ức xấu khiến họ hàng chục năm không tham gia thị trường và gần đây mới quay trở lại.

Theo ông Nhân, trong suốt hai năm qua, nhà đầu tư mới tham gia tăng mạnh và xu hướng này ngày càng mạnh hơn do các kênh đầu tư khác bế tắc. Họ tìm đến kênh chứng khoán, nơi có tốc độ thanh khoản tốt. Giá trị tài khoản đủ loại, từ 5-10 triệu đến 5-10 tỷ đồng.

"Sức nóng nhà đầu tư cá nhân tham gia ngày càng lớn hơn chứ không đạt đỉnh trong ngắn hạn. Đây là xu thế chung trên thế giới, chứ không chỉ diễn ra riêng tại Việt Nam", ông Nhân khẳng định.

nguyen-duc-nhan-kb-1639708376.jpeg
Ông Nguyễn Đức Nhân: Nhà đầu tư F0 mong có kênh đầu tư lãi nhanh, tăng giá mạnh và chấp nhận phiêu lưu

Thực tế, tại Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), các nhà đầu tư cá nhân cũng đóng góp lần lượt 75% và 70% giá trị giao dịch toàn thị trường. Hay như tại thị trường Mỹ, các nhà đầu tư F0 đã giúp chỉ số S&P tăng 83% so với mức đáy hồi đại dịch Covid-19 mới diễn ra.

Theo công ty nghiên cứu Vanda Track  ở Mỹ, nhóm nhà đầu tư cá nhân không ngừng mua vào trong 12 tháng qua ngay cả khi nhà đầu tư chuyên nghiệp né tránh những rủi ro và đặt cược vào những cổ phiếu được hưởng lợi nhiều nhất khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Lượng tiền mà các F0 đổ vào thị trường chứng khoán Mỹ khoảng 1,2 tỷ USD/ngày.

E*Trade Financial cho biết, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đang tăng lên, hiện đã cao hơn mức trước đại dịch ở mức 61%.Sự lạc quan được thúc đẩy khi thị trường chạm mức cao nhất mọi thời đại, việc triển khai vaccine được mở rộng, các biện pháp kích cầu tiếp tục được đưa ra và ước tính lợi nhuận tăng cao.

“Tại Việt Nam, gói kích cầu lên tới 800.000 tỷ đồng đổ vào nền kinh tế cũng đang được các bộ ngành đề xuất. Đây là gói hỗ trợ được xem là lớn nhất chưa từng có trong tiền lệ. Cùng với đó là những tác động tích cực từ những yếu tố ngoại vi, chắc chắn trong thời gian tới dòng tiền F0 sẽ còn đổ mạnh vào thị trường chứng khoán”, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam nhận định.

Đầu tư theo trào lưu

Không thể phủ nhận, việc tham gia của các nhà đầu tư F0 không những giải quyết được các vấn đề về quy mô mà còn gia tăng được chất lượng của thị trường, dễ dàng thu hút các doanh nghiệp có động lực đại chúng và niêm yết. Từ đó, khả năng thị trường chứng khoán sẽ dễ dàng trong việc nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi.

Theo ông Nhân, đặc điểm chung của đa phần nhà đầu tư F0 đều chưa bao giờ đầu tư, không có ký ức xấu và dám chấp nhận thử thách. Họ mong có kênh đầu tư lãi nhanh, tăng giá mạnh, đa phần đến với thị trường với mong muốn lúc đầu là cao hơn tiết kiệm, nhưng sau 2-3 tháng tâm lý thay đổi và chấp nhận phiêu lưu.

Thế nhưng, do thiếu kinh nghiệm, kiến thức, hầu hết nhà đầu tư cá nhân thường chỉ mua bán cổ phiếu theo tin đồn, theo lời mách bảo của bạn bè, nhân viên môi giới và các các chuyên gia trên mạng xã hội mà không cần quan tâm đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, bỏ qua những phân tích kỹ thuật và cơ bản.

Chưa bao giờ các "room phím hàng" lại xuất hiện nhiều như giai đoạn hiện nay xuất hiện tại tất các các nền tảng facebook, zalo, telegram... Để thu hút nhà đầu tư, những người thành lập "room" tích cực tung ra những lời chào mời ngọt ngào như "mua cổ phiếu X giá Y là món quà của thượng đế", "cổ phiếu K sẽ x2,x3 chỉ trong 1 tháng tới", "người nhà tôi là lãnh đạo của doanh nghiệp A phím mua vào cổ phiếu đảm bảo ăn bằng lần"...

Trước những lời chào mời đầy cám dỗ, các thành viên tham gia nhóm đều sẽ đồng loạt mua vào bởi tin rằng những "tư lệnh", "chủ room" này đang có "thông tin mật", "mua là sẽ thắng".

Cơ sở để các nhà đầu tư đặt niềm tin như vậy là do hầu hết các cổ phiếu được "phím" trên "room" đều trên đà tăng nóng bằng lần. Thế nhưng, ngay sau đó giá cũng giảm như rơi xuống vực sâu.

Điển hình như câu chuyện về "bộ tứ" IDI của CTCP Đầu tư đa quốc gia I.D.I, SDA của CTCP Simco Sông Đà, TNI của CTCP Tập đoàn Thành Nam, SJF của CTCP Đầu tưu Sao Thái Dương thời gian gần đây. Ngay sau khi "lên đỉnh" đà giảm sàn la liệt, không có thanh khoản, không những vậy, những nhóm phím hàng cũng lần lượt được xoá bởi những người lập khiến nhà đầu tư chỉ biết "kêu trời", thậm chí có người mất ăn, mất ngủ, nhập viện vì "quá sốc".

Thời gian qua, làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán đã lấn át hoàn toàn những nhóm nhà đầu tư khác. Phần lớn họ đều chưa có nhiều kiến thức, thậm chí là không có kiến thức đầu tư chứng khoán nhưng may mắn tham gia lúc thị trường đang thăng hoa nên cứ mua là thắng, họ chưa cảm nhận được nỗi đau thua lỗ nên khi có bất cứ ai giới thiệu mã nào có lãi thì họ đều tin tưởng.

“Điều gì sẽ xảy ra khi con tàu hết nhiên liệu trong chuyến hành trình đến mặt trăng?”

Đây là câu hỏi mà Max Gokhman – trưởng bộ phận phân bổ tài sản tại Pacific Life Fund Advisors đã đặt ra trước sự hưng phấn, đầu tư bất chấp của các nhà đầu tư F0 trên toàn cầu. “Rất nhiều nhà đầu tư có thể sẽ nhận ra rằng họ đã trả mức giá quá cao cho những món đồ kém chất lượng."

"Tâm lý đầu cơ "đánh nhanh, thắng nhanh" khiến nhà đầu tư F0 nôn nóng, quên đi việc lập ra chiến lược lâu dài. Đây là tâm lý phổ biến của người mới chơi chứng khoán nhưng dễ dẫn đến nhiều quyết định sai lầm như đánh đu theo những mã cổ phiếu đầu cơ, tăng nóng, rủi ro cao, hoặc mua theo lời tư vấn mà không thật sự hiểu về doanh nghiệp và tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp đó", ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam, nhận xét.

Cũng theo ông Long, thị trường chứng khoán vẫn đầy hứa hẹn nhưng kiếm tiền trên thị trường chứng khoán không hề dễ dàng. Việc nhà đầu tư mong kiếm lời vài chục phần trăm hay nhân đôi, nhân ba tài khoản trong thời gian ngắn là điều không thể.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam nhận xét, dòng vốn F0 đã được thử lửa tại một vài đợt sụt giảm (tháng 7/2020, tháng 1, tháng 6, tháng 1/2021) và đều cho ra một kết quả chung là “hoảng loạn”, “bán tháo”. Hệ quả là tài khoản bị “bay hơi” hết thành quả tích lũy được của suốt một giai đoạn dài, hoặc thậm chí còn bị âm nặng vào vốn.

Bên cạnh đó, ở góc độ quan sát toàn cầu thì trường hợp của Gamestop cũng là một câu chuyện thú vị và cho thấy sự “non nớt” cũng như tính bầy đàn của F0 không phải bao giờ cũng mang lại hiệu quả đầu tư tốt. Từ góc độ này có thể thấy nhà đầu tư F0 còn cần nhiều thời gian tích lũy kinh nghiệm và hình thành chiến lược đầu tư hợp lý.

Theo Tuệ Minh/The Leader