Từ những mâu thuẫn nội tại
Anh Nguyễn Văn Hiển, một môi giới bất động sản chia sẻ: “Hiện tại, nghề môi giới ở Việt Nam chưa được nhìn nhận đúng mức và tích cực. Chưa nói đến cả cộng đồng, mà bản thân nhiều khách hàng có người am hiểu nhất định về lĩnh vực bất động sản cũng vẫn có cái nhìn phiến diện, chỉ coi môi giới như cò đất, cò nhà không hơn, không kém”.
Thời gian qua, làng môi giới chứng kiến không ít vụ việc xì xèo giữa môi giới và khách hàng. Lần thì là khách hàng tố môi giới không giữ lời hứa trích lại tiền hoa hồng (lên đến vài chục triệu khi mua căn hộ), lần thì môi giới đăng đàn tố khách hàng bẻ kèo, lợi dụng môi giới để trục lợi…
“Cơ bản, nhiều khách hàng muốn dùng dịch vụ nhưng lại không muốn trả phí hoặc muốn cắt xén hoa hồng của môi giới. Có trường hợp, môi giới mua bán căn hộ xong, đến lúc trả tiền, khách hàng chỉ đồng ý chi trả khoảng 20 - 25% giá trị mà môi giới được hưởng. Bắt nguồn cũng từ suy nghĩ và đánh giá công việc của môi giới một cách chưa đúng mức. Đó là cái khó của nhiều môi giới”, anh Phan Văn Lộc, một môi giới khác chia sẻ.
Không chỉ tiềm ẩn những mâu thuẫn và quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau về nghề giữa các môi giới và khách hàng, bản thân nghề môi giới cũng đang có những mâu thuẫn nội tại khi nhiều người “trong chăn” khẳng định: Không ít lần bị các đồng nghiệp phá game (tranh cướp khách).
Cho đến hạn chế về trình độ
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 200.000 môi giới hoạt động, phân bổ ở khắp các vùng, miền. Trong đó, hai thị trường Hà Nội và TP.HCM chiếm số lượng lớn nhất. Dù chưa có được con số thống kê một cách chính xác, Hội cho biết, tỷ lệ môi giới qua đào tạo và được cấp chứng chỉ nghề cũng còn rất hạn chế, khoảng dưới 20%.
Hiện tại, Hội Môi giới bất động sản đang rất tích cực trong việc mở lớp, dạy nghề, nhưng theo tính toán của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, với 1 lớp khoảng 200 học viên/tháng, thì tối đa một năm Hội, cũng chỉ đào tạo được khoảng 2.400 môi giới. Một con số rất nhỏ so với khoảng 200.000 môi giới đang hành nghề, chưa kể con số này còn ngày càng gia tăng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, so với các quốc gia phát triển, mặt bằng môi giới Việt còn một khoảng cách khá xa. Tại thị trường bất động sản Việt Nam, các môi giới hiện vẫn chủ yếu đóng vai “ông Tơ, bà Nguyệt” dắt mối cho chủ đầu tư và khách mua hàng gặp nhau để nhận hoa hồng, trong khi ở thị trường các nước có nghề môi giới phát triển, các nhà môi giới nắm giữ vai trò quan trọng hơn nhiều, từ định giá sản phẩm, lo các vấn đề về pháp lý, dịch vụ liên quan đến hoạt động mua bán. Đương nhiên, trách nhiệm nặng nề sẽ đi kèm với thu nhập cao.
Khát vọng thừa nhận
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, môi giới Việt đang đứng trước yêu cầu nâng cao trình độ một cách cấp bách.
Nhận thức được vai trò của việc nâng cao trình độ cho các môi giới viên, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các hoạt động tự đào tạo, trong đó mô hình hệ sinh thái bất động sản của Hải Phát Land là một ví dụ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land) cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng hệ sinh thái bất động sản, bao gồm nhiều mắt xích trong một hệ thống tuần hoàn, khép kín, từ đầu tư, tư vấn phát triển dự án, tiếp thị và truyền thông, phân phối và chăm sóc, đến quản lý, vận hành và khai thác bất động sản. Trong đó, công tác nhân sự giữ vai trò quan trọng và Học viện Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Academy) chính là bệ đỡ”.
Theo ông Huy, Hải Phát Academy sẽ tập trung vào công tác đào tạo đội ngũ nhân sự theo hướng chuyên nghiệp, từ kiến thức sản phẩm, kỹ năng tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ khách hàng, cho đến dịch vụ hậu mãi. Hải Phát Land kỳ vọng, việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được một đội ngũ môi giới chuyên nghiệp, đông đảo và có sự gắn kết dài lâu với đơn vị.
Theo ông Huy, chương trình học được thiết kế công phu, chuẩn mực, chi tiết từng buổi, cho từng đối tượng học viên là chuyên viên tư vấn, quản lý tầm trung, lãnh đạo cấp cao với giảng viên là các chuyên gia, doanh nhân, tỷ phú bất động sản Việt Nam và quốc tế, trực tiếp tham gia huấn luyện. Hơn thế, chương trình được thiết lập trên các tình huống thực tế, thậm chí học viên được trực tiếp tham các hoạt động bất động sản, trải nghiệm môi trường kinh doanh ngay tại các đơn vị phân phối uy tín.
Trong nỗ lực tạo dựng sự ghi nhận của công chúng với người làm nghề, tôn vinh và phát triển nghề, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã thống nhất chọn ngày 29/6 hàng năm làm ngày truyền thống, ngày hội của những người làm nghề. Bên cạnh đó, các hoạt động như bình chọn sàn giao dịch uy tín cũng được thực hiện để vinh danh các đơn vị làm công tác phân phối nghiêm túc và hiệu quả cũng được tiến hành thường niên.
Với những nỗ lực của Hội Môi giới bất động sản, các doanh nghiệp và bản thân người làm môi giới, rất có thể, trong thời gian ngắn tới, những nhìn nhận về nghề môi giới bất động sản của xã hội sẽ dần thay đổi.
Theo Thanh Huyền/ Đầu Tư Bất Động Sản