“Ông Samsung bảo ngành cơ khí Việt Nam không làm nổi cái ốc vít, tôi bảo anh nói thế không được, chúng tôi thà đi đóng một con tàu còn hơn làm ốc vít cho các ông. Ông Toyota dọa nếu chính sách của Việt Nam không thay đổi, ông ấy sẽ chuyển nhà máy khỏi Việt Nam, tôi bảo ông chuyển đi thì sẽ có người khác, ông ấy phải quay lại xin lỗi tôi. Chính phủ phải có những người như thế nhưng Chính phủ có ai nói đâu, hoặc có thể người ta hạn chế về chuyên môn”, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), nói.
Ảnh minh họa
Công nghiệp hỗ trợ cơ khí không nên chỉ chăm chăm vào ô tô
Phát biểu tại một tọa đàm về công nghiệp hỗ trợ mới đây, ông Đào Phan Long cho hay cách đây 10 năm, Việt Nam đã xác định có 4 ngành cần phát triển công nghiệp hỗ trợ gồm: giày da, may mặc, điện tử và cơ khí. Tuy nhiên, ông Long cho rằng việc gộp cơ khí vào cùng nhóm với 3 ngành trên để có chung một chính sách là không ổn, bởi cơ khí có sự khác biệt lớn về đầu tư, sản xuất, nhân lực…
Bình luận về trọng tâm của công nghiệp cơ khí, ông Long nhấn mạnh: cơ khí không chỉ có riêng ô tô. “Làm phụ tùng cho ô tô được gọi là công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí thì cũng đúng nhưng công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí phải rộng hơn thế. Bản thân anh Trần Bá Dương (Chủ tịch THACO –PV) cũng biết THACO chỉ trông chờ vào ô tô thì không làm được. Công ty đang phải phát triển cả chế tạo kết cấu thép, máy nông nghiệp. Ông sống thế nào được bằng ô tô!”
“Mà riêng ô tô, tôi đã nói rồi, nếu tiếp tục dựa theo Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì Việt Nam sẽ không có ô tô. 20 năm qua đã chứng minh điều ấy rồi. Vì sao lại thế? Vì không ai cho ông vay ODA làm cơ khí đâu. Cơ khí là vũ khí, không nước nào cho vay ODA cả. Anh Dương sau 15 năm có cơ ngơi như hiện nay nhưng cái mang thương hiệu ô tô Việt Nam chỉ có xe tải và xe buýt thôi. Chưa có xe con nào mà nước ngoài thả cho các ông đi lắp thuê cả”, ông Long nói.
Chủ tịch VAMI khẳng định công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí không thể chăm chăm vào mảng ô tô, vì thị phần nhỏ mà khả năng vào chuỗi cũng rất khó.
Lấy trường hợp M3 - doanh nghiệp cơ khí của Viettel được cấp chứng chỉ của hiệp hội hàng không vũ trụ quốc tế, đạt tiêu chuẩn sản xuất linh kiện, phụ tùng cho hàng không vũ trụ, từ đó được ký hợp đồng tham gia sản xuất máy bay Boeing – ông Long nhấn mạnh: công nghiệp hỗ trợ cho ô tô Việt Nam cũng phải được các hiệp hội ô tô thế giới cấp chứng chỉ, chứ không tự xông ra làm được.
“Cho nên anh Dương THACO phải mượn thương hiệu, phải nhập chi tiết của chính hãng để có Mazda, Peugeot… Còn anh Thành Công thì tôi không nói làm gì, cũng đang khó khăn vì ông Hyundai bao kinh lắm.
“THACO muốn làm một số chi tiết công nghiệp hỗ trợ cho ô tô để thực hiện chương trình nội địa hóa của nhà máy và tham gia chuỗi xuất khẩu, công ty phải làm hồ sơ, thử nghiệm, xin phép chính hãng, nó có cho mới được làm. Ta cứ bảo phải có chính sách hỗ trợ nhưng mà nó có cấp cho ông làm đâu”, ông Long giải thích.
Thị trường nội địa là vốn, là tài nguyên
Theo ông Long, 20 năm qua, Việt Nam đã để mất thị trường, mà thị trường là vốn, là tài nguyên quốc gia. “Không có thị trường mà cứ hô hào sản xuất đi thì bán cho ai?”
Vì thế, ông Long cho rằng để phát triển công nghiệp cơ khí nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng thì dứt khoát phải có bàn tay hữu hình của nhà nước, không thì sẽ thất bại.
"Ông Xuân Kiên (tức Vinaxuki - PV) đã đi rồi. Còn nhiều anh cơ khí quốc doanh khác nợ đầm nợ đìa, hàng mấy nghìn tỷ. Giờ không có thị trường thì khó phát triển công nghiệp hỗ trợ, dù chính sách gì đi chăng nữa", ông Long nói.
Ông Long cho rằng nhà nước cần xác định tất cả nhà đầu tư vào công nghệ cơ bản của cơ khí đều được xem là công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí.
"Anh tạo phôi, rèn, dập, đúc, anh chế tạo chi tiết bằng công nghệ tiên tiến, những thứ đó là ô tô cần, xây dựng kết cấu cần. Vì thế, khái niệm công nghiệp hỗ trợ phải là công nghệ cơ bản chứ không phải anh sản xuất được vài chi tiết rồi bảo 'tôi đang làm công nghiệp hỗ trợ đây' để được hưởng ưu đãi".
Nhắc lại ngành cơ khí còn rất nhiều vấn đề phải bàn, người đứng đầu VAMI nói: "Ông Samsung bảo ngành cơ khí Việt Nam không làm nổi cái ốc vít, tôi bảo anh nói thế không được, chúng tôi thà đi đóng một con tàu còn hơn làm ốc vít cho các ông. Ông Toyota dọa nếu chính sách của Việt Nam không thay đổi, ông ấy sẽ chuyển nhà máy khỏi Việt Nam, tôi bảo ông chuyển đi thì sẽ có người khác, ông ấy phải quay lại xin lỗi tôi. Chính phủ phải có những người như thế nhưng Chính phủ có ai nói đâu, hoặc có thể người ta hạn chế về chuyên môn".
"Tôi xin nói là đến giờ phút này, Chính phủ, kể cả Bộ Công Thương, có rất ít người có chuyên môn sâu về cơ khí", ông Long nói thêm.