Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Sân bay 4.000 tỷ mọc lên, đến thời tỷ phú chân đất?

08/10/2018 10:28

Để xây dựng sân bay mới tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty TNHH Hồ Tràm cần thu hồi trên 224ha đất, tại xã Lộc An và Láng Dài, huyện Đất Đỏ. Khu vực làng quê nông thôn này đang yên bình, bỗng xôn xao nhiều tâm trạng về sự thay đổi lớn sắp tới.

Thu hồi đất của nông dân làm sân bay

Theo đề xuất của Công ty Hồ Tràm, doanh nghiệp này dự định xây dựng sân bay chuyên dùng tại huyện Đất Đỏ, nhằm mục đích đưa đón khách du lịch từ các sân bay nội địa, đến dự hội thảo, tham quan nghỉ dưỡng và sử dụng các dịch vụ tại Hồ Tràm Strip. Dự án sân bay này có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ, diện tích khoảng 224,33ha, trong đó 47,55ha nằm tại xã Lộc An và 196,78ha nằm tại xã Láng Dài.

Sân bay 4.000 tỷ mọc lên, đến thời tỷ phú chân đất?
Vị trí xây dựng sân bay là khu đất sản xuất nông nghiệp của người dân

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, địa điểm xây dựng sân bay, theo đề xuất của phía Hồ Tràm, là khu vực sản xuất nông nghiệp và trồng cây lâu năm của người dân. Nếu triển khai sân bay tại khu vực này, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Với những vấn đề trên, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị phía Hồ Tràm phối hợp cùng các sở, ban, ngành địa phương nghiên cứu, khảo sát lựa chọn địa điểm mới, đáp ứng các yêu cầu về tính năng kỹ thuật hàng không và ít gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân.

Mặc dù vậy, báo cáo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 11/9, Công ty Hồ Tràm cho biết, đã khảo sát một số địa điểm và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tổng thể quy hoạch sân bay. Qua nghiên cứu, phân tích và so sánh các vị trí, công ty cho rằng việc triển khai sân bay như đề xuất tại xã Lộc An và Láng Dài là thuận lợi nhất.

Hết đất canh tác, dân sẽ sống bằng gì?

Dự án sân bay chuyên dùng tại xã Láng Dài và Lộc An mới chỉ là đề xuất của phía Công ty Hồ Tràm, chưa có quy hoạch cụ thể. Tuy nhiên, nhiều cư dân ở 2 địa phương này đều có tâm trạng hoang mang, lo lắng. Bởi lẽ, từ trước đến nay, người dân tại đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nếu xây dựng sân bay sẽ lấy hết đất canh tác sẽ không biết sống bằng gì.

Theo ông Bảy (ngụ ấp An Bình, xã Lộc An), trước đây chính quyền địa phương đã một số lần về làm việc với người dân tại trụ sở ấp. Theo đó, vị trí dự định xây sân bay tại 2 xã Lộc An và Láng Dài, hiện tại là diện tích canh tác lúa, hoa màu, cây keo và chăn nuôi gia súc của rất nhiều hộ dân trong vùng.

“Nếu chính quyền và Công ty Hồ Tràm quyết định chọn khu vực này làm sân bay, thì người dân chúng tôi, dù muốn hay không cũng phải chấp hành. Tuy nhiên, rất mong chính quyền địa phương và Công ty Hồ Tràm đền bù làm sao thỏa đáng, hợp tình họp lý cho người dân”, ông Bảy cho biết.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thu (ngụ ấp Gò Sầm, xã Láng Dài) cho biết, chị có nghe thông tin về việc sẽ xây dựng sân bay trên địa bàn xã, nhưng chưa biết được chính xác vị trí ở đâu. Nếu bắt buộc phải thực hiện dự án, thì ngoài việc bồi thường về đất đai, tài sản, người dân còn mong muốn chính quyền và Công ty Hồ Tràm có phương án hỗ trợ việc cho những hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Cùng tâm trạng lo lắng, bà Lan (ngụ ấp An Bình, xã Lộc An) cho rằng, việc thu hồi đất sản xuất sẽ tác động rất lớn đến cuộc sống người dân. Rất nhiều dự án trước đây ở các địa phương, sau khi thu hồi đất, nhiều nhà có tiền tỷ trong tay nhưng không có việc làm.

“Nông dân chân đất, bỗng dưng có tiền tỷ chẳng biết làm gì, rồi tiêu xài vài năm cũng hết. Từ đó đời sống lại lâm vào cảnh khó khăn hơn trước. Nên việc đền bù sao cho thỏa đáng là 1 chuyện, nhưng chính quyền cũng nên có hướng lo công ăn việc làm để hỗ trợ người dân bị thu hồi đất”, bà Lan nói.

Khắc Thành/Vietnamnet