Báo cáo về tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - ông Yamada, Giám đốc dự án, đại diện Liên danh tư vấn JFV - đơn vị lập Báo cáo FS dự án cho biết, đến thời điểm này, tư vấn đã hoàn thành gần như tất cả công việc, bao gồm việc thu thập toàn bộ dữ liệu phục vụ lập FS;
Dự báo nhu cầu giao thông hàng không; Phân chia khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất; Xác định công suất thiết kế Long Thành; Thiết kế sơ bộ hệ thống giao thông kết nối; nhà ga hành khách, hạng mục công trình phụ trợ, hạng mục sân đường, cầu cạn…
Đáng lưu ý, ông Yamada cho biết, bên cạnh các hệ thống truyền thống, CHK quốc tế Long Thành còn được trang bị các hệ thống siêu hiện đại, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo mới nhất hiện nay như: Hệ thống làm thủ tục hành khách tự động (selfkios), hệ thống làm thủ tục ký gửi hành lý tự động (self baggage drop), hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động, cửa ra máy bay tự động…
Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo tiên tiến bậc nhất thế giới
CHK quốc tế Long Thành cũng sẽ có một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, được thiết kế cho sân bay thông minh để quản lý toàn bộ nguồn dữ liệu của sân bay (thông tin về chuyến bay, điều hành bay, xuất nhập cảnh, hải quan…) từ đó giúp nhà điều hành sân bay có thể phân bổ khai thác cho toàn bộ sân bay (cửa ra máy bay, địa điểm làm thủ tục, bến đậu, cất, hạ cánh…) một cách hiệu quả nhất cũng như giúp nhà quản lý vận hành sân bay có thể giám sát, phát hiện, xử lý các vấn đề an ninh nhanh chóng và hiệu quả.
Ông Nguyễn Bách Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn và thiết kế công trình hàng không (ADCC), một thành viên trong liên danh tư vấn JFV khẳng định: Dự án sẽ được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới. Những công nghệ tại Long Thành sẽ hiện đại không kém CHK Changi (Singapore), thậm chí, hiện đại hơn vì đi sau, có cơ hội tích hợp, ứng dụng những công nghệ mới hơn.
Thậm chí sẽ hiện đại hơn sân bay quốc tế Changi của Singapore
Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Pre-FS được phê duyệt chưa có nghiên cứu hạng mục giao thông kết nối gián tiếp và trực tiếp đến CHK quốc tế Long Thành.
Nhưng, trong quá trình thực hiện FS, ACV đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT đưa nội dung này vào nghiên cứu và đề xuất phương án.
Theo đó, trong giai đoạn 1, tư vấn đề xuất xây dựng tuyến kết nối từ QL51 đến ranh giới phía Tây cảng hàng không và nút giao với QL51 dài 3,8km và một tuyến đường dài 3,5km kết nối từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến tuyến 1 và 2 nút giao.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT Lê Đỗ Mười cho rằng, căn cứ trên kết quả dự báo, nhu cầu giao thông giữa CHK quốc tế Long Thành với khu vực TP.HCM (chiếm khoảng 70 - 80% tổng nhu cầu), do đó hướng kết nối giao thông với TP.HCM cần được ưu tiên.
Liên quan đến việc kết nối với sân bay Long Thành, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT lưu ý, cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương kết nối trực tiếp giữa Long Thành - Tân Sơn Nhất và kết nối trực tiếp sân bay Long Thành – TP.HCM, kết nối qua vận tải hành khách công cộng với các đô thị xung quanh.
Dự án CHK quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD (tương đương hơn 336.000 tỷ đồng).
Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư là hơn 5,4 tỷ USD. Mục tiêu của dự án giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng một đường cất, hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất, hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3, hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Ngân Tuyền/ANTĐ