Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Sáp nhập 2 ngân hàng, mua 200 máy bay: 3 năm 'khó tin' của tỷ phú Phương Thảo

27/05/2018 15:03

N ữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo là người Việt duy nhất thu xếp thành công vốn hàng chục tỷ USD để mua hàng trăm máy bay và sáp nhập 2 ngân hàng để biến HDBank thành một đế chế trên thị trường.

Thương vụ 100 Airbus, 100 Boeing

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2018, CEO Hãng hàng không VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết kế hoạch lợi nhuận 2018 tăng trưởng thấp hơn so với doanh thu là do tăng mua và giảm bán tàu bay so với năm 2017. Mục tiêu doanh thu 2018 từ mảng vận tải hàng không là 1,4 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2017, còn lợi nhuận dự kiến tăng 30% lên 120 triệu USD.

Chỉ sau 5 năm bay thương mại, VietJet đã trở thành doanh nghiệp có vốn hóa 100.000 tỷ đồng và chiếm 43% thị phần tại Việt Nam. Giá cổ phiếu VJC tăng 2,5 lần trong vòng 1 năm.

Năm 2018, VJC dự kiến sẽ nâng tổng đội tàu bay lên 66 chiếc, với hơn 120.000 chuyến bay, vận chuyển hơn 24 triệu hành khách. Đầu năm 2014, VietJet chỉ có 31 máy bay đã chiếm tới 37% thị phần. VJC thành lập năm 2007 và bay chuyến đầu tiên vào tháng 12/2011.

Tốc độ tăng trưởng nhanh của VietJet là nhờ chiến lược hướng tới khách hàng số đông và tăng nhanh số lượng tàu bay nhờ những hợp đồng khủng, mua sỉ máy bay.

Bà Thảo chính là người đã có những quyết định táo bạo và thu xếp được nguồn vốn hàng chục tỷ USD để mua hàng trăm máy bay Airbus và Boeing. Tháng 9/2013, VietJet gây chấn động thế giới với thỏa thuận nguyên tắc đặt hàng mua 92 và thuê 8 máy bay Airbus các loại trong khoảng thời gian tới 2022, với tổng giá trị giao dịch lên tới 9,1 tỷ USD, mỗi năm trung bình nhận 5-10 máy bay mới.

Đầu 2016, VietJet cũng quyết định chi hơn 3 tỷ USD mua động cơ PurePower Geared Turbofan do hãng Pratt & Whitney của Mỹ cho 63 máy bay nhằm hiện đại hóa đội tàu bay A320 và A321 mua từ Airbus.

Giữa 2016, Vietjet ký hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD mua 100 máy bay Boeing 737 Max 200 trong giai doạn 2019-2023 nhân chuyến thăm của nguyên tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam.

Sáp nhập 3 ngân hàng

Thành công với VietJet nhưng bà Thảo nổi tiếng và đi lên từ lĩnh vực ngân hàng. Bà Thảo từng là phó chủ tịch HĐQT ngân hàng trẻ nhất Việt Nam, khi mới 28 tuổi, tại VIBank.

Từ 2008 cho tới nay, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank và có đóng góp rất lớn vào sự phát triển ngoạn mục của ngân hàng này. Đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank (HDB) 2018 đã bất ngờ thông qua 1 nội dung quan trọng: nhận sáp nhập Ngân hàng PGBank.

Như vậy, đến phút chót, cuộc “tình duyên” trắc trở giữa Vietinbank và PGBank đã không thành hiện thực sau tròn 3 năm liên tục lỡ hẹn do “những vướng mắc trong thủ tục hành chính”, cho dù ĐHCĐ cả PGBank và VietinBank đã chính thức thông qua nội dung sáp nhập vào ngày 14/4/2015.

Ngay sau khi VietinBank rút lui khỏi thương vụ sáp nhập với PGBank, HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã thế chân và thương vụ sáp nhập đã hoàn thành ngay trong ĐHCĐ của 2 ngân hàng hôm 21/4/2018 vừa qua.

Trước đó, bà Thảo được đã có dấu ấn qua hai thương vụ mua lại Công ty Tài chính Societe Generale VietFinance (SVGF) trực thuộc Tập đoàn Societe Generale (Pháp) và Ngân hàng Đại Á - DaiABank (hồi cuối 2013).

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú USD duy nhất tại Việt Nam, tại Đông Nam Á và tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Theo Forbes, bà Thảo hiện có khối tài sản khoảng 3,3 tỷ USD.

Bà Thảo du học và kinh doanh rất sớm, từ 17 tuổi và trở thành triệu phú USD năm 21 tuổi tại Đông Âu, trước khi trở về Việt Nam làm bất động sản, tài chính. Bà Thảo là Tiến sỹ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, cử nhân tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moscow, Cử nhân ngành quản lý kinh tế lao động Trường kinh tế Quốc dân Moscow, Ủy viên sáng lập Viện Hàn lâm Nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga.

Theo H.Tú/Vietnamnet