Theo một hồ sơ mới được công bố, công ty này đã không thể trả gốc và lãi cho một trái phiếu trị giá 250 triệu USD tại thị trường chứng khoán Singapore, nơi công ty này được niêm yết. Hiện Modern Land China đang làm việc để giải quyết các vấn đề khủng hoảng, tránh đi vào vết xe đổ của “bom nợ” China Evergrande.
Trước đó, Fantasia Holdings, Sinic Holdings và China Properties là những doanh nghiệp bất động sản đã vỡ nợ đối với các khoản vay trái phiếu ra nước ngoài trong tháng này. May mắn hơn, China Evergrande – gã khổng lồ ngành bất động sản Trung Quốc đã thoát cảnh vỡ nợ vào phút chót. Các cơ quan xếp hạng toàn cầu đã giảm số điểm đối với 44 công ty bất động sản Trung Quốc trong tháng 10, một con số kỷ lục. Tuần trước, Modern Land đã từ bỏ đề xuất gia hạn trả nợ trái phiếu và tạm dừng giao dịch cổ phiếu để chờ một thông báo khác.
Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt các quy định đối với những công ty bất động sản nước này, qua đó khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với những nguồn vay dưới bất kỳ hình thức nào. Theo các quy tắc được công bố vào năm ngoái, những doanh nghiệp bất động sản chỉ có thể tiếp cận các khoản vay nếu đáp ứng đủ ba tiêu chí, được gọi là “lằn ranh đỏ”. Việc thắt chặt quy định cũng khiến nhiều ngân hàng e ngại khi làm việc với các công ty bất động sản.
“Bom nợ” Evergrande suýt vỡ nợ, cùng với đó là sự sụp đổ của một số doanh nghiệp nhỏ hơn đã làm gia tăng những lo ngại đối với lĩnh vực bất động sản tại một thị trường tỷ dân.
Tháng trước, S&P Global Ratings ước tính các nhà phát triển sẽ mua lại 480 tỷ nhân dân tệ bằng trái phiếu trong nước và nước ngoài trong năm tới, gần bằng 1/4 lượng dự trữ tiền mặt. Theo công ty môi giới CGS-CIMB, đợt đáo hạn lớn đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 1, với khoảng 6,2 tỷ USD trái phiếu ra nước ngoài sẽ được hoàn trả.
Các nhà chức trách đang tìm cách trấn an thị trường và cho rằng những trường hợp như China Evergrande chỉ là cá biệt. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh vào tuần trước rằng rủi ro của Evergrande có thể kiểm soát được và nhu cầu vay vốn hợp lý từ các công ty bất động sản đang được đáp ứng. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Thực tế, một số nhà phát triển bất động sản Trung Quốc vẫn có những chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Một số khu đất được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn vẫn đang được đấu giá. Đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh nhu cầu chung đang có xu hướng giảm. Những đơn vị lớn khác như Country Garden và Hopson Development đã đồng ý với các giao dịch mua tài sản từ các đối thủ đang gặp khó khăn về mặt tài chính.
Tuần trước, Tập đoàn Dalian Wanda có trụ sở tại Bắc Kinh đã nộp đơn đăng ký niêm yết hoạt động kinh doanh bất động sản thương mại tại Hong Kong. Một số nguồn tin cho biết tập đoàn này muốn huy động từ 3 – 4 tỷ USD.
Theo Asia Nikkei