Sau cơn sốt đất, cò đất tìm cớ để “bẻ” cọc

06/05/2021 21:20

Cách đây không lâu, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Trong lúc đất sốt ảo, nhiều khách chen chân đặt cọc giữ chỗ, "lướt sóng" kiếm lời trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thương vụ bất thành, họ quay lại tìm cách "bẻ" cọc, đòi tiền.

Nhiều lô đất rơi vào tình trạng bỏ không sau thời gian sốt đất. Ảnh: Cao Nguyên
Nhiều lô đất rơi vào tình trạng bỏ không sau thời gian sốt đất. Ảnh: Cao Nguyên)

Tìm cách “bẻ” cọc đòi tiền

Hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Đáng chú ý, nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư. Thế nhưng khi giá đất giảm xuống, nhiều người đã đặt cọc với chủ đất sau đó không bán được lại quay đi tìm cớ đòi lại tiền.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Th (ở Ba Vì, Hà Nội) là một trong những “nạn nhân” của một nhà đầu tư đòi lại số tiền đã cọc trước đây. Chị Th chia sẻ, vào giữa tháng 3.2021, khi gia đình đang cần tiền và nghe đồn đất được giá, chị đã đăng thông tin quảng cáo bán gấp mảnh vườn 924m2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính chủ, cấp năm 2011, giá bán 4 triệu/m2.

Anh Nguyễn Hữu Toàn, một "cò" đất địa phương đã đến xem, nâng lên hạ xuống, cuối cùng chốt giá bán 3,8 triệu/m2. Tổng giá trị mảnh đất là hơn 3,5 tỉ đồng bao sang tên. Hai bên thống nhất đặt cọc trước 200 triệu đồng, số còn lại thanh toán sau 15 ngày khi chị hoàn tất thủ tục sang nhượng.

Nhưng điều chị không ngờ tới, hơn 10 ngày sau anh Toàn quay trở lại, dẫn thêm hai người đến yêu cầu đo diện tích thực. Kết quả diện tích thiếu 4 mét so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lúc này anh Toàn một mực đòi lại tiền cọc, nhất quyết không thương lượng dù gia đình đã đề nghị giảm toàn bộ diện tích thiếu hụt.

"Thấy anh Toàn căng thẳng nên ông bố chồng quyết định trả lại toàn bộ số tiền cọc để tránh kiện cáo. Gia đình đều làm nông nghiệp, hiểu biết pháp luật hạn chế nên không thích phiền hà" - chị Th bộc bạch.

Nằm sát khu công nghệ cao Hoà Lạc, Thạch Thất, một trong những địa danh bấy lâu nổi tiếng "sốt" đất, lô đất hơn 100 m2 của anh Nguyễn Văn Quang chốt bán cho khách ngoài Cầu Giấy gần 1 tỉ (9 triệu/m2), đặt cọc trước 100 triệu, khi có sổ sẽ sẽ thanh toán nốt.

Một tuần sau khi chốt bán và nhận tiền cọc, khách đến xem nườm nượp, mỗi ngày 2-3 đoàn. Giá đất được chủ mới chào bán lên cao hơn nhiều lần giá anh bán trước đó. Đỉnh điểm lên tới 13 triệu/m2. Bước sang những ngày đầu tháng 4, khách đến xem giảm dần. Vị khách của anh đã đặt cọc 100 triệu quay ra đòi tiền với lý do đất có tranh chấp. Lời qua tiếng lại cuối cùng hai bên đồng ý trả lại 90 triệu, anh giữ lại 10 triệu coi như "giải đen".

Sau sốt đất, không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, cả cò đất cũng mắc kẹt tại các lô đất trống. Ảnh: Cao Nguyên
Sau sốt đất, không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, cả cò đất cũng mắc kẹt tại các lô đất trống. Ảnh: Cao Nguyên)

“Cò đất” ôm trái đắng, lâm cảnh nợ nần

Làm trong nghề đầu tư, môi giới bất động sản lâu năm, anh Nguyễn Trần Kháng (quận Nam Từ Liêm) xác nhận, tình trạng "bẻ" cọc là có. Nó diễn ra ngày càng nhiều khi giá đất bị "thổi" lên cao.

Những đối tượng trên chủ yếu là "cò đất”, lái buôn không muốn chi tiền, không có nhu cầu đầu tư dài hạn và không có khả năng thẩm định giá bất động sản. Họ lợi dụng "chiêu trò" thổi giá, đặt cọc giữ đất vài ngày rồi "đẩy" luôn cho khách kiếm chênh lệch. Nếu thành công thì kiếm được món hời với chi phí bỏ ra ít ỏi.

Thương vụ bất thành thì quay ra "lật mặt", "bới lông tìm vết" để đòi lại tiền cọc. Các lý do thường gặp: Đất có tranh chấp, thiếu diện tích, vạch các câu từ được cài trong hợp đồng đặt cọc nhằm đe doạ đối phương.

Còn anh Nguyễn Trung Quân – một người có nhiều năm quan tâm tới kinh doanh đất đai ở Hà Nội nhận định, 100 người làm "cò đất" thì chắc có tới 98 người cũng tham gia đầu cơ đất. Giới "cò đất" thường rất hiểu địa bàn, tiếp cận trực tiếp với người bán và người mua… nhưng khó thoát khỏi tâm lý đầu tư theo đám đông.

"Thị trường sôi động, có ngày một môi giới có thể chốt 5-7 giao dịch, kiếm được hàng chục triệu đồng "hoa hồng". Nhiều người lại nảy lòng tham "ôm" đất để bán giá chênh. Nhưng khi thị trường trầm lắng, nhiều người không cân đối được tài chính do phải đi vay mượn nhiều, trong khi đó đất bán không được, dẫn tới nợ nần" - anh Quân nói.

Chị Bùi Lan Phương – một "siêu cò đất" khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) cũng chia sẻ, trường hợp môi giới trở thành nhà đầu cơ cũng rất nhiều. Tuy nhiên, chị Phương thừa nhận, tỉ lệ người môi giới "ôm" đất kiếm được lợi nhuận cũng không nhiều.

Nguồn: https://laodong.vn/bat-dong-san/sau-con-sot-dat-co-dat-tim-co-de-be-coc-906098.ldo