Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Sau cơn sốt, giới đầu tư ‘ôm đất’ thành ôm ‘bom’

24/05/2022 13:07

Cơn sốt đất tại nhiều điểm nóng hạ nhiệt, nhà đầu tư “ôm đất” không khác gì ôm bom vì áp lực trả nợ ngân hàng.

Cơn sốt đất tại Bình Phước đầu năm 2021 đã khiến cho không ít nhà đầu tư đến nay “mất ăn mất ngủ” vì không kịp thoát hàng khi cơn sốt đất qua đi.

Anh Trần Tiến Hưng (một nhà đầu tư tại TP. HCM) như ngồi trên đống lửa khi anh lỡ ôm hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp tại Hớn Quản (Bình Phước).

Đầu tháng 3/2021, anh chạy theo bạn bè, đem tiền đổ về Bình Phước săn đất trong cơn sốt sân bay Téc Níc Hớn Quản.

Sau cơn sốt, giới đầu tư ‘ôm đất’ thành ôm ‘bom’ - 1

Nhiều người ôm đất lúc sốt giờ như ngồi trên đống lửa.

Dù bản thân anh hiểu rõ việc triển khai sân bay chỉ là đề xuất trên giấy nhưng với tâm lý lướt sóng khi thị trường nóng sốt, không đầu tư lâu dài chờ hạ tầng, anh vẫn kiên định mục tiêu mua rồi sang tay nhanh kiếm lời. 

Tuy nhiên mọi việc không như nhà đầu tư này tính toán, cơn sốt đất Téc Níc bị hạ nhiệt quá nhanh, chưa đến 2 tuần từ khi xuất hiện. Thời điểm anh vừa xuống cọc gần 1 tỷ đồng mua lô đất rừng cao su, chưa kịp kiếm người sang nhượng thì chính quyền vào cuộc, dân đầu tư “bỏ chạy” tập thể để lại anh với cả hecta đất rừng cao su không biết bán cho ai cùng khoản tiền không cách nào rút ra được.

“Thời điểm tôi mua, nhiều người trúng đậm. Tôi thoát không kịp, giờ bán lại ngang giá lúc mua cũng không ai hỏi, giờ lô đất trị giá hơn 5 tỷ đồng của tôi cứ nằm yên bất động, còn tôi thì còng lưng trả gốc và lãi ngân hàng. Ngày nào tôi cũng lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì lỡ ôm “bom đất”, anh Hưng chia sẻ.

Giống như anh Hưng, anh Đỗ Anh Công (Hà Nội) cũng vì tham mà bản thân chịu "thảm” khi lao vào cơn sốt nóng tại Thạch Thất (Hà Nội).

Lúc đầu anh cũng chỉ tính môi giới bán đất qua lại nhưng trong cơn sốt đất, mỗi giao dịch sang nhượng kiếm lời hàng trăm triệu đồng khiến môi giới này chuyển qua trực tiếp làm nhà đầu tư, đứng ra mua lại các lô đất của nhà đầu tư khác rồi tự kiếm khách sang nhượng lại ăn chênh. 

Vài lô đất đầu trót lọt nhưng sau đó khi thị trường hết sốt, đất nắm trong tay nhiều bán không được. Bản thân anh H cũng phải vay mượn tứ phương mới đủ tiền để mua đất, hiện giờ áp lực trả lãi đang đè nặng lên vai anh khi số tiền kiếm được từ các thương vụ sang nhượng trước đó cũng bị anh đổ hết vào mua đất. 

"Giờ ôm cả đống đất mà không bán được, tôi không biết làm thế nào để trả đủ lãi ngân hàng hàng tháng”, anh Công cho hay.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, HoREA đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn liều, nhắm mắt mua đất giá cao rồi không bán được. Trước đây, đã có nhiều doanh nghiệp làm “đầu nậu”, thổi giá đất bị xử lý, người mua chịu thiệt hại. Vì thế, những người có ý định mua đất lúc này phải tỉnh táo, phải tìm hiểu kỹ, đừng để tiền mất tật mang”.

Theo các chuyên gia, xu hướng lướt sóng khi thị trường nóng hổi hay bắt đáy để chờ thời cơ chỉ dành cho những đầu tư chuyên nghiệp, thành thạo thị trường và có tầm nhìn dài hạn, chiến lược. Còn các nhà đầu tư “chết vì sốt đất” thường là những nhà đầu tư F0, mới tham gia thị trường, đầu tư chạy theo tâm lý đám đông, nắm thông tin chậm, ít kiến thức và non kinh nghiệm thị trường.

Ở góc độ là chuyên gia nghiên cứu thị trường, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, hiện tượng sốt đất có thể dẫn đến những hệ quả trước mắt cho người dân địa phương từ việc họ mất đi nguồn thu nhập chính từ nông - lâm nghiệp. Đồng thời, đối với những nhà đầu tư cá nhân mạo hiểm đã dùng đến đòn bẩy tài chính thì rất có thể sẽ mất khả năng chi trả nếu thị trường không đạt như kỳ vọng.

Về lâu dài, nền kinh tế vĩ mô và xã hội sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi người không còn chú trọng đến việc lao động sản xuất, vì thế, theo ông Khương, minh bạch thông tin quy hoạch từ phía chính quyền và sự tỉnh táo hơn từ phía người dân là tấm áo giáp an toàn để ngăn ngừa những cơn sốt ảo bùng lên.

Theo Ngọc Vy/VTCNews