Doanh nghiệp Việt tận dụng được rất ít các mức thuế quan mà Mỹ áp bổ sung lên hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung nổ ra từ giữa năm ngoái và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN) ra sao. DN Việt có thực sự được hưởng lợi như dự báo trước đây?... TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (TQ) thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đã trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề này.
Nhà đầu tư nước ngoài hưởng lợi
. Phóng viên: Đến thời điểm này, ông có cho rằng VN là nước hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung như nhiều người đã dự báo trước đây?
Ông Phạm Sỹ Thành
+ Ông Phạm Sỹ Thành: Về mặt lý thuyết, khi Mỹ giảm nhập hàng TQ thì sẽ tăng nhập khẩu từ các quốc gia khác, VN có thể tăng xuất khẩu hàng vào Mỹ. VN có những ngành hàng có thể được lợi như dệt may, gỗ, điện tử, điện thoại di động hay linh phụ kiện.
Nhưng kiểm nghiệm với các nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến, hóa chất, nhựa, gỗ giấy, dệt may, da giày, sản p h ẩ m điện tử cho thấy hàng xuất khẩu VN bị hạn chế bởi thị phần quá nhỏ, không có thế mạnh ở mảng sản phẩm mà TQ bị áp thuế. Vì thế, DN VN tận dụng được rất ít các mức thuế quan Mỹ áp bổ sung lên hàng xuất khẩu từ TQ.
. Góc nhìn của ông thế nào về lợi thế và bất lợi của DN VN trong cuộc thương chiến này?
+ Đừng nhìn tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ để đánh giá DN Việt đang hưởng lợi vì đây là vấn đề rất khác trong bức tranh chung đó. Từ những quan sát, chúng tôi thấy DN đầu tư trực tiếp nước ngoài mới là đối tượng hưởng lợi lớn từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Bởi họ có thể dựa trên thế mạnh chuỗi sản xuất cũng như công nghệ để tăng cường xuất khẩu sang Mỹ.
Thực tế cho thấy trong nhiều nhóm hàng mà VN có ưu thế như quần áo, đồ gỗ…, DN đầu tư trực tiếp nước ngoài đang lấn sân, giành nhiều đơn hàng xuất khẩu trong vòng một năm qua. Một nghiên cứu của Fiin Group cũng chỉ ra từ tháng 6-2018 đến tháng 6-2019, các DN VN chỉ chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu quần áo sang Mỹ. Trong khi DN đến từ Đài Loan chiếm 12% và Hàn Quốc chiếm tới 49% tổng kim ngạch xuất khẩu.
. Nhưng không lẽ các công ty VN trắng tay trong cuộc chiến này?
+ Chúng tôi cho rằng một điều bất lợi là khi thương chiến leo thang, TQ giảm nhập khẩu tối đa để đảm bảo thặng dư vãng lai. Do đó các công ty VN sẽ không xuất khẩu nhiều sang TQ được nữa. Trong bối cảnh ấy, một trong các hướng của DN Việt là tìm đến thị trường Mỹ như một đối tác xuất khẩu tiềm năng. Điều đó có thể khiến thâm hụt thương mại giữa Mỹ và VN tăng mạnh.
Xuất khẩu di động, linh phụ kiện là chỉ dấu cho điều tôi nói là bất lợi ở trên. Hai ngành hàng này gia tăng đến 82% chỉ trong vòng nửa đầu năm nay trong bối cảnh giảm 3% bên phía TQ. Điều đó khiến Mỹ chú ý hơn về thâm hụt thương mại với VN.
Chiến tranh thương mại khiến tôm, cá, thịt… từ Mỹ đổ vào Việt Nam nhiều hơn. Ảnh: QH
Tiền Việt tăng không có lợi cho xuất khẩu
. Trong bối cảnh thương chiến căng thẳng, nhiều thắc mắc dồn vào việc tiền đồng không những ổn định mà có dấu hiệu mạnh lên. Điều đó đem đến lợi ích hoặc thiệt hại gì cho nền kinh tế VN?
+ Quan sát tỉ giá thực và biến động tỉ giá gần đây cho thấy đồng VN đang đắt lên, trong bối cảnh các đồng tiền cạnh tranh với hàng hóa xuất khẩu của chúng ta như nhân dân tệ của TQ, đồng baht Thái, đồng tiền Malaysia… đều mất giá 2% so với USD từ đầu năm đến giờ. Đây là chỉ dấu khá tiêu cực cho ngành hàng xuất khẩu của VN.
Chính vì thế, tôi cho rằng lợi ích thuế quan mà VN có thể tận dụng từ TQ sẽ bị trung hòa nếu diễn biến tỉ giá vẫn như hiện nay. Do đó, bài toán tỉ giá và xuất xứ hàng VN sẽ là hai yếu tố cần chú ý nếu muốn DN VN được hưởng lợi từ thương chiến giữa Mỹ-Trung.
. Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?
+ Theo tôi, từ nay đến cuối năm, tỉ giá sẽ không dao động quá mức 2% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra, thậm chí tăng giá nhẹ. Vì cán cân tổng thể VN đang rất tốt, đầu tư nước ngoài vào nhiều, đặc biệt kiều hối có thể lên đến con số 14 tỉ USD trong năm nay… Do đó không còn nhiều dư địa dùng tỉ giá để hỗ trợ xuất khẩu.
Nhưng chúng ta có nhiều công cụ tạo môi trường thuận lợi kinh doanh cho các DN xuất khẩu. Ví dụ, chúng ta có thể thay đổi thuế suất đối với DN xuất khẩu cũng như DN nhập khẩu phục vụ xuất khẩu để tạo lợi thế mà không cần can thiệp nhiều đến tỉ giá.
Coi chừng bị vạ lây
. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng VN có thể tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các nước để làm tấm đệm giảm bớt rủi ro từ thương chiến. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
+ Có một nghịch lý VN đang cố gắng đàm phán nhiều FTA với 16 hiệp định đã ký, có hiệu lực và chuẩn bị có hiệu lực. Nhưng tỉ lệ tận dụng FTA còn thấp, bình quân chỉ đạt khoảng 40% lợi thế từ thuế suất. Riêng những hiệp định ký với TQ và Hong Kong thì tỉ lệ thấp hơn, khoảng 30%.
Kết quả trên được cho là liên quan đến việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Thực tế, chúng ta thử nghiệm nhiều mô hình cấp C/O nhưng vẫn chưa có mô hình tốt để thực hiện. Điều này khiến các nỗ lực đàm phán chưa thật sự ý nghĩa với công ty trong nước. Do vậy, trước mắt VN cần xem lại khâu cấp C/O.
. Xin cám ơn ông.
Đừng để hàng Việt bị lợi dụng
TS Phạm Sỹ Thành cho rằng thương chiến Mỹ-Trung cũng đặt ra thách thức nữa liên quan đến xuất xứ. Đó là nếu khâu cấp C/O làm đúng nhưng không cấp đúng đối tượng cũng có thể khiến các đối tác áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại lên VN. Như chúng ta đã thấy Mỹ từng cáo buộc nhiều hàng VN xuất sang Mỹ lại đến từ TQ hay TQ sản xuất tại VN mượn xuất xứ.
"Lợi thế về thuế suất ưu đãi khi ký FTA chỉ phát huy khi DN có C/O hợp lệ. Nhưng việc hàng hóa TQ gian lận xuất xứ là hàng VN khiến các cơ quan chức năng Mỹ xem nhẹ giá trị của các C/O và cảnh giác hơn với hàng VN" - TS Thành nhấn mạnh.