Shark Hưng: Có những bạn khởi nghiệp vì ghét sếp nên ra làm riêng cho bõ tức

06/06/2020 22:06

Shark Hưng cho rằng, hãy cố gắng viết ra mọi thứ và chia sẻ với mọi người có thể, đừng sợ bị mất ý tưởng.

Trong thời gian gần đây, rất nhiều người gửi tin nhắn và xin lời tư vấn với Shark Hưng với nội dung "Em đi làm thuê và dành dụm được một số tiền (thường vài chục tới vài trăm triệu) muốn khởi nghiệp, Shark cho em lời khuyên em nên đầu tư vào đâu/ em nên làm gì?".

Về câu hỏi này, Shark Hưng cho biết mình không thể trả lời, vì không đủ dữ liệu. "Tôi không biết bạn là ai, có năng lực gì (ngoài tiền), bạn đến từ đâu và định khởi nghiệp từ đâu (thị trường)", Shark Hưng nói.

Tuy nhiên, Shark Hưng cũng đã tóm lược một số nét chính về vấn đề này.

Shark Hưng: Có những bạn khởi nghiệp vì ghét sếp nên ra làm riêng cho bõ tức - Ảnh 1.

1. Đầu tiên, Cần phân biệt khởi nghiệp với lập nghiệp (và kế nghiệp)

Theo Shark Hưng, lập nghiệp (Set Up Business) là lập công ty, cơ sở kinh doanh của riêng mình hoặc nhóm bạn. Và làm một việc gì đó mà thị trường có nhu cầu. theo một mô hình kinh doanh truyền thống đã được chứng minh là có khả năng thành công.

Khởi nghiệp là khởi tạo ra một nghề nghiệp mới. Chưa ai từng làm. Ví dụ Uber, Grab, hay AirBnB...

Kế nghiệp: Doanh nghiệp có sẵn, mình vô làm rồi từ từ lên làm CEO/ Làm chủ.

2. Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng

Cái này thì sách đã có rất nhiều mô hình phân tích, Canvas, hay SWOT... là những mô hình tốt.

Bắt đầu từ môi trường kinh doanh: Xem thị trường đang cần gì và sẽ cần gì (cái này coi vậy mà ko dễ - và đó là một năng khiếu của nhà đầu tư/ nhà kinh doanh: khả năng nhìn ra nhu cầu thị trường). Xem đã có ai đáp ứng nhu cầu chưa, cách thức đáp ứng của họ là gì, và liệu có cách khác thay thế kông?

Tóm lại, là tìm ra cơ hội (và có thể cả thách thức nữa, nhưng đừng quá quan tâm tới thách thức, miễn là có cơ hội).

Tiếp theo, xem mình có gì ngoài tiền? Vài chục hay vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ, cũng chả là gì nếu bạn... không có gì. Cái quan trọng nhất đó là năng lực hành động của bạn, bao gồm cả kiến thức, sự trải nghiệm, kỹ năng....

Tóm lại là bạn có thể làm bạn khác người khác ở điểm gì? Đó chính là năng lực chủ đạo - Core Competence của bạn. Ít nhất cũng phải có một tí gì đó, thiếu thì bù đắp, chứ chỉ có khát vọng và niềm tin thì e rằng sớm đứng bái vọng mong chờ thành công thôi.

3. Lập kế hoạch

Hãy cố gắng viết ra mọi thứ và chia sẻ với mọi người có thể. Đừng sợ bị mất ý tưởng. Các bạn cứ nghĩ rằng một mình mình nghĩ ra, nhưng thực tế là có thể hàng ngàn người đã nghĩ nhưng chỉ là... chưa ai làm thôi.

Vậy nên, khi một mô hình ra đời và thành công, hẳn nhiều người sẽ tặc lưỡi "Ồ, cái này mình nghĩ ra từ lâu rồi, đâu có gì mới đâu". Hãy vẽ ra nhiều kịch bản, kể cả kịch bản xấu và kịch bản tốt.

Kiểu nếu không ai mua sản phẩm thì sao (dù rằng bạn tin chắc 100% là sẽ có nhiều người mua)... Ở đây, câu nói "Hãy nghĩ lớn, nhưng hành động từ bước nhỏ" là một slogan nằm lòng cho khởi nghiệp.

4. Lập team và... chạy

Các bạn rất băn khoăn, về việc lập team như thế nào, nên bao nhiêu người, tỷ lệ góp vốn ra sao, vai trò mỗi người...? Theo tôi, lúc lập nghiệp, không nên kéo quá đông vào team founder, team càng "hoành tráng" có khi càng sớm tan, vì không ai đủ năng lực lead một team toàn thiên tài.

Người leader là quan trọng nhất, nên chi phối. Còn lại, những người khác là bổ sung, và mảnh ghép. Còn tiền, thì đi gọi những nhà đầu tư và cố vấn chuyên nghiệp chứ đừng vì thằng đó có tiền rồi cho vào để sau này cứ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Hãy thật chắc chắn đã rồi mới nên khởi nghiệp. Khát vọng và ý chí là cần thiết, nhưng đừng "liều mạng".

Cũng có những bạn khởi nghiệp vì "ghét sếp" ra làm riêng cho bõ tức. Nhưng thực tế, khi bạn rời bỏ một ông sếp khờ để ra làm riêng, thì thế giới lại có thêm một ông sếp khờ hơn nữa.

Theo Vietnamdaily