Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Shark Lê Đăng Khoa: Muốn khởi nghiệp mà không có tiền thì lấy gì khởi nghiệp!

09/05/2018 14:09

Đó là một trong những sự thật phũ phàng mà doanh nhân trẻ Lê Đăng Khoa chia sẻ. Anh vốn nổi tiếng từ chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp Shark Tank. Hiện anh là giám đốc Công Ty Cổ Phần TM-SX-DV Du Lịch Ba Lá Xanh và đầu tư kinh doanh tại 12 công ty. 

Sinh viên ra trường phải nên đi làm thay vì khởi nghiệp

Sau chương trình Shark Tank, nhiều người trẻ thường gửi tới Lê Đăng Khoa những tâm tư băn khoăn về lựa chọn con đường đi của mình: Nên đi làm hay nên khởi nghiệp. Trong cuộc trò chuyện tại Café khởi nghiệp mới đây, quan điểm cá nhân của doanh nhân này là các bạn trẻ phải nên đi làm.

"Kinh doanh phức tạp hơn mọi người nghĩ rất nhiều, nó cay đắng hơn rất là nhiều. Nó không phải là bể cá mập nó là bể cá gì bao nhiêu con cá trong đó. Nếu mình muốn tồn tại, sống còn trong kinh doanh gần như là điều viễn tưởng với người vừa tốt nghiệp đại học", Khoa thẳng thắn.

Theo anh những sinh viên mới ra trường kinh nghiệm không có, chưa có bản lĩnh để điều hành, để đi thuyết phục đối tác, cộng sự. Việc "việc tay không tấc sắt", chỉ dùng lời nói rất khó lòng thuyết phục được ai về đội ngũ của mình.

Quan điểm này không phải chỉ riêng với Lê Đăng Khoa,  ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyên cũng từng lên tiếng không ủng hộ việc sinh viên ra trường ngay lập tức khởi nghiệp. "Trước hết coi lại nhà anh là ai cái đã", doanh nhân này chia sẻ.

Theo ông nếu gia đình có điều kiện, đã có công ty thì hãy nối dõi tông đường, "đừng có tự động đi ra xin tiền làm công ty khác. Mất thời gian". Ông cho rằng gia đình là môi trường đủ để dạy cho họ (những sinh viên ra trường), huấn luyện từ A tới Z.

"Trong mớ xổ số 1000 số cũng có 1 số trúng thì cũng có 1 anh thành công khởi nghiệp.Công nghệ là lĩnh vực dễ thành công bởi nó đa dạng lắm. Mấy ông tỷ phú Mỹ thành công phần lớn từ công nghệ. Nhưng cái đó cũng khó nuốt lắm", vua hàng hiệu thẳng thắn.

Doanh nhân Lê Đăng Khoa: Muốn khởi nghiệp mà không có tiền thì lấy gì khởi nghiệp! - Ảnh 1.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cùng vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên tại Lễ nhận bằng Tiến sỹ danh dự đại học Đà Lạt.

Tất nhiên sẽ có quan điểm ngược lại cho rằng khởi nghiệp thất bại rồi sẽ học hỏi, có kinh nghiệm nhưng doanh nhân Lê Đăng Khoa phũ phàng cho rằng "muốn khởi nghiệp mà không có tiền thì lấy gì khởi nghiệp?"

Khởi nghiệp là lúc người trẻ đang một đại dương lớn, một cuộc chơi lớn. Và cuộc chơi này không dành cho tất cả mọi người. Những tấm gương khởi nghiệp từ tay trắng hay thậm chí là bỏ học thành công như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Jack Ma,… thôi thúc nhiều người trẻ gia nhập cuộc chơi thế nhưng thì "đời không như là mơ".

"Em có chuẩn bị đủ tài chính cho 3 năm tới? Nếu dự án này không thành công thì nguồn tiền nào để nuôi em, gia đình, vợ con em?", một doanh nhân khác là phó giám đốc tập đoàn Kido cũng từng đặt câu hỏi về tiền đối với người khởi nghiệp.

Tất nhiên không có gì là không thể

Khởi nghiệp vốn dĩ muôn vàn khó khăn nhưng không phải là không thể với những người đang nung nấu ý chí dù có ít tiền. Theo doanh nhân Lê Đăng Khoa trong hoàn cảnh này muốn khởi nghiệp thành công bạn phải trở thành viên ngọc tỏa sáng.

Tỏa sáng ở đây có nghĩa là sản phẩm, dịch vụ của người khởi nghiệp phải rất khởi nghiệp, tỏa sáng tới mức các nhà đầu tư phải thấy được em. Đam mê và quyết liệt là hai từ được Lê Đăng Khoa nhấn mạnh.

"Pha 1 ly cà phê thật ngon, trồng một trái xoài thật ngon, làm ra một bông hồng kích thước thật to. Khó chứ không phải dễ nhưng nếu đủ cần cù, đủ nghiên cứu, đủ tìm tòi sẽ được công thức đó. Ngày mình làm ra điều khác biệt đó nhà đầu tư sẽ bỏ tiền vào", anh gợi ý.  Tất nhiên không phải ai cũng vượt qua được Vũ môn và "cái té đầu tiên lúc nào cũng là cái té rất đau đớn".

Lê Đăng Khoa cũng thừa nhận giới trẻ ngày nay rất giỏi so với thế hệ của anh, khả năng tiếp cận thế giới bên ngoài dễ dàng và đa chiều, đang dạng thông tin. Từ đó họ gần như có thể mở tư duy ra rất nhiều ngành nghề. Tuy nhiên lỗi của thế hệ trẻ bây giờ là thiếu sự chuẩn bị cho mình một ekip.

"Với tư cách một nhà đầu tư khởi nghiệp, một ý tưởng xuất sắc với một ekip bình thường Khoa sẽ không bao giờ chọn. Khoa sẽ thà chọn một ý tưởng bình thường với một ekip xuất sắc", anh thẳng thắn cho biết.

Lấy ngay bản thân mình làm ví dụ, sai lầm đầu tiên của Lê Đăng Khoa cũng chính là không chuẩn bị đội ngũ. Giai đoạn đầu mới khởi nghiệp anh chỉ nghĩ đơn giản là làm công ty bao bì với nguồn ra là từ công ty phân bón có sẵn của gia đình. Tuy nhiên thực tế sản xuất bao bì không hề đơn giản từ kích thước giấy, cắt giấy, dàn trang,.. Áp lực của Khoa lúc này là mỗi ngày trôi qua thấy mình mất đi rất nhiều tiền.

"Mình ngộ ra là mình non kinh nghiệm chỗ này quá, thiếu kinh nghiệm chỗ kia quá. Mình không có sức mạnh cạnh tranh. Sản phẩm của mình làm ra giá cao quá, cao hơn cả giá người mình đặt nữa. Thế là thua rồi", anh nhớ lại.

Những điều Lê Đăng Khoa thẳng thắn chia sẻ về khởi nghiệp không có nghĩa là dập tắt đi ước mơ của những người trẻ. Điều anh muốn nhấn mạnh là cần có giấc mơ lớn, quyết liệt và đam mê biến giấc mơ thành sự thật nhưng cũng không quên chuẩn bị cho mình một đội ngũ đi cùng.

Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ