Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Shark Nguyễn Thanh Việt: Tôi không tin con tim lắm, tôi muốn giúp đỡ các startup bằng trí tuệ chứ không phải bằng con tim!

01/10/2019 11:25

Thế nên, khi gặp Shark Nguyễn Thanh Việt, các startup tốt nhất là đừng đề cập quá nhiều đến tình yêu hay lý tưởng mà nên tập trung vào những khía cạnh thực tế như tiềm năng thị trường, doanh số, tốc độ phát triển….


Thế nên, khi gặp Shark Nguyễn Thanh Việt, các startup tốt nhất là đừng đề cập quá nhiều đến tình yêu hay lý tưởng mà nên tập trung vào những khía cạnh thực tế như tiềm năng thị trường, doanh số, tốc độ phát triển….

Dù là một chương trình truyền hình thực tế, nhưng có thể nói, Shark Tank là chương trình khiến khán giả cảm thấy các host ít diễn nhất: tính cách Shark nào ra sao thì lên màn hình làm vậy. Nguyên do là bởi, các Shark vốn là các doanh nhân chứ không phải người trong giới showbiz, cũng như với vị thế của họ không cần có drama để nổi tiếng và chủ thể chính trong chương trình chính vốn đầu tư – tiền, nên mọi chuyện cần phải cẩn trọng tuyệt đối.

Trong Shark Tank, Shark Nguyễn Thanh Việt thể hiện mình là một nhà đầu tư lọc lõi, khó tính, thực tế và tương đối đanh đá, kiểu đanh đá ngầm ‘trong bịch bông có kim’ chứ không vỗ thẳng mặt như Shark Bình. Ngoài ra, ông còn thích ví von, thích nói về chân lý sự việc, về triết lý cuộc sống. Và, không chỉ trong Shark Tank, mà ở đâu ông cũng thế, ví dụ như trong chương trình CEO Chìa khoá thành công Forum 2019, lúc chia sẻ về chuyện khởi nghiệp với các startup.

 

Về ý tưởng khởi nghiệp – chọn lĩnh vực mà mình mạnh nhất

Người ta nói rằng, khởi nghiệp phải bay bổng, phải yêu bằng cả trái tim song Shark Nguyễn Thanh Việt nghĩ ngược lại. Theo ông, khi khởi nghiệp không nên chỉ nghĩ về một mô hình/sản phẩm mà nên thử nhiều cái và làm cái mà mình có thế mạnh nhất, phát triển dựa trên thế mạnh của mình. Như gần đây ông gặp một bạn có thế mạnh về marketing lại đi làm về công nghệ là không đúng.

"Đầu tiên là tôi đi làm thuỷ điện, sau đó về tổng Phát triển nhà Hà Nội và bây giờ là phát triển bất động sản kết hợp mô hình chăm sóc sức khoẻ.

Thế mạnh của tôi là tôi vừa có đội ngũ làm dự án rất nhanh và tôi cũng am hiểu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Bác sỹ thì không thể làm tốt mảng bất động sản và ngược lại giới bất động sản thì không am hiểu gì về nghề chăm sóc sức khỏe.

Hơn nữa, sở dĩ nhiều người không dám làm bất động sản y tế là vì khả năng lỗ cao. Trong ngành bất động sản, phải bán thật nhanh thì mới có thể thu hồi vốn cũng như lãi cao, nhưng bất động sản trong ngành y tế không thế. Vì sợ hãi nên rất ít người dám nhảy vào lĩnh vực này, với những lợi thế tôi có, tại sao tôi lại không làm?", Shark Nguyễn Thanh Việt chia sẻ vì lý do vì sao ông bắt đầu khởi sự dự án Tổ hợp y tế Phương Đông.

Tóm tại, khởi nghiệp với Shark Việt tương đối đơn giản: nhìn vào thế mạnh của bản thân (thứ mình có mà không ai/ít người có), thị trường cần gì thì mình sẽ làm cái đấy, sau đó chọn đúng người – giao đúng việc. Và không phải chỉ các startup, mà các quỹ đầu tư hay doanh nghiệp lớn nhỏ nào cũng phải chọn đúng người – giao đúng việc.

 

Về vấn đề gọi vốn – đầu tiên là các startup phải trung thực với bản thân mình

Shark Nguyễn Thanh Việt: Tôi không tin con tim lắm, tôi muốn giúp đỡ các startup bằng trí tuệ chứ không phải bằng con tim! - Ảnh 1.

Tổ hợp y tế Phương Đông - dự án khởi nghiệp mới nhất của Shark Việt.

"Các startup cứ nói về vấn đề tài chính, về việc thiếu vốn đầu tư, nhưng nếu bạn có mô hình kinh doanh tốt, chỉ có điên mới không rót vốn của mình cho doanh nghiệp đó.

Tôi vẫn hay nói: các startup phải 'tầm sư học đạo', không có kinh nghiệm gọi vốn thì rất khó thành công. Lên chiến trường, tân binh luôn là tầng lớp chết nhiều nhất. Học hỏi càng nhiều thì khi lên Shark Tank, các startup càng hạn chế được nhiều rủi ro.

Người thông minh có thể không có nhiều tiền, nhưng người nhiều tiền chắc chắn là người thông minh. Thế nên, muốn các nhà đầu tư mở hầu bao, việc đầu tiên là các startup phải trung thực với chính mình. Tôi không đồng ý với nhận định, tình yêu bắt nguồn từ trái tim mà theo tôi là từ não bộ, các startup phải cân bằng giữa lòng tham của nhà đầu tư và lòng tham của bản thân.

Nói chung là tôi không tin con tim lắm, tôi muốn giúp đỡ các startup bằng trí tuệ chứ không phải bằng con tim", Shark Việt khuyên các startup.

Nói về chuyện nhiều startup Việt không dám đi gọi vốn vì cứ sợ gọi các nhà đầu tư hay ‘cá mập’ đến có khi doanh nghiệp của mình bị ‘xơi tái’, Shark Nguyễn Thanh Việc cho rằng, họ đang lo hão.

Ở khía cạnh khác, trả lời cho câu hỏi, vì sao ông cứ mơ màng khi lên Shark Tank, vị ‘cá mập’ này tiết lộ đó là chiến thuật của ông.

"Tôi lên Shark Tank hay mơ màng là để mọi người không để ý đến mình. Đó là chiến thuật đánh vu hồi và đánh lạc hướng của tôi. Có khi không mua tôi lại hỏi rất nhiều! Nếu không đánh lạc hướng sẽ khó thành công chốt deal", Shark Việt khẳng định.

"Làm doanh nghiệp thì thần kinh phải vững vàng, chịu được tất cả các loại bão giông. Sức bền vật liệu – những nguồn lực mà startup có, sẽ tới đâu; chúng ta chịu đựng đến đâu thì đứt. Hay túi mình hiện có bao nhiêu tiền, khi nào thì chúng ta hết tiền và khi hết tiền rồi thì phải làm gì…

Nếu cảm thấy mình hết tiền và sắp ‘đứt’, thì startup nên đi gọi vốn, chia sẻ cơ hội đầu tư cho mọi người. Vì nếu bạn cứ khư khư giữ doanh nghiệp, đến khi phá sản rồi thì chẳng còn gì. Tôi nghĩ, các startup nên lập nghiệp với tinh thần, khi nào cũng phải nghĩ ngày mai doanh nghiệp của mình sẽ bị phá sản. Thêm nữa, nhiều nhà đầu tư không quan tâm tới việc chi phối doanh nghiệp của bạn đâu, người ta chỉ quan tâm chuyện sau khi họ rót tiền bạn có làm tốt hay không.

Cái chúng ta thiếu nhất hiện nay là lòng tin, người trên không tin người dưới và người dưới không tin người trên, 2 người cạnh nhau cũng không tin nhau, mọi người vẫn đang nghi ngờ nhau", Shark Việt cho biết.

 

Về thu hút và giữ chân nhân tài – startup cần cân bằng giữa mong muốn giữa nhân viên và mong muốn của ông chủ

Dù là một người ‘không sợ trời, không sợ đất’, nhưng Shark Việt lại rất e ngại chuyện quản lý nhân sự. Từ kinh nghiệm của ông, thì ứng xử với nhân sự như thế nào là rất khó, như làm sao để thu hút nhân tài và giữ chân họ, đặc biệt là ở các SMEs. Vấn đề cũng giống như đi gọi vốn, chủ doanh nghiệp phải cân bằng giữa mong muốn của mình và mong muốn của nhân viên. Nếu lệch về phía nhân viên, ông chủ sẽ mất nhiều tiền, còn dịch về phía ông chủ, nhân viên sẽ không chịu theo mình.

Nhiều người nghĩ rằng, chỉ mỗi startup mới khó khăn trong việc tuyển người, nhưng thật ra các doanh nghiệp lớn cũng chẳng khá hơn. "Doanh nghiệp lớn thì ‘thuyền to sóng lớn’, thỉnh thoảng cũng phải vơ bèo vạt tép, có nhân viên sở hữu CV khủng khiếp, nhưng chẳng làm được việc gì", Shark Việt thú nhận.

Khó khăn nữa là giữ nhân tài, nếu công ty có quá nhiều tài năng và CEO quản lý không khéo sẽ dẫn tới tình cảnh ‘ai cũng nghĩ mình là nhất và không chịu hợp tác với nhau’.

"Mình là vua trong vương quốc - doanh nghiệp của mình, nên mình sẽ có nhiều cách để thu xếp được vấn đề đó, 2 người cùng lĩnh vực thì chia tách họ ra. Tiếp theo, nhìn sâu vào tâm tư nguyện vọng của mỗi người để biết họ thích cái gì nhất và thỏa mãn mong muốn của họ. Nếu có thể, 1 tuần nên ngồi lại hàn huyên tâm sự cùng họ. Đó là nghệ thuật của người làm vua! Nói chung vẫn là ‘câu thần chú’ đó – chọn đúng người, giao đúng việc", Shark Việt kết luận.


Quỳnh Như

Theo Trí Thức Trẻ