Khách hàng sẽ không đến với một thương hiệu nếu những người sáng lập chỉ tạo ra sản phẩm. Quảng cáo, tiếp thị... không chỉ giúp tiếp cận khách hàng mới, mà còn duy trì doanh số bán hàng lâu dài.
Chẳng thể “hữu xạ tự nhiên hương”
Việc nhiều người quan tâm đến một sản phẩm chưa hẳn đồng nghĩa với họ sẽ trở thành khách hàng mua sản phẩm đó.
“Họ quan tâm đến các mẫu mã của Rita Phil, nhưng có vẻ như khó để quyết định chọn sản phẩm nào. Họ đắn đo và thay đổi ý định liên tục”, bà Thái Vân Linh, sáng lập thương hiệu thời trang Rita Phil chia sẻ.
Tình trạng này kéo dài sau hơn 1 năm kể từ khi Rita Phil thành lập. Bà Linh quyết định phải thay đổi. Thay vì chỉ tập trung may váy cưới như ý tưởng ban đầu, bà Linh cùng đội ngũ may đo chuyển thành sản phẩm đa dạng hơn, như chân váy, áo, áo khoác...
Quyết định này được nhiều người đón nhận. Doanh thu và lợi nhuận của Rita Phil tăng trưởng trong 1 năm kế tiếp trước khi lại có dấu hiệu sụt giảm do không có khách hàng mới và khách hàng cũ lại dần “vắng bóng”.
“Chúng tôi mắc sai lầm như nhiều công ty khởi nghiệp là quá tập trung vào sản xuất, thiết kế sản phẩm mà thiếu tiếp thị”, bà Thái Vân Linh chia sẻ. Tất nhiên, giải pháp sửa lỗi ngay lập tức được triển khai. Rita Phil tiến hành sàng lọc 100 mẫu thiết kế đang có và quyết định chỉ tập trung vào sản phẩm chân váy.
Còn bà Thái Vân Linh tiếp tục thêm bài học kinh nghiệm về vai trò của quảng cáo. Đó là nhiệm vụ của các quảng cáo không chỉ tác động mọi người thử sản phẩm mà là thuyết phục họ sử dụng thường xuyên hơn sản phẩm khác trên thị trường.
Bài học rộng hơn khi nhìn vào một công ty khởi nghiệp, hành trình 3 năm đầu có thể mường tượng như đã trải qua 15 năm ròng rã, với nhiều khó khăn lần đầu vấp phải. Kế hoạch cho từng giai đoạn có thể sẽ không khác nhau là mấy, nhưng yêu cầu hiệu quả lần thực hiện sau phải cao hơn trước đó.
Ví như ở Rita Phil, năm 2019 sẽ chỉ xoay quanh việc chỉnh sửa website với nhiều tính năng công nghệ cùng việc đẩy mạnh tiếp thị.
Nên học hỏi, tích lũy trước khi khởi nghiệp sau tuổi 35
Đã 5 năm trong vị trí giám đốc chiến lược và vận hành Quỹ đầu tư VinaCapital và 3 năm thành lập Rita Phil, doanh nhân Thái Vân Linh quan niệm, thực tế luôn khác xa lý thuyết. Nhưng những bước chân chập chững ban đầu cần kiến thức lý thuyết làm nền tảng.
Ở VinaCapital, bà Linh luôn phải đọc, hiểu ít nhất 5 trang excel với hàng trăm hàng chi tiết về tiếp thị, ngân sách, dự đoán tài chính mỗi dự án. Nhưng với Rita Phil, bà không làm vậy.
“Phải chọn việc cần ưu tiên ở từng thời điểm. Hiện tại, tôi xác định phát triển sản phẩm, tiếp cận khách hàng... là quan trọng hơn cả”, bà Linh nói.
Sinh năm 1977, doanh nhân Thái Vân Linh luôn xuất hiện trước cộng đồng và được biết đến ở vai trò một nhà đầu tư như tại VinaCapital hay “cá mập” của Chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Việt Nam. Tuy nhiên, với dự án của riêng mình, đại diện này lại phân vân về câu hỏi, liệu có nên gọi vốn cho Rita Phil? Bởi theo bà Linh, một mặt, Rita Phil mới đảm bảo được một số tài chính cơ bản, nhưng mặt khác, khi chấp nhận đầu tư vốn, ngoài yêu cầu mở rộng quy mô dựa trên kinh nghiệm, tiền từ các nhà đầu tư, những yêu cầu về quyền kiểm soát công ty luôn được đính kèm.
“Họ có thể yêu cầu những bản báo cáo tài chính hàng tuần, nhưng chúng tôi không có thời gian để đáp ứng việc đó. Hoặc, trong hợp đồng sẽ có một số điều khoản bất lợi cho người sáng lập”, bà Thái Vân Linh tỏ ra thận trọng.
Vì vậy, bà Linh sẽ tiếp tục phát triển start-up này cho đến khi đạt một mốc doanh thu, lợi nhuận đủ mạnh trước các yêu cầu quyền lợi tương ứng từ các nhà đầu tư.
Đặc biệt, với kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, bà Thái Vân Linh chia sẻ và đồng tình với quan điểm, những công ty có khả năng thành công cần có nhà sáng lập trên 35 tuổi. Còn trước đó, theo bà là quãng thời gian học hỏi, tích lũy. “Làm thuê là một giai đoạn tiền khởi nghiệp vô cùng quý giá. Vì làm ở các doanh nghiệp vừa quá trình tích lũy kiến thức, học cách cư xử hay cách quản trị mà lại còn được họ trả tiền hàng tháng”, bà Linh nói.
Theo Business Insider, dựa trên một nghiên cứu trên 2,7 triệu người sáng lập của nhóm chuyên gia đến từ Đại học Northwestern, Cục Điều tra dân số Mỹ và Viện Công nghệ Masachusetts, những start-up tuổi trung bình 45 có tỷ lệ thành công cao nhất dựa trên tiêu chí tăng trưởng doanh thu, M&A được giá hoặc IPO. Và lý giải, nhóm này có nhiều kinh nghiệm điều hành hơn, kiến thức chuyên sâu hơn, nguồn tài chính tốt hơn và mạng lưới mối quan hệ xã hội rộng hơn. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, kinh nghiệm làm việc trong một ngành cụ thể trước đó có thể giúp start-up tăng gấp đôi cơ hội thành công trong dự án mới.