Trong báo cáo hoạt động chất vấn chuyên đề gửi tới Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới những dự án bất động sản.
Dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp thị trường
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản (BĐS) năm 2019 và các tháng đầu năm 2020 xuất hiện tình trạng thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc trung, cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Cả nước hiện có 4.438 dự án khu đô thị và dự án nhà ở, tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 triệu tỉ đồng, trong đó giá trị tồn kho BĐS khoảng 104.000 tỉ đồng. Lượng hàng tồn kho BĐS chủ yếu là căn hộ cao cấp, condotel (căn hộ du lịch)...
Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án BĐS, đặc biệt là các dự án BĐS cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường BĐS, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ kiểm tra, giám sát các địa phương trọng điểm trong việc triển khai những dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị, dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn, sử dụng nhiều diện tích đất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh thị trường BĐS hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, giao dịch “đóng băng”, thủ tục hành chính kéo dài, đa số các doanh nghiệp (DN) cho rằng, nếu Bộ Xây dựng dùng một mệnh lệnh hành chính can thiệp thị trường như nói trên là điều bất hợp lý.
Việc này sẽ đẩy giá nhà đất tăng cao và người dân nghèo càng khó mua được nhà đất. “Thị trường hãy để nó tự vận hành, để các DN tự quyết định đầu tư vào phân khúc nào họ thấy phù hợp. Nếu đầu tư sai lầm, giá cao sẽ không bán được và DN sẽ bị chôn vốn, tự đào thải. Mỗi một phân khúc đều có chức năng, phục vụ các đối tượng có nhu cầu. Việc Bộ cấm đoán sẽ làm thị trường phát triển lệch lạc, không theo quy luật cung - cầu”, ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn BĐS VN, nói và cho rằng vấn đề quan trọng nhất là khâu hậu kiểm. DN nào làm sai, cơ quan chức năng cần xử phạt thẳng tay, nghiêm minh đúng theo quy định của pháp luật chứ không phải “siết” theo kiểu như thế này.
Giá BĐS bị đẩy lên cao
Đồng quan điểm trên, ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Anh Sài Gòn, cũng cho rằng việc Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương “siết” cấp phép các dự án BĐS đã nghe nói từ quý 4/2019, nhưng tại TP.HCM tình hình “đóng băng” giấy phép đã kéo dài mấy năm nay. Chính vì số lượng sản phẩm nhà ở (căn hộ) khan hiếm, số lượng dự án căn hộ đầy đủ pháp lý đếm trên đầu ngón tay làm giá nhà đất bị đẩy lên rất cao. Hiện nay tại TP.HCM, căn hộ giá dưới 40 triệu đồng/m2 hầu như không có. Nếu “siết” mà không có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đang bị ngâm thủ tục cấp phép là đi ngược lại quy luật của thị trường.
“Điều này sẽ khiến cho thị trường càng khan hiếm và người dân không còn cơ hội mua nhà giá rẻ. Đề nghị cơ quan hữu quan nên có giải pháp hợp lý, đi sâu sát thị trường, hiểu rõ thị trường và có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN đầu tư. Không nên nghe những báo cáo đơn phương hoặc tư vấn không sát thị trường mà đưa ra những quyết định sẽ đẩy giá cả BĐS tăng cao quá mức, gây khó khăn cho người dân khi muốn mua nhà an cư”, ông Thanh cảnh báo.
Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Nguyễn Đình Trung cho rằng hiện nay vấn đề đè nặng lên giá bán là tiền sử dụng đất và chi phí tài chính phát sinh do thủ tục phê duyệt dự án quá chậm. Đa số các DN đều vay vốn ngân hàng và phải chịu lãi suất trong thời gian dài chờ phê duyệt thủ tục.
“Việc phê duyệt dự án không có nghĩa là DN có thể đưa vào kinh doanh ngay. Với quy định này, 2, 3 năm nữa lúc đó thị trường tốt lại thì sẽ làm chúng ta mất thế chủ động để đón đầu sự bùng nổ. Sau đại dịch này với những thành quả của Chính phủ và toàn xã hội sẽ kích thích người nước ngoài chọn VN là điểm đến an toàn và chọn nơi đây là ngôi nhà thứ hai. Lợi thế của chúng ta chính là biển và khí hậu ven biển. Đây sẽ là nguồn ngoại tệ lớn khi đất nước vừa trải qua khó khăn do đại dịch, giá dầu giảm mạnh, giảm thu ngân sách”, ông Trung phân tích và nói thêm rằng nếu ngành BĐS khó khăn thì các ngành vật liệu xây dựng cũng khó khăn. Nhà không có thì lấy chỗ nào ở để mua sắm kích thích tiêu dùng.