Siêu dự án Sông Hồng City sau 27 năm vẫn 'dậm chân tại chỗ'

06/09/2021 08:33

Mặc dù chủ đầu tư Sông Hồng City có văn bản bày tỏ nguyện vọng tiếp tục thực hiện dự án và cam kết triển khai ngay sau khi nhận được mặt bằng. Tuy nhiên, dự án sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn.

Mặc dù chủ đầu tư Sông Hồng City có văn bản bày tỏ nguyện vọng tiếp tục thực hiện dự án và cam kết triển khai ngay sau khi nhận được mặt bằng. Tuy nhiên, dự án sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn.

Siêu dự án Sông Hồng City sau 27 năm từ ngày có Quyết định chủ trương đầu tư vẫn "dậm chân tại chỗ"

Siêu dự án FDI "đời đầu" mắc cạn

Dự án Sông Hồng City là một trong các dự án bất động sản lớn nhất trong giai đoạn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đánh dấu quan hệ hữu nghị song phương Việt Nam – Singapore về đầu tư – thương mại và dự án này cũng liên tục nhận được sự quan tâm và ủng hộ của Đại sứ quán Singapore trong những năm vừa qua.

Tại thời điểm bắt đầu, để thực hiện dự án, Công ty Phát triển đô thị đã được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 1059/GP do Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp ngày 29/11/1994 và giấy phép đầu tư điều chỉnh số 1059/GPDC do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp ngày 19/8/1997.

Siêu dự án Sông Hồng City có mục tiêu xây dựng một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu nhà văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê tại Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình với tổng diện tích 51.300 m2. Tổng vốn đầu tư tại thời điểm đăng ký là 240 triệu USD với tiến độ trong vòng 08 năm kể từ ngày 29/11/1994 và có thời hạn 45 năm từ ngày 29/11/1994.

Về tiến độ của dự án, theo thông tin từ UBND TP. Hà Nội, đến nay nhà đầu tư đã ký hợp đồng thuê đất ngày 18/04/1995 và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Quyết định số 3299/QĐ-UB của UBND Thành phố Hà Nội ngày 05/9/1995, thời hạn sử dụng 45 năm kể từ ngày 29/11/1994 đến 29/11/2039).

UBND quận Ba Đình và Tây Hồ cũng đã thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng, được biết, từ năm 2002, đơn vị đầu tư dự án đã ký hợp đồng liên kết giữ an ninh trật tự với Công an phường Yên Phụ và cho UBND phường Phúc Xá mượn một phần mặt bằng của Dự án để làm sân thể thao và làm dịch vụ kết hợp bảo vệ.

Về quy hoạch, dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 2767/QĐ-UB ngày 01/8/1995 của UBND Thành phố Hà Nội.

Việc một dự án có quy mô lớn ngay tại địa bàn Hà Nội bị “treo” đến 27 năm đang tạo ra rất nhiều hệ lụy xấu. Bên cạnh việc làm xấu hình ảnh môi trường thu hút đầu tư của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung cũng như ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác đầu tư song phương Việt Nam - Singapore thì sự “lầy lội” của siêu dự án Sông Hồng City cũng khiến người dân có đất trong quy hoạch không được cấp giấy chứng quyền sử dụng đất, không được cải tạo, sửa chữa nhà dù xuống cấp ở để ổn định cuộc sống.

Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, vừa qua liên danh thực hiện dự án Sông Hồng City (giữa nhà đầu tư nước ngoài - Antara Koh Development (V) Pte., Ltd và phía Việt Nam là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội) đã có văn bản bày tỏ nguyện vọng tiếp tục thực hiện Dự án và cam kết triển khai ngay sau khi nhận được mặt bằng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy để có thể triển khai, siêu dự án này sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khó khăn, vướng mắc cả khách quan và chủ quan.

Siêu dự án Sông Hồng City từng được kỳ vọng sẽ tạo ra một "Seoul thu nhỏ" ngay tại Hà Nội. Ảnh: Mogi

Loạt vướng mắc tiếp tục "níu chân" nhà đầu tư

Trong thông tin trả lời thắc mắc cử tri mới đây, UBND TP. Hà Nội đã nhận định việc siêu dự án Sông Hồng City bị treo từ năm 1994 đến nay có nhiều nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh vào sự thay đổi quy định pháp luật nhà nước về quy hoạch đê điều, quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu qua các thời kỳ.

Cụ thể, về chủ quan, trong giai đoạn từ năm 1997-2001, do ảnh hưởng và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực Châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án bị ngừng triển khai.

Về nguyên nhân khách quan, dự án bị ngừng triển khai do có sự thay đổi pháp luật Đê điều và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bên bờ Sông Hồng.

Cụ thể, từ năm 2001, dự án bị ngừng triển khai do chưa phù hợp quy định của Pháp lệnh Đê điều (hiệu lực từ 01/01/2001). Sau khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, Dự án thuộc quy hoạch thoát lũ.

Vào tháng 2/2016, tại Quyết định số 257/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Sau đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết để trình HĐND Thành phố thông qua. Tuy nhiên, sau đó việc lập quy hoạch tạm dừng để xin ý kiến hướng dẫn đảm bảo phù hợp Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019).

Bên cạnh đó, vị trí khu đất thực hiện dự án Sông Hồng City cũng nằm trong vùng cảnh quan hai bên sông Hồng thuộc khu vực UBND Thành phố đang triển khai lập quy hoạch phân khu R4. Theo đó, tại văn bản số 5601/UBND-XD ngày 06/7/2011, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh bất động sản.

Hiện nay, Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đang được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội triển khai nghiên cứu lập theo Nhiệm vụ Quy hoạch đã được UBND Thành phố phê duyệt (tại Quyết định số 4770/QĐ- UBND ngày 23/10/2012).

Trước những khó khăn, vướng mắc để có thể đưa dự án Sông Hồng City vào triển khai, mới đây tại văn bản trả lời thắc mắc, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 18 của HĐND thành phố khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành gồm: Quy hoạch Kiến trúc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Quy hoạch Xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác lập và phê duyệt quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu làm cơ sở để Nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án theo quy định pháp luật hiện hành.

Theo Lê Sáng/Diễn đàn doanh nghiệp