Giao dịch gần nhất cho thấy Công ty Việt Úc được các nhà đầu tư định giá khoảng trên 330 triệu USD (7.425 tỷ đồng), cao hơn khá nhiều so với Thủy sản Minh Phú (6.135 tỷ đồng).
Khu nuôi tôm của Công ty thủy sản Việt Úc
Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc (Viet Uc Seafood), doanh nghiệp dẫn đầu về tôm giống tại Việt Nam đạt doanh thu năm 2018 đạt 1.424 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2017.
Dù quy mô doanh thu không lớn so với các công ty thủy sản, điểm đặc biệt của Việt Úc đó là luôn duy trì biên lợi nhuận vượt trội qua các năm. Công ty báo cáo lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 493 tỷ đồng, tương đương với biên lợi nhuận ròng đạt 35%.
Nếu so với những công ty thủy sản lớn khác như Minh Phú hay Vĩnh Hoàn, tỷ suất sinh lời của Việt Úc cao hơn nhiều. Năm 2018, “vua tôm” Minh Phú đạt 902 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trên doanh thu thuần khoảng 17.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận chỉ khoảng 5,2%. Còn Vĩnh Hoàn đạt doanh thu hơn 9.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.452 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận 15,2%.
Thay vì tập trung chế biến, xuất khẩu, Việt Úc phát triển lĩnh vực lõi là công nghệ sản xuất ra tôm giống chất lượng cao. Qua đó, công ty có giá trị hàng tồn kho rất thấp và gần như không vay nợ ngân hàng. Lượng tiền mặt của Việt Úc cũng khá dồi dào, 226 tỷ đồng tính tới cuối năm 2018.
Lãi lớn trong 2 năm các năm gần đây giúp công ty tích lũy được 1.325 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi đó vốn điều lệ của công ty chỉ là hơn 102 tỷ đồng.
Tháng 7 năm ngoái, Việt Úc đã phát hành riêng lẻ 1.003.794 cổ phần với giá 764.843 đồng trên mỗi cổ phần cho các quỹ đầu tư STIC Investment của Hàn Quốc. Quỹ này sau đó nắm giữ 9,8% cổ phần tại công ty.
Trong giao dịch này Công ty thủy sản Việt Úc được các nhà đầu tư định giá khoảng 330 triệu USD (7.425 tỷ đồng), cao hơn khá nhiều so với mức định giá hiện tại của Minh Phú (6.135 tỷ đồng) và chỉ thấp hơn khoảng 10% so với Thủy sản Vĩnh Hoàn (8.196 tỷ đồng).
Tuy nhiên sau đó, Công ty chi số tiền tương đương để mua lại cổ phiếu từ ông Lương Thành Văn, người đang là Tổng Giám đốc công ty và hủy bỏ số cổ phiếu quỹ này. Sau hai giao dịch trên, vốn điều lệ đăng ký của công ty không thay đổi.
Những cổ đông chính của Việt Úc hiện tại bao gồm Công ty Viet Uc Singapore nắm giữ 56%, Công ty Viet Uc HongKong nắm giữ 11,5%, các quỹ STIC nắm giữ 9,8% và ông Lương Thanh Văn nắm giữ 9,8%.
Hiện nay, ngoài trụ sở tại Bình Thuận, Viet Uc Seafood có 6 công ty sản xuất tôm giống tại Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Ninh Thuận, Bình Định, Nghệ An. Đồng thời công ty đang xây dựng thêm các công ty giống tôm tại Quảng Ninh và Sóc Trăng.
Tổng công suất của Viet Uc Seafood công bố là trên 50 tỷ con giống/năm. Sản lượng tốm giống công ty này cung cấp trong 3 năm qua chiếm khoảng 24% thị phần tôm giống cả nước.
Ngoài các nhà máy sản xuất tôm giống đang hoạt động, Việt Úc thời gian qua đã đầu tư lớn thêm một số lĩnh vực khác. Công ty đang cho xây dựng nhà máy sản xuất cá tra tại tỉnh An Giang; nhà máy sản xuất tôm thương phẩm tại Bạc Liêu, Bình Định; nhà máy sản xuất tôm bố mẹ tại Ninh Thuận,…
Riêng tôm thương phẩm, công ty đã đầu tư lớn vào các khu phức hợp nuôi siêu thâm canh với công nghệ cao trong nhà kính trên quy mô lớn. Với mục tiêu cung cấp ra thị trường “con tôm hoàn hảo” – truy xuất được nguồn gốc và bảo đảm an toàn VSTP, công ty đang xây dựng tiếp các khu phức hợp (từ nuôi tôm bố mẹ, tôm giống, nuôi siêu thâm canh đến chế biến tại Bạc Liêu (315 ha), Bình Định (300 ha), Quảng Ninh (300 ha).
Theo Việt Hưng/Nhà Quản trị