Một trong những năng lực cốt lõi của tư duy là khả năng giải quyết vấn đề. Vậy, đâu là điểm khác biệt giữa nhóm người "việc gì cũng biết làm" và nhóm người chỉ biết khoanh tay đứng nhìn trước những thách thức khó khăn?
Câu chuyện thứ nhất:
Hãy hình dung hai con diều hâu. Một con có thị lực tốt và một con bị cận thị. Cả hai con đều sống bằng nguồn thức ăn là ếch, chuột và thằn lằn. Từ trên cao, con diều hâu có thị lực tốt có thể nhìn thấy và nhận ra một con ếch. Nó lao xuống và ăn con ếch đó. Vì con diều hâu này có thị lực tốt nên nó có thể sống nhờ vào nguồn thức ăn là ếch và nhanh chóng quên đi nguồn thức ăn khác là chuột và thằn lằn.
Con diều hâu bị cận thị không thể làm điều tương tự. Con diều hâu này phải tạo ra một khái niệm tổng quát về "những vật nhỏ chuyển động". Bất kể khi nào nhìn thấy một vật nhỏ chuyển động, con diều hâu sẽ lao xuống.
Đôi khi nó bắt được một con ếch, có khi là con chuột, khi khác là con thằn lằn, và thỉnh thoảng cũng có thể là một món đồ chơi của trẻ con. Đa số mọi người sẽ ngay lập tức xem con diều hâu có thị lực tốt là con diều hâu mạnh hơn. Nhưng trong một số trường hợp nhận định đó có thể sai.
Con diều hâu cận thị vẫn sẽ sống được mà không gặp phải khó khăn gì lớn. Đó là vì con diều hâu cận thị có sự linh hoạt. Sự linh hoạt này nảy sinh từ việc sáng tạo ra khái niệm tổng quát, khái quát và không rõ nét về "những vật nhỏ chuyển động".
Câu chuyện thứ hai:
Một số sinh viên ngành điện được giao nhiệm vụ hoàn thành một mạch điện đơn giản. 97% sinh viên than phiền rằng họ không có đủ dây điện để hoàn thành mạch điện. Chỉ 3% sinh viên còn lại hoàn thành được mạch điện. Nhóm 97% muốn có "dây điện", và vì không có dây điện nên họ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Nhóm 3% thì có một khái niệm khái quát, chung chung và không rõ nét về "vật kết nối". Vì không có dây điện nên họ đã nhìn xung quanh mình để tìm một vật kết nối khác. Họ đã sử dụng chiếc tua vít để nối mạch điện hoàn chỉnh.
Hầu hết những lợi thế của bộ não con người trong vai trò bộ máy tư duy đều bắt nguồn từ những nhược điểm của nó trong vai trò là bộ máy thông tin. Bởi vì bộ não không lập tức hình thành những hình ảnh chi tiết và chính xác, nên chúng ta có một kho lưu trữ những hình ảnh mờ ảo, khái quát và chung chung, những hình ảnh mà sau này sẽ trở thành các khái niệm.
Những hình ảnh mờ ảo, khái quát và chung chung này hết sức hữu dụng trong tư duy.
Hãy xem xét sự khác nhau giữa hai yêu cầu sau:
- "Tôi muốn một ít keo để ghép hai miếng gỗ này lại với nhau."
- "Tôi muốn một cách nào đó để ghép hai miếng gỗ này lại với nhau."
Yêu cầu đầu tiên rất cụ thể. Nếu không có keo dán thì nhiệm vụ này không thể hoàn thành. Nhưng có khi keo không phải là cách tốt nhất để ghép hai miếng gỗ lại với nhau trong trường hợp này.
Yêu cầu thứ hai gợi ra nhiều cách khác để ghép hai miếng gỗ lại với nhau: keo, đinh, vít, kẹp, dây thừng, khớp nối… Yêu cầu này vừa cho phép ta linh hoạt sử dụng công cụ khác nếu không có keo, vừa giúp ta có thể cân nhắc những phương án khác.
Người tư duy tốt là người rất giỏi đi từ chi tiết đến tổng thể, từ đặc trưng đến khái quát – rồi đi ngược lại.
Khi tìm cách giải quyết một vấn đề nào đó, đầu tiên chúng ta thường phải xem xét chúng một cách khái quát. "Chúng ta cần một cách nào đó để gắn cái này lên tường." Sau đó chúng ta tiến hành thu hẹp cái khái quát thành cái cụ thể.
Cuối cùng, chúng ta chỉ có thể "thực hiện" những việc cụ thể. Nhưng các khái niệm khái quát và không rõ ràng sẽ mang đến cho chúng ta phạm vi tìm kiếm rộng hơn, suy nghĩ linh hoạt hơn và có cơ hội đánh giá nhiều phương án lựa chọn khác nhau hơn.
Khả năng đi từ chi tiết đến tổng quát thường được gọi là sự trừu tượng hóa.
Phương pháp học theo cách của tỷ phú công nghệ Elon Musk
#1 Học qua nhiều kiểu viết chữ "A" khác nhau
#2 Chỉ nhìn vào một trường hợp duy nhất, chữ "A" nào trông cũng giống nhau
Trong cuốn sách "Tự rèn luyện cách tư duy", Ts. Edward De Bono – một trong 250 người có đóng góp nhiều nhất cho thế giới đã đưa ra mô hình tư duy, giải quyết vấn đề theo 5 giai đoạn nhằm tận dụng tư duy trừu tượng và sự sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi người:
Năm giai đoạn tư duy – Nghiên cứu của TS. Edward De Bono
To ( Tôi muốn đi đến đâu)
Ở giai đoạn này chúng ta cần phải rõ ràng về những gì chúng ta tư duy và những gì chúng ta muốn đạt tới. Cần xác định và tái xác định mục đích tư duy. Giúp chúng ta có thể xác định được đúng cách để giải quyết vấn đề.
Lo (Giai đoạn thông tin)
Giai đoạn này thể hiện thông tin sẵn có và thông tin mà chúng ta cần. Tình huống là gì? Chúng ta biết gì? Nhận thức cũng xuất hiện trong giai đoạn này. Giúp chúng ta cố gắng tập hợp và trình bày thông tin cần thiết cho quá trình suy nghĩ của mình.
Po (Có những khả năng nào)
Đây là giai đoạn của các khả năng. Ở đây ta tạo ra các giải pháp và cách tiếp cận khả năng có xảy ra. Chúng ta làm điều đó bằng cách nào? Giải pháp là gì? Đây là giai đoạn sản sinh. Trước Po có hai giai đoạn tư duy và sau Po cũng là hai giai đoạn tư duy vì vậy đây là đường liên kết giữa đầu vào và đầu ra của cả quá trình.
So (Kết quả là gì )
Đây là giai đoạn thu hẹp, kiểm tra và chọn lựa các khả năng. Nó kết luận, quyết định và chọn lựa. Giúp chúng ta cho ra kết quả tốt nhất.
Go (Đưa suy nghĩ vào hành động)
Giai đoạn này thể hiện "bước hành động". Bạn dự định làm gì? Tiếp theo sẽ làm gì? Suy nghĩ của bạn dẫn tới điều gì? Bạn cần phải làm gì để xử lý được vấn đề mà đặt ra từ đầu.
(Lược trích từ cuốn sách ‘Tự luyện cách tư duy - Edward De Bono’)
Theo Trí Thức Trẻ