Cơn sốt đất tại Hòa Liên, Hòa Vang (Đà Nẵng) mới đây như mưa rào thoáng qua đã khiến nhiều nhà đầu tư giật mình và không thoát ra được. Theo một số chuyên gia, đây là cơn sốt ảo do giới đầu cơ tung tin nhằm trục lợi.
Hàng trăm nhà đầu cơ đã đổ xô đi mua đất tại Hòa Liên với kỳ vọng sau khi quy hoạch cảng Liên Chiểu,nơi đây sẽ được thay da, đổi thịt. Nguồn: Internet
Hàng trăm nhà đầu cơ đã đổ xô đi mua đất tại Hòa Liên với kỳ vọng sau khi quy hoạch cảng Liên Chiểu, nơi đây sẽ được thay da, đổi thịt. Tuy nhiên, cảng Liên Chiểu chưa thấy đâu, cơn sốt đất qua đi rất nhanh, điều đọng lại là nhiều nhà đầu cơ ôm "quả đắng".
Giới đầu cơ đẩy giá
Là một công chức tại Bộ Công Thương vừa được luân chuyển vào Đà Nẵng công tác, xác định có thể ở lại thành phố này lâu dài, hồi đầu tháng 10/2018, anh Lê Hải đã quyết định tìm mua đất tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, anh ngạc nhiên đất tại Hòa Liên tăng lên "chóng mặt".
Theo anh, mới chỉ hồi nửa cuối tháng 9/2018, một người bạn giới thiệu cho anh một mảnh đất gần 80 m2 có giá 700-800 triệu đồng. Nhưng nay quay lại giá đã đẩy lên từ 1,2 – 1,6 tỷ đồng, anh đành phải tìm cơ hội khác.
Chỉ vài ngày sau, người bạn của anh gọi điện thoại báo đất tại Hòa Liên lại hạ nhiệt một cách nhanh chóng, anh nên quay lại để quyết định có mua hay không.
Sự ngắn ngủi bất thường của cơn sốt đất tại Hòa Liên vừa qua được nhiều chuyên gia trên thị trường bất động sản nhận định là rất "lạ lùng". Khác với các cơn sốt đất trước đó tại các đặc khu kinh tế suốt từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018,.
Lý giải về nguyên nhân của thực trạng này, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản lớn tại Đà Nẵng cho rằng sốt đất diễn ra tại Hòa Liên trên thực tế là hoạt động "làm giá" của một nhóm đầu cơ có tổ chức, có kịch bản, có vốn lớn đã được chuẩn bị rất kỹ.
Các nhà đầu cơ này đã âm thầm mua đất tại Hòa Liên từ thời gian trước với mức giá rẻ, sau đó lợi dụng thông tin về quy hoạch, bằng mọi cách tung ra thị trường các tin sốt nóng.
Do đó, giá đất đã bị đẩy cao trong thời gian ngắn nhằm tạo hiệu ứng thị trường, khiến cho giới đầu cơ và người dân thấy được một kịch bản rằng bất động sản khu vực này đang giao dịch rất sôi động.
Thực chất, đây là hành động "dụ" nhà đầu tư đổ tiền vào mua các bất động sản. Khi các nhà đầu tư đổ tiền vào cũng là lúc giới đầu cơ thành công. Các nhà đầu cơ sẽ âm thầm rút khỏi thị trường, đồng nghĩa với việc giá sẽ quay đầu giảm sâu, khiến các nhà đầu tư không kịp thoát ra.
Một số chuyên gia bất động sản cũng cho rằng nhiều nhà đầu tư ngỡ cơn sốt đất tại Đà Nẵng đã quay lại. Tuy nhiên, nếu như cơn sốt đất từ đầu năm còn có chút giá trị thật do sự điều chỉnh tăng giá đất của thành phố thì với cơn sốt đất lần này, tất cả các giá trị đều là "ảo".
Nhận xét về cơn sốt đất diễn ra chóng vánh tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng bản chất mọi hiện tượng sốt đất đều bắt nguồn từ các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng của các địa phương. Như ở Hòa Liên, xuất phát từ thông tin quy hoạch một số hạ tầng giao thông và Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng cảng Liên Chiểu.
Tăng cường quản lý của Nhà nước
Bài học về trường hợp sốt đất như tại Hà Nội trước đây cho thấy khi có thông tin quy hoạch một đại lộ từ Hà Nội lên Ba Vì (có tên là Đại lộ Thăng Long) và phát triển một khu hành chính tại Ba Vì đã làm xuất hiện một cơn sốt đất trong suốt một thời gian dài, gây hậu quả lớn cho các nhà đầu tư đến tận bây giờ.
Hoặc tại Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn, thông tin Quốc hội sẽ thông qua Luật Đặc khu đã đẩy giá đất tại các khu vực này lên gấp nhiều lần, khiến Chính phủ phải vào cuộc.
Ở một góc nhìn khác, ông Đính cho rằng khu tái định cư Hòa Liên là vùng nông thôn nằm cách trung tâm Tp Đà Nẵng 18km về phía Tây Bắc. Suốt thời gian dài, cơ sở hạ tầng khu dân cư như đường sá, điện, nước vẫn chưa hoàn thiện.
"Thị trường bất động sản tại đây không có bất kỳ yếu tố nào để giá đất tăng đột biến, nên các nhà đầu tư đã sớm nhận ra điều này và cơn sốt đất đã không thể kéo dài", ông Đính nói.
Nhận định về thực trạng sốt đất trên thị trường bất động sản, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thừa nhận nhiều sàn giao dịch bất động sản không chuyên, làm ăn chộp giật, thiếu uy tín, đã đưa ra các thông tin sai lệch về quy hoạch, tạo hiện tượng tranh mua, tranh bán, hết hàng, cháy hàng ảo.
Đặc biệt, ông Đính cho rằng hiện nay, việc sốt đất ảo là do các nhà môi giới không chuyên, các nhà đầu cơ thao túng thị trường phần lớn đều diễn ra tại các địa phương thiếu sự quản lý của các cơ quan nhà nước.
Ông Đính kiến nghị, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, xã phường, quận huyện tại địa phương và các cơ quan chức năng như sở xây dựng phải nâng cao trách nghiệm hơn trong hoạt động quản lý thị trường, thường xuyên giám sát kiểm tra việc phát triển các dự án bất động sản, hoạt động của các sàn giao dịch.
"Các địa phương quản lý được các vấn đề này chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều các nhà đầu tư, môi giới tung tin không đúng về thị trường bất động sản, gây sốt ảo để lừa dối khách hàng, gây rủi ro cho người tiêu dùng", ông Đính nhấn mạnh.
Theo Minh Trang/thoibaokinhdoanh.vn